1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Kỳ vọng đột phá sau cú bắt tay lịch sử

(Dân trí) - Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên chuẩn bị gặp thượng đỉnh lần hai, dư luận kỳ vọng rằng lần này họ sẽ đưa ra một thỏa thuận cụ thể hơn sau khi đã cam kết vượt qua nhiều thập niên căng thẳng và xung đột giữa hai quốc gia.

Phái đoàn Mỹ - Triều đàm phán song phương tại Singapore

 

Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Kỳ vọng đột phá sau cú bắt tay lịch sử  - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

 

Tình hình bán đảo Triều Tiên đã có xu hướng lắng dịu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhận lời đàm phán và tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị gặp thượng đỉnh lần hai, dư luận kỳ vọng rằng lần này họ sẽ đưa ra một thỏa thuận cụ thể hơn sau khi đã cam kết vượt qua nhiều thập niên căng thẳng và xung đột giữa hai quốc gia.

Điều này là bởi sau hội nghị thượng đỉnh lần một, Triều Tiên được cho là vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ vẫn siết trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thỏa thuận Singapore

Sau cú bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hội nghị ở Singapore kết thúc với việc hai nhà lãnh đạo đưa ra cam kết, song đều là những cam kết chung chung: thiết lập mối quan hệ mới vì hòa bình và thịnh vượng, hợp tác xây dựng cơ chế hòa bình ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn, trao trả hài cốt binh sĩ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, hồi tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở hạ tầng ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra trước sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế được mời đến Triều Tiên mà không phải các thanh sát viên có chuyên môn.

Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Kỳ vọng đột phá sau cú bắt tay lịch sử  - 2
Phóng viên quốc tế quan sát vụ phá hủy bãi thử hạt nhân Triều Tiên hồi tháng 5/2018. (Ảnh: Reuters)

 

Các ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 7 cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu dỡ bỏ một số cơ sở hạ tầng ở trạm phóng vệ tinh Sohae, tuy nhiên giới chuyên gia của Mỹ sau đó nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục các hoạt động phá dỡ.

Về phía Mỹ, ngay sau hội nghị với ông Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố bất ngờ rằng Mỹ sẽ hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Thực tế, Mỹ đã ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn với đồng minh Hàn Quốc, song các cuộc tập trận quy mô nhỏ vẫn diễn ra.

Trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9 năm ngoái. Giới chức Mỹ và Triều Tiên cũng tăng cường tần suất các chuyến thăm viếng ngoại giao giữa hai bên để làm rõ quan điểm về giải trừ hạt nhân.

Trong bài phát biểu đầu năm nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng tuyên bố sẵn sàng hội đàm lần hai với Tổng thống Trump mặc dù không quên cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể đi theo "con đường mới" nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Hội nghị Mỹ-Triều lần 2: Kỳ vọng đột phá sau cú bắt tay lịch sử  - 3

Nhiều cuộc đàm phán giữa giới chức hai bên đã diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần một. (Ảnh: AFP)

 

Bất chấp những cuộc đàm phán công khai hay kín đáo, đến nay hai bên vẫn chưa công bố những bước đi mới đáng kể để hướng tới giải trừ hạt nhân, nới lỏng trừng phạt hay thiết lập một cơ chế hòa bình mới trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi truyền thông Triều Tiên chỉ trích Mỹ không có thiện chí dỡ bỏ trừng phạt hay ký hiệp ước hòa bình, thì giới tình báo và quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa và hạt nhân dù đã ngừng các vụ phóng thử tên lửa.

Sau hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng dỡ bỏ vĩnh viễn tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon và cho phép các thanh sát viên quốc tế thị sát các bãi phóng tên lửa nếu Washington chịu nhượng bộ. Đến nay, Mỹ chưa đưa ra nhượng bộ nào trong khi cũng chưa có bất cứ chuyến thanh sát nào như vậy.

Kỳ vọng về những đột phá 

Giới chức Mỹ và Triều Tiên đến nay vẫn khá kín tiếng về những thỏa thuận có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến diễn ra cuối tháng này tại Hà Nội. Các chuyên gia phân tích cho rằng, lần này Washington cần cởi mở hơn với những bước đệm để có thể đạt được thỏa thuận đột phá.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun cho biết, hầu hết các chủ đề được thảo luận gần đây giữa hai bên xoay quanh vấn đề hậu cần cho hội nghị và hai bên vẫn cần có thêm các cuộc thảo luận nữa để giải quyết những vấn đề nhạy cảm còn tồn đọng.

Theo lời ông Biegun, trong số hơn 12 vấn đề được thảo luận có vấn đề dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên, nối lại một số dự án kinh tế liên Triều, mở văn phòng đại diện của Mỹ ở Bình Nhưỡng, ký kết tuyên bố nhằm chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh kỹ thuật trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, các vấn đề khác có thể bao gồm xóa lệnh cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên, tăng viện trợ nhân đạo.

Để có được những nhượng bộ đó từ Washington, Triều Tiên có thể phải chấp nhận đóng cửa tổ hợp Yongbyon, cũng như phá bỏ các cơ sở tên lửa chính trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, giới chức Hàn Quốc cho biết.

Truyền thông Triều Tiên hồi cuối năm ngoái nói rằng, cam kết giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải đi kèm với việc “loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ với Triều Tiên”, song không đưa ra những đề nghị cụ thể với Washington. Một số chính trị gia và chuyên gia phân tích của Mỹ dự đoán, Tổng thống Trump có thể sẽ đồng ý giảm hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc.

Minh Phương
Theo Yonhap, Reuters