1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc khai trương cảng cá lớn phục vụ tham vọng bành trướng ở Biển Đông

(Dân trí) - Trung Quốc đã khai trương một cảng cá mới - cảng cá lớn nhất ở tỉnh Hải Nam và gần quần đảo Trường Sa nhất, trong một động thái mà giới phân tích nhận định là nhằm phục vụ tham vọng mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.


(Ảnh minh họa: SCMP)

(Ảnh minh họa: SCMP)

Chính quyền thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam đã khai trương cảng cá Yazhou hồi đầu tuần này. Cảng giờ đây có thể phục vụ 800 tàu thuyền và dự kiến sẽ có khả năng chứa khoảng 2.000 tàu thuyền khi dự án hoàn thành với tổng kinh phí lên tới 3 tỷ nhân dân tệ (450 triệu USD).

Cảng trên có thể phục vụ các tàu trọng tải 3.000 tấn, báo chí địa phương đưa tin.

Trước đó, hồi tháng 6, chính quyền Hải Nam cũng thông báo rằng họ sẽ xây dựng một cảng lớn khác ở bờ biển phía tây nam hòn đảo, tại làng Leyin. Sau khi hoàn thành vào đầu năm 2018, cảng này dự kiến có thể chứa ít nhất 600 tàu cỡ 300 tấn.

Để phục vụ tham vọng trở thành một cường quốc biển, Trung Quốc từ lâu đã cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho ngư dân để họ có thể đóng các tàu lớn hơn, có khả năng đi xa hơn.

Về phần mình, chính quyền Tam Á đã chi trên 64 triệu nhân dân tệ (10 triệu USD) tiền hỗ trợ ngư dân. 25 tàu cá, mỗi tàu nặng hơn 500 tấn, đã được hạ thủy tại đây kể từ tháng 6.

Các nhà phân tích cho hay các cảng cá lớn cũng nhằm phục vụ mục đích của Bắc Kinh là mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông.

Lin Yongxin, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông tại Hải Nam, cho hay với các cảng cá lớn, ngư dân có thể muốn đóng các tàu cá lớn hơn, có khả năng đi xa hơn và đối đầu với các tàu tuần duyên từ các nước đóng khu vực khi đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

M. Taylor Fravel, giáo sư tại Học viện công nghệ Massachusetts, có nhận định tương tự. Ông cho rằng việc mở thêm các cảng mới “chứng tỏ Trung Quốc định vẫn tiếp tục mở rộng đánh bắt ở Biển Đông, trong đó có các khu vực mà tòa trọng tài tuyên bố rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với các tài nguyên”.

“Điều này có thể gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn là bước đi đầu tiên tiến tới tham vọng giành quyền kiểm soát”, ông Fravel nói thêm.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, chồng lấn lên các vùng biển của các quốc gia khác trong khu vực.

Hồi tháng 7, tòa trọng tài quốc tế tại La Hay, Hà Lan đã bác bỏ tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc, khẳng định rằng “không có cơ sở pháp lý” cho việc Bắc Kinh đòi hỏi “quyền lịch sử” đối với những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra.

Bắc Kinh vẫn khăng khăng không công nhận phán quyết trên của tòa trong vụ kiện do Philippines khởi xướng.

An Bình