1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Iran chiếu laser khiến trực thăng Mỹ mất phương hướng

Theo Tư lệnh Bill Urban, việc chiến hạm Iran chiếu laser vào trực thăng Mỹ có thể khiến phi công bị ảnh hưởng tầm nhìn nghiêm trọng và mất phương hướng.

Vũ khí không xác định

CNN dẫn tuyên bố của Tư lệnh Bill Urban, phát ngôn viên Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ cho biết, hôm 13/6, biên đội tàu chiến Mỹ đã chạm trán ở mức độ không an toàn với tàu Iran khi nhóm tàu này di chuyển qua Eo biển Hormuz.

Theo vị phát ngôn viên này, nhóm tàu Mỹ gồm tàu tấn công đổ bộ USS Bataan, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Cole và chiếc tàu hậu cần chở theo hàng khô USNS Washington Chambers và trực thăng CH-53E khi di chuyển qua Eo biển Hormuz đã bị tàu Iran tiến lại gần chiếc USS Bataan ở khoảng cách 731m.

Trong khoảng thời gian tiến lại gần, tàu Iran đã thực hiện hành động thiếu chuyên nghiệp khi chiếu sáng vào tàu USS Bataan và tàu USS Cole, quét từ phần mũi đến đuôi tàu. Bất chấp động thái gây hấn của phía Tehran, các thủy thủ Mỹ vẫn kiềm chế, do đó đã không xảy ra sự cố gì.


Trực thăng CH-53E bay bên trên tàu USS Cole.

Trực thăng CH-53E bay bên trên tàu USS Cole.

Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt nguy hiểm đã xảy ra với chiếc CH-53E bay phía trên nhóm tàu Mỹ khi các thủy thủ Iran liên tiếp chiếu laser vào chiếc thực thăng này. Hành động này theo Tư lệnh Urban là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".

Dù không xảy ra sự cố nào nhưng theo Tư lệnh Bill Urban: "Việc chiếu laser vào chiếc CH-53E khi bay đêm cực kỳ nguy hiểm bởi nó cản trợ việc định hướng, ảnh hưởng đến tầm nhìn và khiến phi công mất phương hướng.

Phát ngôn viên Bill Urban cho biết thêm, ngoài thiết bị chiếu laser, chiếc tàu Iran còn được trang bị tên lửa khi tiếp cận nhóm tàu Mỹ còn được trang bị cả tên lửa.

Theo nguồn tin từ Hạm đội 5 của Mỹ, đây là lần thứ 2 chiến hạm Mỹ bị tàu Iran chiếu laser khi di chuyển qua Eo biển Hormuz trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Mỹ không biết chính xác thiết bị đã nhắm bắn họ là thứ gì, sức mạnh thật sự của nó ra sao, nhưng Mỹ tin chắc rằng đây khó có thể là một thiết bị quân sự chuyên dụng, vì không có thiệt hại nào cho Mỹ.

Điểm nóng

Eo biển Hormuz là khu vực đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, đặc biệt đây là con đường vận chuyển đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới. Và để tăng cường giám sát Eo biển Hormuz, Iran đã triển khai nhiều phương tiện và vũ khí tại đây.

Theo Press TV, ngay từ năm 2014, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, lực lượng này đã triển khai các máy bay không người lái quanh Eo biển Hormuz ở phía nam nước này.

Chuẩn Đô đốc Ali Fadavi, Tư lệnh hải quân thuộc IRGC, cho rằng, IRGC đã triển khai các máy bay không người lái tại các căn cứ quân sự của Iran xung quanh khu vực chiến lược này.

"Chúng tôi đã thiết lập các căn cứ máy bay không người lái ở cả phía đông, phía tây và phía bắc Eo biển Hormuz, tiến hành các chuyến bay liên tục trên khu vực này cũng như ở phía bắc vịnh Persian," ông cho biết.

Theo chuẩn Đô đốc Fadavi, IRGC sử dụng nhiều loại máy bay không người lái khác nhau để tiến hành các sứ mệnh "giám sát, trinh sát và tác chiến". Chúng được trang bị cùng một loại tên lửa hành trình như những tên lửa được triển khai trên các tàu chiến hoặc tại các khu vực ven biển.

"Chúng tôi hiện đã trang bị tên lửa đối hạm trên các tàu chiến, trên bờ biển và trên máy bay trực thăng và chúng tôi có thể trang bị các tên lửa tầm trung trên máy bay không người lái để sẵn sàng đối phó với bất cứ sự gây hấn nào từ đối phương", ông cho biết thêm.

Tuấn Hưng

Theo Báo Đất việt