1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch thanh trừng sau đảo chính

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/7 đã cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không nên “đi quá xa” trong việc thiết lập lại trật tự trong nước sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua khi thực hiện chiến dịch thanh trừng trên quy mô toàn quốc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: EPA)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: EPA)

Chiến dịch thanh trừng quy mô lớn do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát động nhằm vào những người mà ông Erdogan cho rằng có dính líu tới âm mưu đảo chính đã khiến cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế khi các nhà lãnh đạo của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để ngỏ khả năng xem xét lại tư cách thành viên của Ankara trong khối, còn EU cũng đang cân nhắc việc kết nạp Ankara vào liên minh sau khi chứng kiến những gì xảy ra cả trong và sau cuộc đảo chính đêm 15/7.

Phát biểu trong cuộc họp với báo chí bên lề hội nghị với 28 ngoại trưởng của EU tại Brussels hôm 18/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể không đáp ứng được yêu cầu tôn trọng dân chủ của NATO nếu nước này lờ đi nguyên tắc thượng tôn pháp luật sau cuộc đảo chính bất thành. Theo ông Kerry, NATO có tiêu chuẩn riêng về dân chủ và “sẽ đánh giá kỹ lưỡng những gì đang xảy ra” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, các lãnh đạo NATO khẳng định đảm bảo dân chủ, trong đó có việc chấp nhận sự khác biệt, là một trong số những yêu cầu cơ bản đối với các thành viên trong khối.

“Rất nhiều người đã bị bắt giữ và thời gian bắt giữ diễn ra rất nhanh chóng. Mức độ giám sát và cảnh giác (ở Thổ Nhĩ Kỳ) là điều có thể thấy rõ trong thời gian tới… Chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ việc đưa những kẻ đã tiến hành vụ đảo chính ra công lý nhưng chúng tôi phản đối hành động vượt quá giới hạn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp dân chủ”, ông Kerry nói.

Ông Kerry cho biết Mỹ đứng về phía các nhà lãnh đạo dân cử tại Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng hối thúc Ankara giữ vững các tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng các thể chế dân chủ và pháp trị.

Hàng nghìn người đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính đêm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: TimesofIsrael)
Hàng nghìn người đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính đêm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: TimesofIsrael)

Về phía Liên minh châu Âu, lãnh đạo các nước thành viên EU cảnh báo rằng các cuộc đàm phán để xem xét việc cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh sẽ kết thúc nếu Ankara khôi phục án tử hình. Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đưa án tử hình trở lại hệ thống thực thi pháp luật trong nước dù Ankara đã bãi bỏ hình phạt này từ năm 2004 để đáp ứng đủ tiêu chuẩn gia nhập EU.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách An ninh và Đối ngoại, bà Federica Mogherini, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được gia nhập liên minh nếu áp dụng trở lại án tử hình đối với phe đảo chính mà không thông qua xét xử. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước trước cuộc họp với các đối tác châu Âu hôm 18/7 nói việc tái lập án tử hình là hành động "tuyệt đối không chấp nhận được”.

Sau cuộc đảo chính thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 6.000 nhân viên tư pháp, gồm các thẩm phán và công tố viên, cũng như các binh sĩ quân đội trên cả nước. Hôm qua, chính quyền của Tổng thống Erdogan đã đình chỉ công tác hơn 8.000 nhân viên an ninh, trong đó phần lớn là cảnh sát vì nghi có dính líu tới âm mưu đảo chính. Ngoài ra, hơn 100 tướng lĩnh quân đội cũng bị bắt giữ và đưa ra thẩm vấn. Dự kiến số lượng người bị bắt sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới vì chiến dịch thanh trừng của ông Erdogan chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố những người tham gia đảo chính sẽ phải trả giá và ông cam kết sẽ “quét sạch virus” trong “cơ thể chính quyền” để thiết lập trật tự trên toàn quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp