Indonesia lo ngại "xung đột lan rộng" vì luật hải cảnh mới của Trung Quốc
(Dân trí) - Indonesia bày tỏ mối quan ngại về kịch bản "xung đột lan rộng" trong lãnh hải nước này ở xung quanh quần đảo Natuna, sau khi Trung Quốc ban hành luật mới cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài.
Theo SCMP, người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla), phó đô đốc Aan Kurnia đã cảnh báo luật hải cảnh Trung Quốc mới ban hành có thể làm tăng nguy cơ gây ra "xung đột lan rộng" trong lãnh hải Indonesia xung quanh quân đảo Natuna - nơi 2 bên từng xảy ra đụng độ trên biển trước đó.
"Với việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trên Biển Đông và phản ứng từ các nước lớn có lợi ích ở khu vực có thể dẫn tới kịch bản leo thang xung đột", ông Aan nhận định.
Từ đầu tháng, luật hải cảnh mới của Trung Quốc đã đi vào hiệu lực, cho phép các tàu của lực lượng trên dùng mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả tấn công phủ đầu, chống lại mối đe dọa từ các tàu nước ngoài ở trên vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về luật mới, trong khi phía Nhật Bản bày tỏ "mối quan ngại mạnh mẽ" về động thái mới của Bắc Kinh.
Giới quan sát đã lo ngại việc Trung Quốc có thể áp dụng luật mới, khi nước này tuyên bố yêu sách chủ quyền phi pháp với phần lớn Biển Đông thông qua cái gọi là "đường chín đoạn" - khái niệm đã bị cộng đồng quốc tế mạnh mẽ bác bỏ.
Indonesia nhiều lần khẳng định nước này không phải là một bên tranh chấp trên Biển Đông và cũng không có quyền tài phán chồng lấn với Trung Quốc. Tuy nhiên, các yêu sách của Bắc Kinh đưa ra lại bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây là một trong những lý do khiến quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng.
Theo SCMP, ngày càng nhiều quan chức Indonesia dường như bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa tới chủ quyền của Indonesia.
Một bài viết đăng hồi tháng 12/2020 của Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Lục quân Indonesia đã nhận định kịch bản "các cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào quần đảo Natuna có khả năng xảy ra".
Tháng 9 năm ngoái, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, đã khiến Jakarta gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh. Tháng trước, Bakamla đã chặn một tàu khảo sát Trung Quốc đi qua tuyến đường biển thuộc quần đảo Indonesia khi tàu này tắt hệ thống nhận dạng tự động AIS 3 lần. Khi bị chặn lại, thủy thủ trên tàu nói hệ thống đã bị hỏng.