Hợp tác Mekong-Lan Thương: Nâng cao năng lực chống hạn
Ngày 23/3 tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Tham gia đoàn có Lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và đại diện một số bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai,” Hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong-Lan Thương. Theo đó, 6 nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, và văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân.
Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong thời gian tới, hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong-Lan Thương, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong-Lan Thương.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương,” Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và Danh sách các dự án thu hoạch sớm.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tiểu vùng Mekong đang đứng trước nhiều cơ hội để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng phải xử lý nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác Mekong-Lan Thương có thể đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa 6 nước, hỗ trợ các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc.
Để thực sự phát huy tiềm năng, cơ chế hợp tác mới cần chú trọng: (i) quản lý và sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong trong bối cảnh hạn hán và xâm mặn ngày càng nghiêm trọng ở các nước hạ lưu sông Mekong; Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây phải là lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu của 6 nước Mekong-Lan Thương; (ii) thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng; (iii) hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững; và (iv) tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh hợp tác Mekong-Lan Thương cần có cách tiếp cận thực chất, có trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực và phối hợp hài hòa với các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác để tạo cộng hưởng và tác động lan tỏa.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất 3 dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương. Cả 3 dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/hop-tac-mekonglan-thuong-nang-cao-nang-luc-chong-han/377637.vnp