(Dân trí) - Hai ứng viên Kamala Harris - Donald Trump đều đang đi những "nước cờ" cuối cùng nhằm vượt trước đối thủ. Ai sẽ đắc cử và chiến sự Trung Đông hay Ukraine tác động ra sao tới kết quả chung cuộc?
Báo Dân trí có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa - Học viện Chính trị Công an Nhân dân, xoay quanh những rung lắc địa - chính trị - kinh tế - ngoại giao toàn cầu và căng thẳng Trung Đông cũng như chiến sự Ukraine có tác động thế nào tới mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Thưa Đại tá Nguyễn Minh Tâm, vì sao cuộc bầu cử Mỹ lại được nhiều người quan tâm đến thế?
- Cần thấy rõ một điều rằng nền kinh tế Mỹ hiện tại vẫn lớn nhất toàn cầu, cho dù sức mạnh hiện hữu và tiềm năng thật sự không hẳn đã tương xứng với quy mô đó.
Năm 2023, theo số liệu từ IMF, GDP Mỹ đạt trên 27.000 tỷ USD, lớn hơn tổng số GDP cả 6 nước còn lại trong nhóm G7 (khoảng 21.000 tỷ USD).
Đồng USD mặc dù không còn "bản vị vàng" từ ngày 15/8/1971 nhưng vẫn là đồng tiền có khả năng chuyển đổi và tham chiếu phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Mỹ vẫn là quốc gia top đầu nhiều ngành khoa học, từ cơ bản đến ứng dụng với nhiều phát kiến quan trọng trên hầu hết các ngành khoa học cơ bản với số vốn đầu tư lớn hàng đầu thế giới.
Quân đội Mỹ có quân số thường trực chỉ đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), đang sở hữu những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất thế giới, bao gồm cả bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược gồm tên lửa hạt nhân liên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược.
Mỹ là quốc gia có lực lượng răn đe phi hạt nhân lớn nhất thế giới gồm 12 hạm đội tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động và các hạm đội tàu đổ bộ mạnh nhất toàn cầu của Thủy quân lục chiến, quân chủng thiện chiến hàng đầu của quân đội Mỹ.
Mỹ cũng là quốc gia duy nhất có tới 6 Bộ Tư lệnh (BTL) trên khắp toàn cầu. Các Bộ tư lệnh này nắm trong tay khoảng 180.000 sĩ quan và binh sĩ đóng tại 820 căn cứ ở 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, không kể lực lượng Thủy quân lục chiến cơ động. Mỹ là nước có quân số đóng quân ở hải ngoại lớn nhất.
Mỹ là một trong 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nắm quyền phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng gồm 15 thành viên thường trực và không thường trực này.
Tuy nhiên, vị trí và năng lực hiện có của nước Mỹ hiện tại chưa hẳn đã trở thành sức mạnh thật sự của nước Mỹ. Hiện tại, nước Mỹ đang gặp phải những khó khăn lớn trong quan hệ quốc tế và nội bộ.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã tạm thời thoát khỏi nguy cơ suy thoái nhờ chiến dịch áp đảo cung cấp vaccine chống Covid-19 và chiến dịch viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng sự tăng trưởng kinh tế của họ vẫn là không chắc chắn. Các con số thống kê thể hiện về tài chính nhiều hơn là thực tế hàng hóa được sản xuất ra.
Nạn thất nghiệp của Mỹ tuy có giảm nhưng không vững chắc. Các con số thống kê thị trường lao động ở Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra phần lớn là các công việc thời vụ và lao động giản đơn, trong khi những công việc có tính dài hạn chẳng những không tăng thêm mà còn có dấu hiệu suy giảm.
Chính phủ Mỹ cố gắng cân đối cung - cầu nhiên liệu để đối phó với các "phản đòn" từ hơn 15.000 lệnh cấm vận với Nga nhưng ít được các nước đồng minh hưởng ứng. Thậm chí, nhiều nước và kể cả một số công ty lớn của Mỹ đã lách luật để "đi đêm" cả với Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả là cuộc cạnh tranh giữa phe Cộng hòa với Dân chủ và khó có thể dung hòa, đặc biệt là sau 2 vụ ám sát hụt ứng cử viên Donald Trump. Chính sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ đã khiến năng lực và cả tiềm năng của họ chưa thể phát huy mạnh mẽ với tư cách là cường quốc số 1 thế giới.
