Hơn 50.000 người bị bắt, sa thải sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
(Dân trí) - Chiến dịch “thanh lọc” của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng mở rộng sau cuộc đảo chính bất thành cuối tuần qua. Đến nay, khoảng 50.000 người gồm binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức và giáo viên đã bị bắt giữ, đình chỉ công tác.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 19/7 đã chỉ thị Bộ Giáo dục của nước này sa thải hơn 15.000 nhân viên trong ngành giáo dục. Ngoài ra, khoảng hơn 21.000 giáo viên các trường tư thục cũng bị rút giấy phép, hơn 1.500 chủ nhiệm khoa các trường đại học bị sa thải.
Đây là đợt “thanh lọc” bộ máy mới nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành cuối tuần qua của một bộ phận quan chức. Trước đó, chính quyền Tổng thống Recep Tayip Erdogan đã bắt khoảng 6.000 quân nhân trong đó có hàng chục tướng lĩnh đang chờ xử án, khoảng 9.000 sĩ quan cảnh sát bị sa thải, gần 3.000 thẩm phán và khoảng 1.500 nhân viên Bộ Tài chính bị đình chỉ công tác.
Những người bị bắt, bị sa thải vì bị nghi có liên quan đến âm mưu đảo chính cuối tuần trước, trong khi đó chính phủ dân sự của Tổng thống Erdogan lo ngại âm mưu đảo chính lần hai. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo nguy cơ xảy ra các hành động trả đũa từ phía những người ủng hộ đảo chính.
Cuộc đảo chính của một bộ phận quan chức Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào cuối ngày 15/7 và bị dập tắt chỉ vài giờ sau đó do kế hoạch bị bại lộ. Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen đứng sau âm mưu đảo chính này mặc dù ông Gulen đã lên tiếng bác bỏ.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ này. Tuy nhiên, Mỹ hiện chưa đưa ra bất cứ đánh giá nào về việc liệu ông Gulen có liên quan đến đảo chính hay không. Trong khi đó, Washington bày tỏ lo ngại về các hoạt động bắt giữ, sa thải Ankara. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng các nguyên tắc dân chủ nếu không muốn bị loại ra khỏi NATO.
Minh Phương
Tổng hợp