1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Houthi bắt giữ tàu "có liên hệ với Israel", nguy cơ xung đột leo thang

Thanh Thành

(Dân trí) - Lực lượng Houthi tại Yemen đã bắt giữ một tàu chở hàng "có liên hệ với Israel" ở Biển Đỏ và giữ 25 thành viên thủy thủ đoàn làm con tin, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Houthi bắt giữ tàu có liên hệ với Israel, nguy cơ xung đột leo thang - 1

Tàu hàng Galaxy Leader bị bắt ngoài khơi Yemen (Ảnh: Reuters).

Theo nguồn tin, vào cuối tuần qua các thành viên của nhóm Houthi đã dùng trực thăng đổ bộ lên tàu hàng Galaxy Leader, nhanh chóng kiểm soát phương tiện này và bắt giữ con tin. Con tàu bị bắt giữ khi đang ở ngoài khơi Al Hodeida, Yemen khi đang đi đến Ấn Độ.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, nhóm Houthi, hiện đang nắm quyền kiểm soát miền bắc Yemen, cho biết đang đưa tàu hàng này đến bờ biển Yemen và sẽ tiếp tục nhắm vào các tàu có liên hệ với Israel vì các cuộc tấn công tại Gaza.

Theo nhóm này, họ bắt tàu Galaxy Leader vì có liên quan đến Israel và sẽ tiếp tục bắt giữ các con tàu khác có liên quan hoặc thuộc sở hữu của Tel Aviv, dù là trên vùng biển quốc tế, cho đến khi xung đột Israel - Hamas chấm dứt.

"Tất cả các tàu thuộc về Israel hoặc có liên quan đến Israel đều sẽ trở thành mục tiêu chính đáng", tuyên bố của Houthi nêu rõ.

Trước đó vào ngày 20/11, Houthi cũng đã công bố video về vụ việc này trên kênh Al Masirah, trong đó quay cảnh trực thăng chở các thành viên của lực lượng này tiếp cận tàu hàng Galaxy Leader từ phía sau. Sau khi trực thăng đáp lên tàu Galaxy Leader, các thành viên Houthi tới buồng lái và khống chế thủy thủ đoàn trong đó.

Đoạn video cũng cho thấy các thành viên Houthi di chuyển tới các khu vực bên trong con tàu, một tay súng hô các khẩu hiệu của lực lượng này trên bộ đàm. Hình ảnh video cũng cho thấy một số xuồng cao tốc của Houthi hộ tống tàu hàng về cảng ở Yemen sau đó.

Tàu Galaxy Leader được đăng ký dưới tên một công ty của Anh, do Công ty vận tải biển Nippon Yusen của Nhật Bản vận hành và treo cờ Bahamas.

Trong khi đó, các nhà môi giới ở Trung Đông xác định, con tàu này thuộc sở hữu công ty Ray Car Carriers. Công ty này được đăng ký tại Isle of Man và một trong những chủ sở hữu của nó là doanh nhân người Israel Abraham "Rami" Ungar, một trong những người giàu nhất nước này.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời nói thêm rằng, không có công dân Israel nào trong số 25 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt giữ.

Văn phòng Thủ tướng Israel thậm chí mô tả vụ bắt tàu là "hành động tấn công nhằm vào tàu hàng quốc tế do Iran thực hiện".

Tuy nhiên, Iran sau đó bác bỏ điều này. "Chúng tôi nhiều lần tuyên bố các nhóm kháng chiến trong khu vực đại diện cho quốc gia của họ, đưa ra quyết định và hành động dựa trên lợi ích quốc gia của họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani tuyên bố.

Hãng điều hành tàu ở Nhật Bản, NYK Line, cho biết tàu không chở hàng hóa vào thời điểm bị tấn công. Theo NYK Line, các thành viên thủy thủ đoàn là công dân Philippines, Bulgaria, Romania, Ukraine và Mexico. Nhật Bản hôm 20/11 đã lên án vụ bắt giữ của Houthi.

Kể từ khi xung đột Gaza bùng nổ, Houthi đã lên tiếng ủng hộ người Palestine và tổ chức các cuộc biểu tình ở Yemen chống lại cuộc tấn công của Israel ở Gaza. Houthi tuyên bố nhóm là một phần trong "trục kháng chiến" nhằm vào Israel. 

Việc nhóm này thực hiện các vụ tập kích nhằm vào Israel cùng với vụ bắt giữ tàu mới nhất này đã làm gia tăng quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông. Diễn biến này cũng hướng sự chú ý của quốc tế tới nhóm vũ trang nổi dậy có trụ sở quyền lực ở thủ đô Sanaa.

Theo Reuters