1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã việc Mỹ gấp rút triển khai 2 biên đội tàu sân bay đến Trung Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ chủ yếu muốn "nắn gân", ngăn xung đột Israel - Hamas lan rộng, nhưng cũng sẵn sàng cho các biện giải pháp quân sự khi cần thiết.

Giải mã việc Mỹ  gấp rút triển khai 2 biên đội tàu sân bay đến Trung Đông - 1

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành cả tuần qua cho các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng. Tuy nhiên, nếu nỗ lực đó không mang lại nhiều kết quả, Mỹ có thể phải tính đến biện pháp quân sự, Bloomberg bình luận.

Triển khai cùng lúc 2 biên đội tàu sân bay

Gần như ngay sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ hôm 7/10, Lầu Năm Góc đã chỉ thị triển khai biên đội tác chiến tàu sân bay Gerald R. Ford đến phía đông Địa Trung Hải. Biên đội tàu sân bay Dwight D. Eisenhower cũng đang trên đường đến.

Các tàu sân bay này đều mang theo các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và chiến đấu cơ hiện đại khác và được hộ tống bởi một số tàu tuần dương.

Một trong những nguồn lực quân sự đáng kể nhất của Mỹ là các biên đội tác chiến tàu sân bay. Tàu Gerald R. Ford được cho là đã và đang hỗ trợ Israel thu thập thông tin tình báo, nhưng những gì mà con tàu này có thể làm được còn nhiều hơn thế.

Phil Davidson, Đô đốc 4 sao đã nghỉ hưu, người chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay, cho biết các tàu sân bay mang lại cho Mỹ "sức mạnh tấn công đáng kể" trong khu vực.

Hai tàu sân bay trên có thể chở khoảng 80 máy bay có khả năng tác chiến. Chúng cũng được hộ tống bởi các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm được trang bị tên lửa dẫn đường Tomahawk. Chúng có khả năng hỗ trợ Israel phòng vệ.

Các tàu khu trục trong biên đội có thể "bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Israel trước khả năng bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran", ông Davidson nói.

"Những gì các tàu sân bay và phi đội bay mang lại cho Tổng thống là các lựa chọn. Chúng tôi biết rằng Iran đang theo dõi quy mô lực lượng của chúng ta", ông Frank McKenzie, một vị tướng từng chỉ huy quân đội Mỹ ở Trung Đông cho đến năm 2022, cho biết.

Ngoài 2 biên đội tàu sân bay, Lầu Năm Góc còn đặt 2.000 lính thủy quân lục chiến trong tình trạng sẵn sàng cao.

Lực lượng đổ bộ Bataan của Thủy quân lục chiến Mỹ và Đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 26, với số lượng hơn 4.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến, cũng sẽ bổ sung cho hạm đội của Mỹ triển khai ngoài khơi Israel.

Hiện giờ, chính quyền Tổng thống Biden nói rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn lực lượng vũ trang Hezbollah ở Li Băng và các lực lượng của Iran tham gia vào cuộc xung đột.

Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay, thông qua các kênh liên lạc trung gian như Qatar, Mỹ muốn đánh tiếng cho Iran rằng Washington hoàn toàn nghiêm túc về phương án sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần thiết.

Xung đột Israel - Hamas tiếp tục leo thang căng thẳng sau vụ Hamas bắn hơn 2.000 quả rocket về phía Israel hôm 7/10. Giao tranh khiến hơn 4.000 người ở Israel và Dải Gaza thiệt mạng.

Những kịch bản có thể xảy ra

Giải mã việc Mỹ  gấp rút triển khai 2 biên đội tàu sân bay đến Trung Đông - 2

Khói lửa bốc lên ở Gaza sau cuộc không kích của Israel ngày 9/10 (Ảnh: Reuters).

Mặc dù cam kết tăng cường hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với Hamas, nhưng hiện tại, Mỹ không có ý định triển khai lực lượng trên bộ ở đây.

"Chúng tôi không có kế hoạch hay ý định đưa lực lượng tác chiến trên bộ đến Israel", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 17/10 khẳng định.

Tuy nhiên, Bloomberg dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, trong một số trường hợp nhất định, Washington có thể tính đến phương án này.

Một trong những kịch bản nghiêm trọng nhất là Hezbollah tập kích rocket quy mô lớn nhằm vào Israel. Lực lượng Hezbollah ở Li Băng được cho là hiện sở hữu khoảng 130.000 quả rocket.

Giới chức Israel từng cảnh báo sẽ đáp trả quyết liệt nếu một vụ tấn công như vậy xảy ra và quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ hỗ trợ đáp trả. Tuy vậy, Tổng thống Biden hôm 18/10 bác bỏ tin tức nói rằng Mỹ đã cam kết sẽ tham chiến cùng Israel nếu Hezbollah tấn công.

Ở kịch bản khác, Hezbollah có thể tìm cách tấn công các căn cứ quân sự hoặc binh sĩ của Mỹ ở khu vực như từng làm trước kia. Nhóm vũ trang này bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom xe nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut, Li Băng vào năm 1983.

Ngoài ra, các nhóm ủy quyền của Iran ở Iraq hoặc Syria cũng có thể bắn tên lửa vào Israel hoặc thậm chí tấn công binh sĩ và căn cứ của Mỹ.

Trong trường hợp đó, Mỹ gần như chắc chắn sẽ đáp trả, Kenneth Pollack, cựu chuyên gia phân tích vấn đề Trung Đông của CIA, nhận định.

Vào tháng 3, Mỹ đã không kích nhằm vào các nhóm liên kết với Iran ở Syria sau khi cáo buộc nhóm này đứng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và 5 quân nhân bị thương.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những biện pháp răn đe của Mỹ đạt được kết quả.

Iran đầu tuần này cảnh báo khó tránh khỏi nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng. Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian nói: "Thời gian cho các giải pháp chính trị không còn nhiều và nguy cơ xung đột mở rộng ra các mặt trận khác không thể tránh khỏi". Ông cũng cho rằng Israel "đã hết thời gian".

Mặc dù vậy, Hezbollah có thể có những lý do riêng để không can dự vào xung đột Israel - Hamas bởi tham chiến có thể khiến lực lượng này mất dần sự ủng hộ ở Li Băng, nơi đang lún sâu trong khủng hoảng kinh tế.

Iran cũng có lý do để ngăn Hezbollah đẩy tình hình đi quá xa, Kenneth Pollack, cựu chuyên gia phân tích vấn đề Trung Đông tại CIA, nhận định. Ông nói: "Toàn bộ cách tiếp cận của Iran là họ có chiến lược dài hạn đối với Trung Đông và Israel. Cách tiếp cận này đang cho thấy hiệu quả và họ chỉ cần tiếp tục điều đó".

Theo Bloomberg, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas