1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hơn 200 tàu cá Trung Quốc dàn hàng ở biển Hoa Đông

(Dân trí) - Nhật Bản hôm qua 6/8 lên tiếng chỉ trích sau khi khoảng 230 tàu cá Trung Quốc lần đầu tiên với sự hộ tống của khoảng 6 tàu tuần duyên đã tiến thẳng vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.


Lần đầu tiên các tàu tuần duyên Trung Quốc có trang bị vũ khí ngang nhiên hộ tống hơn 200 tàu cá đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP)

Lần đầu tiên các tàu tuần duyên Trung Quốc có trang bị vũ khí ngang nhiên hộ tống hơn 200 tàu cá đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP)

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khoảng 8 giờ sáng qua 6/8, một đội tàu gồm khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên Trung Quốc, trong đó 4 tàu được cho là mang vũ khí, đã đi vào vùng tranh chấp trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên một đội tàu đông đảo như vậy của Trung Quốc ngang nhiên đi vào khu vực này.

“Đây là hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được”, Kenji Kanasugi, Cục trưởng Cục Hải dương và châu Á thuộc Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh. Phía Nhật Bản đã trao công hàm phản đối tới đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo và yêu cầu các tàu Trung Quốc “lập tức rời khu vực”. Tuy nhiên, các tàu này vẫn xuất hiện ở khu vực trên trong vòng khoảng 9 tiếng đồng hồ.

Sự việc trên xảy ra một ngày sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc chớp nhoáng tiến vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku hôm 5/8, buộc Tokyo phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn trắng trợn nói rằng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku “là lãnh thổ không thể tranh cãi” của mình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng Nhật Bản tránh “bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp hơn nữa”.

Trong một diễn biến liên quan khác, Trung Quốc hôm qua ngang nhiên tuyên bố đã đưa các máy bay ném bom tầm xa H-6K và chiến đấu cơ Su-30 thực hiện "tuần tra chiến đấu" trên không ở Biển Đông. Các máy bay chiến đấu này được hộ tống bởi các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không. Bắc Kinh lớn tiếng nói rằng, đây là một phần trong bài huấn luyện nhằm nâng cao năng lực của Không quân Trung Quốc trước các “mối đe dọa an ninh”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu cụ thể thời gian diễn ra đợt tuần tra này.

Trung Quốc tiếp tục các hành động khiêu khích sau khi tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc hồi tháng trước ra phán quyết bác yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận phán quyết và lớn tiếng tuyên bố tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép ở Biển Đông. Giới chức Mỹ nhận định, Bắc Kinh có thể trắng trợn viện cớ phán quyết để lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như từng làm ở biển Hoa Đông.

Quan hệ Nhật - Trung từ lâu trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp quần đảo trên biển Hoa Đông. Trung Quốc từng rất nhiều lần ngang nhiên đưa các tàu tuần duyên vào khu vực này, đặc biệt trong những năm gần đây.

Thậm chí năm 2013, Trung Quốc đã trắng trợn tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông để kiểm soát tất cả các máy bay ra vào khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố các máy bay khi vào đây phải thông báo về kế hoạch bay, "duy trì liên lạc radio hai chiều" và "phản ứng kịp thời và chính xác" trước các yêu cầu nhận dạng.

Quốc tế đã không công nhận ADIZ này của Trung Quốc vì cho rằng khu vực này bao trùm cả không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc và gây căng thẳng cho an ninh và ổn định của khu vực.

Minh Phương

Tổng hợp