Ông có thể cho biết, bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có gì khác thường? Liệu việc đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua đã phải là bất ngờ lớn nhất hay chưa?
- Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 rất gay cấn. Chúng ta đều biết về cơ chế đại cử tri trong luật bầu cử tổng thống ở Mỹ. Theo đó, ứng viên thắng phiếu đại cử tri ở bang nào sẽ ôm trọn tất cả phiếu phổ thông ở bang đó, bất kể các cử tri phổ thông bỏ phiếu cho ai.
Vì vậy, cũng như các lần bầu cử trước, cuộc vận động tranh cử ở Mỹ diễn ra với đối tượng vận động chính là đại cử tri đoàn. Mặc dù rất hiếm khi các đại cử tri bỏ phiếu trái với ý nguyện của cử tri phổ thông nhưng với thực trạng căng thẳng hiện này, việc "phản thùng" này vẫn có thể diễn ra, nhất là sau những động thái vừa diễn ra giữa ứng viên của hai phe.
Dư luận không hề ngạc nhiên trước việc đương kim Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, phe Dân chủ đã không thể lựa chọn được người thay thế tốt hơn là đương kim Phó tổng thống Kamala Harris, Để đối chọi với một người đã từng làm tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ, có kinh nghiệm chính trị đầy mình như Donald Trump, bà Harris ở vị thế khó khăn hơn.
Đó là lý do vì sao cuộc vận động bầu cử diễn ra căng thẳng hết mức ở các bang chiến địa với tỷ số thăm dò dự luận rất sít sao. Hơn thế nữa, cùng với cuộc bầu cử tổng thống, cử tri Mỹ còn tham gia cuộc bầu cử bán phần hạ nghị viện nhiệm kỳ 2024-2028 nên tình trạng cạnh tranh giữa hai phe sẽ còn quyết liệt hơn nữa để ít nhất có một kết quả là phe nắm quyền tổng thống không phải là phe chiếm đa số ở Hạ viện.
Việc ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong 24 giờ liệu có khả thi và ứng viên này có sức mạnh gì để làm được điều đó?
- Việc ông Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ chỉ là cách nói "phóng dụ" của ông ấy nhằm gây sự hấp dẫn đối với cử tri.
Tổng thống Mỹ có rất nhiều quyền hành theo Hiến pháp và pháp luật Mỹ. Nhưng để thực thi các quyền đó thì pháp luật Mỹ cũng có hàng loạt tu chính án, hình thành một cơ chế để tổng thống không thể muốn làm gì thì làm.
Khi đưa ra một quyết định, trước tiên Tổng thống Mỹ phải tham khảo ý kiến của các cố vấn Nhà Trắng và một số chuyên gia chủ chốt, thăm dò bằng cách thông qua giới truyền thông ướm hỏi dư luận xem mức độ đồng tình hoặc phản đối đến đâu.
Và cuối cùng là quyết định thuận hay chống của cả hạ viện và thượng viện, nơi có các đại biểu không phải hoàn toàn của tất cả người dân Mỹ mà được cho là có phần của các nhà tư bản, chính khách, doanh nhân và các nhà hoạt động hàng đầu của nước Mỹ.
Dù được Washington hỗ trợ hàng trăm tỷ USD vũ khí và tài chính, nhưng gần đây Ukraine liên tục để mất những thành trì lớn ở miền Đông, điều này có khiến chính quyền và người dân Mỹ nản lòng, đồng thời ảnh hưởng thế nào tới cuộc bầu cử?
- Không phải đến bây giờ, cuộc xung đột Nga - Ukraine mới thu hút sự chú ý của cử tri Mỹ. Nó đã thu hút cử tri Mỹ sau "đảo chính Maidan", sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014, giao tranh ở Lugansk và Donetsk. Tuy nhiên, các sự kiện này đã nhanh chóng chìm đi.
