- Hàng chục triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11.
- Các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ khoảng 5h30 và đóng cửa vào cuối ngày 5/11, hoặc một số nơi có thể qua 0h ngày hôm sau.
- Khoảng 78 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm.
- Hai ứng cử viên tổng thống chính là đại diện đảng Dân chủ Kamala Harris và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.
- Khảo sát trước bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump và bà Harris rất sít sao.
Vào ngày 5/11, hàng chục triệu cử tri ở Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống. Trước ngày bầu cử đã có gần 80 triệu cử tri tại một số bang bỏ phiếu sớm theo các hình thức khác nhau hoặc bỏ trực tiếp, hoặc qua thư.
Năm 2020, hơn 200 triệu cử tri đã bỏ phiếu, cao nhất kể từ năm 1992. Năm nay, giới chuyên gia nhận định lượng cử tri bỏ phiếu cũng sẽ cao khi người Mỹ muốn thấy tiếng nói của họ được lắng nghe trong một cuộc bầu cử vô cùng sít sao.
Các điểm bỏ phiếu ở Vermont sẽ mở cửa đầu tiên, tiếp đến là một số bang khác. Các bang chủ yếu mở cửa điểm bỏ phiếu trong khoảng thời gian 7-8h sáng. Riêng Oregon bỏ phiếu qua thư, nên sẽ không có điểm bỏ phiếu trực tiếp nào.
Các điểm bỏ phiếu đóng cửa đầu tiên thường là ở Indiana, Kentucky (18h). Trong khi đó, Hawaii và Alaska đóng cửa muộn nhất, thường qua 0h ngày hôm sau.
Các ứng viên
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 được coi là cuộc đua song mã giữa ứng viên Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, và ứng viên Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Harris, 60 tuổi, nhận được đề cử của đảng Dân chủ hồi tháng 8 sau khi Tổng thống Joe Biden bất ngờ thông báo ngừng tranh cử. Bà là cựu thượng nghị sĩ, tổng chưởng lý California và công tố viên San Francisco và đang nỗ lực làm nên lịch sử với tư cách là nữ tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử 248 năm của nước Mỹ.
Ông Trump, 78 tuổi, đang thực hiện cuộc tranh cử thứ ba liên tiếp vào Nhà Trắng. Doanh nhân và ngôi sao truyền hình thực tế tiếp tục lặp lại tuyên bố vô căn cứ rằng đảng Dân chủ đã đánh cắp cuộc bầu cử năm 2020, hay cáo buộc đảng Dân chủ gian lận bầu cử.
Ông là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần và bị truy tố hình sự. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông đã bị ám sát hụt ít nhất 2 lần.
Ngoài ông Trump và bà Harris, cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ thứ 47 còn có một số ứng viên của các đảng nhỏ hoặc ứng viên độc lập.
Ông Chase Oliver, 39 tuổi, là ứng cử viên ít được biết đến của đảng Tự do. Ông Oliver tranh cử vào ghế thượng viện bang Georgia vào năm 2022 và giành được 2% số phiếu bầu. Thông thường, đảng Tự do giành được chưa đến 3% phiếu bầu phổ thông nhưng ứng viên của các đảng này có thể vẫn quan trọng đối với kết quả bầu cử ở các bang dao động.
Jill Stein, 74 tuổi, một bác sĩ từng tranh cử với tư cách ứng viên đảng Xanh vào năm 2016, cũng tái tranh cử trong cuộc đua năm nay.
Ông Cornel West, 71 tuổi, đang tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Nhà hoạt động chính trị, triết gia và học giả này đang nỗ lực thu hút nhiều hơn cử tri tiến bộ hơn vốn nghiêng về đảng Dân chủ.
Các chủ đề quan tâm chính
Thứ nhất, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Mỹ gần như trong các kỳ bầu cử.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát dần được kiểm soát, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden và bà Harris vẫn thấp hơn so với của ông Trump trong các thăm dò dư luận.
Các kế hoạch kinh tế của Harris bao gồm cắt giảm thuế cho hầu hết người Mỹ, kiềm chế lạm phát, nhà ở giá phải chăng hơn, thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, áp đặt thuế quan sâu rộng đối với hàng hóa nhập khẩu và bảo vệ an sinh xã hội và Medicare.
Thứ hai, vấn đề nhập cư được đông đảo cử tri Mỹ quan tâm.
Ngay ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông tuyên bố sẽ khôi phục một số chính sách gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu. Một trong đó là chương trình "Ở lại Mexico", yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại Mexico cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt.
Trong khi đó, kế hoạch của Harris nhấn mạnh các chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phát huy hiệu quả. Bà cho biết sẽ thúc đẩy một dự luật toàn diện về biên giới, nhằm thắt chặt việc nhập cư vào Mỹ và cam kết "thực thi luật pháp" đối với các trường hợp vượt biên trái pháp. Đồng thời, bà muốn cung cấp cho người di cư một con đường hợp pháp để có được quốc tịch.
Theo giới chuyên gia, các chính sách của ông Trump sẽ giảm nhập cư ròng xuống khoảng 750.000 người mỗi năm, trong khi kế hoạch của Harris có thể khiến mức nhập cư cao hơn.
Ngoài ra, cuộc bầu cử cũng xoay quanh những vấn đề khác như quyền phá thai, nền dân chủ, chính sách đối ngoại.
Khi nào có thể xác định người chiến thắng
Các thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy cuộc đua sít sao giữa ông Trump và bà Harris.
Nếu những khảo sát này là sai, một ứng viên dẫn trước các ứng viên khác với chênh lệch lớn, thì người thắng cuộc có thể được xác định chỉ vài giờ sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa.
Tuy nhiên, nếu cuộc đua thực sự sít sao như khảo sát, có thể mất vài ngày để xác định kết quả bầu cử.
Ngay cả khi một ứng viên giành chiến thắng xét theo đầu phiếu phổ thông, ứng viên đó cũng chưa chắc đắc cử tổng thống.
Thể thức bầu cử ở Mỹ quy định cử tri không bầu trực tiếp tổng thống mà chỉ bầu đại cử tri tại tiểu bang mình cư trú, trong khi đại cử tri mới là những người bầu ra tổng thống.
Mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định dựa trên dân số. Đáng nói là hầu hết các bang của Mỹ bầu đại cử tri theo cơ chế "được ăn cả, ngã về không", nghĩa là ứng viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ở bang nào sẽ thắng toàn bộ phiếu đại cử tri ở bang đó. Để trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, một ứng viên phải giành tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri.