1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài

An Bình

(Dân trí) - Trung Quốc đã thông qua luật cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, giữa lúc Bắc Kinh bị phản đối dữ dội vì các yêu sách chủ quyền phi lý.

Trung Quốc cho phép hải cảnh bắn tàu nước ngoài - 1

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Trung Quốc hôm nay đưa tin, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của nước này, ngày 22/1 đã thông qua Luật hải cảnh.

Theo dự luật được công bố trước đó, hải cảnh được phép sử dụng "tất cả các biện pháp cần thiết" để ngăn chặn hoặc đề phòng các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Luật chỉ rõ các trường cụ thể trong đó các loại vũ khí khác nhau - cầm tay, phóng từ tàu hay từ trên không - được phép sử dụng.

Luật còn cho phép các nhân viên cảnh sát phá hủy thực thể của các nước khác được xây dựng trên các đá mà Trung Quốc đòi chủ quyền, đổ bộ và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ngoài ra, luật còn trao quyền cho hải cảnh thiết lập các vùng cấm tạm thời "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu và người khác đi vào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng luật trên phù hợp với các thông lệ quốc tế. Điều đầu tiên trong luật giải thích luật này là "cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc".

Luật trên được thông qua 7 năm sau khi Trung Quốc sát nhập các cơ quan thực thi luật pháp hàng hải dân sự để tạo thành Cục hải cảnh.

Sau khi cục trên nằm dưới sự chỉ huy của Cảnh sát Trung Quốc vào năm 2018, nó đã trở thành một nhánh hoàn chỉnh của các lực lượng vũ trang.

Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở Hoa Đông. Bắc Kinh đã điều hải cảnh đuổi các tàu cá của các quốc gia khác, thậm khí khiến các tàu này bị chìm.

Tại Biển Đông, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển dựa trên cái gọi là "đường chín đoạn" hay "đường lưỡi bò phi pháp". Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.

Trong một động thái mới nhất, Nhật Bản ngày 19/1 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, nhiều nước như Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Indonesia, Philippines... cũng gửi các công hàm tương tự bác bỏ các đòi hỏi quá đáng, phi lý của Bắc Kinh.