Nhiều người lầm tưởng rằng phe Cộng hòa sẽ làm dịu đi tình hình Ukraine và qua đó, giảm căng thẳng với Nga trong khi phe Dân chủ thì cương quyết theo đuổi chính sách "chống Nga đến cùng". Nhưng trên thực tế thì mục tiêu làm suy yếu Nga, đối thủ lớn nhất của Mỹ về quân sự đều là mục tiêu chung của cả hai phe, chỉ có điều là cách thức thực hiện khác nhau mà thôi.
Còn đối với Trung Đông thì đây mới là tiêu điểm chú ý của cử tri Mỹ. Đơn giản là vì có đến hơn 55% các nhà tư bản tài chính hàng đầu nước Mỹ đang nắm giữ những "cổ phần sư tử" ở Phố Wall là người Mỹ gốc Do Thái.
Người Mỹ gốc Do Thái cũng có mặt trên khắp chính trường nước Mỹ, từ cấp hạt, cấp bang đến cấp liên bang. Chúng ta từng biết đến nhà ngoại giao sừng sỏ Henry Kissinger là người Mỹ gốc do Thái, đến chiến lược gia kỳ cựu Zbigniew Brzezinski là người Mỹ mang hai dòng máu Ba Lan và Do Thái cùng nhiều chính khách kỳ cựu khác nữa.
Cộng đồng người Do Thái ở Mỹ (người Do Thái Ashkenazi) chỉ chiếm không quá 2,2% dân số Mỹ nhưng lại có tiềm lực kinh tế và sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Mỹ.
Trong lịch sử 100 năm gần đây của nước Mỹ (1916-2016) thì người Do Thái nói chung đều nghiêng về phe Dân chủ hơn là phe Cộng hòa. Đơn giản là vì hầu hết những người Do Thái giàu có ở Mỹ đều là các nhà tư bản tài chính. Trong khi đảng Dân chủ được các nhà tư bản tài chính và ngân hàng ủng hộ thì phe Cộng hòa lại được các nhà tư bản công nghiệp và kỹ nghệ ủng hộ.
Trong 26 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra trong 100 năm ấy thì có hai ứng viên của đảng Dân chủ không được lòng người Do Thái ở Mỹ, 24 ứng viên còn lại dù thắng hay thua vẫn được cộng đồng người Do Thái ở Mỹ ủng hộ.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự tài trợ đến từ các nhà tư bản Do Thái đối với các ứng viên phe Dân chủ là rất quan trọng, đặc biệt là ở các bang chiến địa Wisconsin, Florida, Pennsylvania cùng các bang miền Đông Bắc và Tây Nam nước Mỹ.
Chính vì vậy mà khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, công chúng Mỹ rất quan tâm đến những biến cố tại đây. Nhưng đến khi Hamas mở cuộc tấn công Israel ngày 7/10/2023 và sau đó là các lực lượng Hezbolah và Houthi được Iran hậu thuẫn tham chiến, sự chú ý của cử tri Mỹ đã bị phân tán theo hướng sang Trung Đông mà "quên" dần đi Ukraine.
Ở đây, chúng ta có thể thấy hai quan điểm khác nhau của Donald Trump và Kamala Harris. Ứng viên phe Cộng hòa cho rằng việc giải quyết vấn đề Ukraine chủ yếu thuộc trách nhiệm của châu Âu và các thành viên khối EU. Còn ứng viên phe Dân chủ thì cho rằng không thể buông vấn đề Ukraine vì Israel. Do đó, luôn có sự chênh lệch và bám đuổi sít sao giữa hai ứng viên này trong các cuộc thăm dò dư luận xã hội Mỹ gần đây.
Ông đánh giá thế nào về cuộc tập kích mới nhất của Israel? Họ đã thành công? Có gì bất thường trong đó không? Liệu Iran có tấn công đáp trả một lần nữa? Tất cả những điều này ảnh hưởng thế nào tới cuộc đua vào Nhà Trắng?
- Người ta thường có câu: "Có đi có lại mới toại lòng nhau". Xét theo cả bối cảnh hợp tác lẫn bối cảnh xung đột và trên mọi lĩnh vực thì mọi mối quan hệ đều như vậy. Trong bối cảnh tích cực thì người ta gọi là "đáp lễ", còn trong bối cảnh tiêu cực thì đó là "trả đòn".
Có một điều chắc chắn là trước khi thực hiện cuộc tập kích tên lửa ngày 1/10, phía Iran đã tham khảo ý kiến từ các đồng minh, xem xét tất cả các khía cạnh thuận và chống trên thế giới, lường trước các tình huống có thể diễn ra, vạch ra các kịch bản và các biện pháp đối phó trước khi ra tay.
Trong số các kịch bản ấy, đương nhiên có yếu tố trả đũa từ phía Tel Aviv với các tầm mức khác nhau. Và trước khi đáp trả ngày 26/10, Tel Aviv cũng làm tương tự, họ tham khảo ý kiến của Washington, với các nước từng tham gia P5+1 và các bên có liên quan để thăm dò phản ứng, lường trước các phản ứng từ phía Tehran để quyết định.
Thông thường thì trong các cuộc chạm súng, bên nào cũng khuếch trương thành công của mình và hạ thấp chiến quả của đối thủ nên rất khó để đánh giá thành tích thực sự của hai bên. Tuy nhiên, có thể thấy cú đáp trả của Tel Aviv đêm 26/10 vừa qua là khá nhẹ nhàng. Điều này đã làm dư luận ngạc nhiên nhưng lại là điều hợp lý.
Tel Aviv không thể không trả đòn. Nếu để vụ tập kích đường không ồ ạt tối ngày 1/10 của Iran trôi đi, chính quyền Israel sẽ bị coi là nhu nhược, là bất lực trong con mắt các công dân Do Thái, sẽ bị coi là yếu thế trong con mắt người Ả Rập. Điều này sẽ "nâng cao sĩ khí" cho các đối thủ trực tiếp của Israel là Hezbollah, Hamas và Houthi, đồng thời vị thế của Tehran cũng sẽ được nâng lên dù cho thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Hai là, nếu Israel "quá tay" thì nhiều nguy cơ sẽ biến thành hiện thực. Trước hết, không ai dám cam đoan là Tehran không có vũ khí hạt nhân, kể cả đầu đạn hạt nhân công suất thấp. Còn nếu Tel Aviv đánh vào các cơ sở hạt nhân hay các công trình dân sự và các mục tiêu nhạy cảm ở Iran thì khả năng Tehran trả đũa ở tầm mức cao hơn sẽ diễn ra.
Xung đột cứ thế leo thang theo kiểu "hồn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại" và cuối cùng, bùng nổ thành một cuộc chiến tổng lực trong khu vực.
Đây là điều mà Mỹ và các đồng minh trong NATO không hề mong muốn. Đối với các nước Châu Âu thì đó là vấn đề năng lượng (chủ yếu là dầu khí) trong khi mùa Đông đã cận kề. Còn đối với Mỹ thì việc leo thang xung đột ở Trung Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã đến sát nút.
Và trong khi cánh cửa vào Nhà Trắng đang rộng mở với một trong hai phe của nước Mỹ thì việc leo thang xung đột ở Trung Đông sẽ làm phai nhạt sự chú ý của dư luận vào cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine với sự suy yếu rõ rệt của Kiev. Những hoàn cảnh này buộc Tel Aviv phải nhẹ tay hơn trong cú trả đòn, mặc dù họ thừa sức để hành động dữ dội hơn rất nhiều.
Đối với bản thân Israel thì mục tiêu đầu tiên mà các cử tri của ông Netanyahu đòi hỏi là tìm mọi cách để đưa hơn 100 con tin người Do Thái đang nằm trong tay Hamas về nhà trước đã rồi sau đó, chính quyền của ông muốn làm gì thì làm. Đây là yếu tố "trói tay" Tel Aviv khiến cho nội các chiến tranh của Israel buộc phải cân nhắc nên cú trả đòn có tính hình thức nhiều hơn là thực chất này.
Còn đối với Tehran thì mặc dù tiếp tục đưa ra những phát ngôn cứng rắn nhưng có vẻ họ coi đòn đáp trả của Israel là chấp nhận được.
Bản thân Iran cũng không muốn leo thang xung đột hơn nữa khi mà một trong hai "cánh quân" được họ yểm trợ ở phía Bắc và Nam Israel là Hezbollah và Hamas đang ở thế bất lợi. Trong đó, Hamas đã mất sức chiến đấu. Họ cần có thời gian và các nguồn lực bổ sung để "xốc lại đội hình".
Cuối cùng thì cú "trả đòn" của Israel chắc chắn sẽ được cả hai phe tranh cử tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sử dụng để vừa "dìm" đối thủ xuống và "tự nắm tóc" nhấc mình lên. Tuy nhiên, vì tầm mức khá nhẹ nhàng của sự kiện mới này nên tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11 tới đây sẽ là không đáng kể.
Trong khi đó thì các vấn đề ở Ukraine, các điểm nóng ở bán đảo Triều Tiên và nội bộ nước Mỹ vẫn là những điều được quan tâm hơn cả.
Sau vụ tập kích hôm 26/10, Israel được cho là đang lên kế hoạch cho chiến dịch quân sự mới chống lại Iran bất chấp cảnh báo cứng rắn của Tehran. Nếu Tel Aviv quyết định tấn công cơ sở hạt nhân Iran liệu có khiến cơ hội được "ngồi lên ghế nóng" của bà Harris bị giảm xuống?
- Trong tất cả các mâu thuẫn, xung đột quốc tế (trừ chiến tranh tổng lực), mỗi bên đều có thể và cần phải hiểu "lằn ranh đỏ" do phía bên kia vạch ra. Vì vậy, khi một bên có hành động vượt qua thì bên kia cũng sẽ có những đòn đáp trả tương xứng theo quy tắc có đi có lại. Điều này là một quy định bất thành văn kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời.
Trong điều kiện thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ các trung tâm điện hạt nhân thì chỉ cần một đòn tập kích đường không vào các lò phản ứng của các nhà máy điện hạt nhân sẽ không khác gì một vụ nổ vũ khí hạt nhân dưới cỡ và điều nghiêm trọng nhất là sự phát tán phóng xạ rộng rãi sẽ là không thể kiểm soát. Nhân loại đã từng biết đến các sự cố hạt nhân ở Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine).
Chính vì điều này mà trong giai đoạn đầu của Chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã nhanh chóng chiếm giữ hai nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine là Chernobyl (đã đóng cửa) và Zaporozhia (đang hoạt động). Hành động đó nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng vũ khí có sức phá hoại cao vào các mục tiêu đặc biệt nguy hiểm này.
Do đó, nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran thì cuộc tấn công đó sẽ trở thành cái cớ rất thuyết phục để Iran tung ra các đòn giáng trả mạnh mẽ nhất. Và cũng không loại trừ một số quốc gia còn đang cố giữ vai trò, vị trí trung lập trong thế giới Ả Rập sẽ đứng về phía đối địch với Israel.
Mặc dù trước đây, Israel đã từng tấn công một cơ sở hạt nhân của Iraq. Tuy nhiên, đó là một cơ sở đang trong quá trình xây dựng, chưa được nạp nhiên liệu và chưa hoạt động. Còn bây giờ thì tình thế đã hoàn toàn khác.
Đối với nước Mỹ, việc Israel đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran thật ra là đòn gây sức ép với cả hai phe tại Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà trực tiếp là ứng viên của đảng Dân chủ. Dù ai thắng cử, người Mỹ vẫn vướng phải bài toán hóc búa là Israel.
Và bất kỳ đời tổng thống nào cũng sẽ dành sự ủng hộ lớn cho Israel?
- Như tôi vừa nói, do vị thế khá đặc biệt của người Do Thái ở Mỹ đồng thời là vị trí là đầu cầu không thể bỏ được của Mỹ ở Trung Đông nên Israel cần Mỹ như nào thì Mỹ cũng cần Israel như thế, nếu không thì ván cờ của họ ở Trung Đông và các khu vực xung quanh có thể sẽ thất bại và vỡ một mảng lớn trong thế địa chiến lược.
Như vậy là bầu cử năm nay sẽ hứa hẹn một cuộc đua rất gay cấn và sít sao, nếu ông Trump đắc cử hoặc bà Harris chiến thắng thì cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ xoay trục và có thể diễn biến ra sao?
- Đến thời điểm này chúng ta có thể nói trước với nhau một điều là dù bà Harris hay ông Trump trúng cử thì mục tiêu chung vẫn là lợi ích của nước Mỹ. Dù ở phe nào thì vẫn là lợi ích, có điều họ dùng những phương cách khác nhau.
Cũng có một số kịch bản mà chúng ta có thể thấy, nếu bà Harris thắng thì bà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cố vấn để họ đưa ra các kịch bản nhằm xét xem cái gì là tốt nhất, tiếp tục hay là chấm dứt và tiếp tục thì bằng cách nào và chấm dứt thì ra sao. Đối với bà Harris thì chấm dứt chiến tranh phải có lợi cho phe Dân chủ, từ đó chúng ta mới tìm ra được đáp số. Nếu tiếp tục thì phải bằng cách nào có lợi cho các nhà tư bản của phe mình.
Tương tự, với Donald Trump cũng vậy, nhưng ông có khác với bà Harris ở chỗ là mặc dù vẫn tham khảo đội ngũ cố vấn nhưng quyết định cá nhân của ông sẽ lớn hơn.
Có một số ý kiến cho rằng chiến sự Ukraine có thể kết thúc trong năm 2025, theo ông, nhận định này có khả thi hay không? Liệu rằng đã có giải pháp hay "ánh sáng cuối đường hầm" cho cuộc xung đột này chưa?
- Về điểm này tôi nghĩ rằng người phát động cuộc chiến thì mới biết được sẽ kết thúc vào lúc nào, mà việc này tôi nói thẳng luôn là phải hỏi Tổng thống Vladimir Putin bởi mỗi mục tiêu ông nêu ra đều rất lớn.
Về mục đích chính trị - quân sự, ông Putin muốn "phi hạt nhân hóa Ukraine", về mặt xã hội là "phi phát xít hóa Ukraine", có nghĩa là tất cả các phần tử tân phát xít sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Về nội bộ thì bảo vệ người dân Nga không chỉ ở Donbass mà còn trên toàn lãnh thổ Ukraine.
Tôi cho rằng thực chất thì như ông Putin và các quan chức cấp cao Nga đã nói, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc khi nào Nga đạt được tất cả các mục tiêu, mà khi nào đạt được khi không ai biết.
Cho nên đóng một cái chốt về thời điểm kết thúc thì có lẽ là không nằm trong tay Mỹ hay NATO hoặc Ukraine mà nằm trong tay Nga.
Như vậy, tóm lại là trong cuộc bầu cử sắp tới mặc dù hoặc là bà Harris hay ông Trump thắng thì xung đột Ukraine vẫn sẽ tiếp diễn?
- Vâng, về điểm này tôi có thể nói luôn rằng là bất kỳ cuộc chiến tranh nào rồi cũng sẽ phải chấm dứt. Chúng ta đã từng biết trong lịch sử thế giới có các cuộc chiến tranh trăm năm hay là cuộc thập tự chinh cũng trăm năm của những người Thiên chúa giáo, công giáo chống lại các thế lực Hồi giáo ở Trung Đông hay như cuộc chiến tranh trăm năm ở Tây Âu, thế nhưng dù trăm năm, vài năm hay vài chục năm thì cuối cùng cũng phải kết thúc. Cuộc xung đột sẽ kết thúc khi mà các bên tìm được tiếng nói chung.
Phải chăng đã đến thời điểm các đối thủ mới chính thức tung đòn "knock-out"? Liệu 2 ứng viên Trump và Harris có còn con "bài tẩy" nào để tung ra vào giờ chót để khiến đối phương khó bề xoay sở?
- Bầu cử Mỹ giống như một cuộc đấu "Boxing chính trị", cứ 4 năm lại được tổ chức một lần. Và thời điểm nhạy cảm nhất luôn nằm ở tháng vận động tranh cử cuối cùng (Tháng Mười) như bà Hillary Clinton nhận định. Tuy nhiên, bà không phải là người đầu tiên đề cập đến vấn đề này. Từ rất lâu, trong giới doanh nhân Mỹ đã hình thành một khái niệm kinh tế học. Đó là "Hiệu ứng tháng Mười".
Cách đây hơn một thế kỷ, Mark Twain, nhà văn Mỹ nổi tiếng đã mượn miệng của nhân vật Wanxon trong truyện ngắn "Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch" của ông để nói rằng: "Tháng Mười, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất". Từ đó mà có một thuật ngữ "Hiệu ứng tháng Mười" của thị trường chứng khoán Mỹ.
Hiệu ứng này xảy ra hàng năm hay đến mùa bầu cử mới xuất hiện?
- Hiệu ứng này xảy ra hàng năm đã chỉ ra sự bất thường trên thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu luôn trong xu hướng giảm trong tháng Mười. Trên thực tế thì chính Mark Twain từng là "nạn nhân" của hiệu ứng này khi phải bán cổ phiếu Công ty Đường sắt Liên lục địa Oregon với giá 12 USD/cổ phiếu dù trước đó mua vào với giá 78 USD/cổ phiếu.
Chắc chắn là bà Hillary Clinton hy vọng rằng ở phút bù giờ cuối cùng của một trận đấu hòa, ứng viên Kamalla Harris của phe Dân chủ sẽ tung ra một ngón đòn quyết định tương tự "Hiệu ứng tháng Mười" để hạ đo ván Donald Trump. Tuy nhiên, bà Clinton biết một mà không biết hai. Đơn giản vì bà là một chính khách còn Donald Trump thì vừa là chính khách, lại vừa là một tỷ phú có thứ hạng và "trò chơi chứng khoán" là thứ mà ông rất sành sỏi.
"Hiệu ứng tháng Mười", như mọi sự vật hiện tượng khác, luôn có tính hai mặt của nó. Mark Twain vì không phải là nhà đầu tư, nhà kinh doanh chuyên nghiệp nên đã không nhận thấy mặt thứ hai của hiệu ứng này. Đó là "Hiệu ứng tháng Giêng".
Thông thường thì vào tháng Giêng hàng năm (theo Tây lịch), giá cổ phiếu trên Thị trường chứng khoán New York luôn cao hơn các tháng còn lại trong năm. Kết quả phân tích dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Mỹ từ năm 1904 đến năm 1974 đã chỉ ra một cách rõ rệt rằng lợi nhuận từ cổ phiếu trong tháng Giêng thường cao hơn so với lợi nhuận trung bình suốt năm.
Vì vậy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp như Donald Trump chắc chắn biết đến câu rỉ tai nổi tiếng của dân chơi chứng khoán sau đây: "Sell in May and go away" (tạm dịch là "Hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 và rời đi"). Điều này phản ánh chu kỳ tăng trưởng và suy thoái của cổ phiếu ở New York. Nó tăng trưởng từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 5 năm sau và bắt đầu suy thoái từ tháng 6 đến tháng 10.
Nhà đầu tư ngắn hạn sẽ thoái vốn vào tháng 5, trước khi cổ phiếu giảm giá trị và đầu tư trở lại vào tháng 10 là thời điểm giá cổ phiếu được cho là chạm ngưỡng thấp nhất. Dân chơi cổ phiếu gọi là "bắt đáy".
Từ đây, có thể thấy rằng một ứng viên có ngón nghề lão luyện như Donald Trump cùng ban tham mưu của ông sẽ có thể ra đòn quyết định vào "phút bù giờ tháng Mười" chứ không chỉ riêng bà Kamala Harris. Bởi vận may luôn công bằng với cả hai và chỉ đến với bên nào lợi dụng được nó.
Bầu cử tổng thống Mỹ luôn có những bất ngờ ở những thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là khi nước Mỹ đang trải qua những cuộc khủng hoảng hay ít nhất là những vấn đề rắc rối ở trong nước và trên thế giới.
Những biến cố đó luôn được các ứng cử viên tổng thống Mỹ lợi dụng để vừa thăm dò chiến lược của đối thủ, vừa lợi dụng những hớ hênh của đối thủ để ra đòn. Tuy nhiên, quyền quyết định người được vào Nhà Trắng không phải là 99% cử tri Mỹ mà là 1% dân số Mỹ đang nắm giữ 99% tài sản của nước Mỹ và nhưng người đi bầu với tư cách Đại cử tri.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng rằng ông ủng hộ bà Harris đắc cử. Chắc hẳn không phải vì bà ấy thường xuyên cười và có thể lan tỏa niềm vui như nhà lãnh đạo Nga nói? Theo ông, ẩn chứa đằng sau lựa chọn đó của ông chủ Điện Kremlin là gì?
- Tương tự như vậy, mọi người đều có thể thấy một Kamala Harris trẻ trung và dễ mến nhưng lại "hơi non", sẽ dễ đối phó hơn một Joe Biden tuy lớn tuổi nhưng không đến nỗi mất đi bản lĩnh của một chính trị gia có 50 năm thâm niên trong nghề, đồng thời cũng dễ đối phó hơn so với một Donald Trump luôn có những hành động khó có thể đoán trước được và có ảnh hưởng rất lớn trong giới doanh nhân nước Mỹ. Trước đây không lâu, Tổng thống Nga đã nhận định rằng ông Biden dễ đoán định hơn Donald Trump.
Tuy nhiên, tôi sẽ là kẻ dại dột nếu cho rằng tự mình có thể biết được ông Vladimir Putin nghĩ gì và định làm gì. Từ nhiều hoạt động ở cấp nhà nước cho đến các cuộc vui chơi, giải trí bình thường trong đời sống, Tổng thống Nga luôn làm những người theo dõi ông bất ngờ.
Gần đây, việc ông mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng làm cả châu Âu phải giật mình và lúng túng khi ông không chọn chiến lược "tốc chiến tốc thắng" như ở Gruzia mà chọn chiến lược "chiến tranh tiêu hao". Cuối cùng thì mọi người mới hiểu ra rằng đối với Vladimir Putin nói riêng và nước Nga nói chung, NATO là đối thủ chính. Đến đây thì nhiều người nhìn ra nước cờ sâu xa của ông chủ Điện Kremlin.
Dưới góc nhìn của mình, Đại tá dự đoán bà Harris hay ông Trump sẽ chiến thắng trong cuộc đua năm nay?
- Điều này rất khó khăn. Nếu chỉ dựa vào các kết quả thăm dò dư luận thì có thể đoán định được một phần. Nhưng đó là trong thời kỳ mà nội bộ nước Mỹ tương đối thống nhất như trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong Chiến tranh Lạnh hoặc trong thời kỳ nước Mỹ đang trong cuộc chiến tranh chống khủng bố.
Còn trong tình hình nước Mỹ đang chia rẽ như hiện nay thì mọi bất ngờ đều có thể xảy ra.
Còn trong tình hình nước Mỹ đang chia rẽ nghiêm trọng như hiện nay mà mức độ chia rẽ chỉ thua kém thời kỳ Chiến tranh xâm lược Việt Nam cách đây 50 đến 60 năm thì mọi bất ngờ đều có thể xảy ra.
Riêng quan điểm của tôi thì dù bất kỳ ai lên làm Tổng thống Mỹ thì cũng đều phải tuân theo "cây gậy chỉ huy" của giới tài phiệt Mỹ. Những người đó nắm trong tay những công cụ quyền lực nhất nước Mỹ như lưỡng viện, Ngân hàng dự trữ liên bang, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hội đồng Tình báo liên bang, Cơ quan tình báo trung ương, Cơ quan điều tra liên bang và kể cả Tòa án tối cao liên bang.
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ nắm giữ 3 hệ thống cổ phiếu quan trọng nhất gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cũng như các tập đoàn công nghiệp hàng đầu nước Mỹ nằm trong tay các gia tộc danh giá như George Soros, Rockefeller, Walton, Carnegie, J.P.Morgan,... sẽ có tác động nhất định tới cơ hội thắng cử của các ứng viên.
Tóm lại, cuộc bầu cử năm nay sẽ rất là khó đoán và vô cùng gay cấn. Một lần nữa, thay mặt độc giả báo Dân trí được gửi lời cảm ơn tới Đại tá Nguyễn Minh Tâm đã dành thời gian để chia sẻ và cung cấp những thông tin rất quý báu.
Ảnh: Thành Đông - Video: Phạm Tiến, Minh Quang
Thiết kế: Patrick Nguyễn