1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hoài nghi phủ bóng chiến lược "ngoại giao vắc xin" Covid-19 của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc được cho đang thúc đẩy chiến lược "ngoại giao vắc xin" Covid-19. Tuy nhiên những dữ liệu ban đầu về hiệu quả của vắc xin này đang làm dấy lên hoài nghi về sự thành công của Bắc Kinh.

Hoài nghi phủ bóng chiến lược ngoại giao vắc xin Covid-19 của Trung Quốc - 1

Một tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Covid-19 ở Trung Quốc (Ảnh: China Daily)

SCMP đưa tin, trong bối cảnh Mỹ đang chuyển giao quyền lực, Trung Quốc trong thời gian qua đã tích cực dùng vắc xin Covid-19 của nước này để định hình chính sách ngoại giao.

Hồi giữa tháng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công du các nước Đông Nam Á và triển khai động thái mà giới quan sát gọi là "ngoại giao vắc xin". Trung Quốc tuyên bố tặng nửa triệu liều vắc xin cho Philippines, 1 triệu liều cho Campuchia.

Tại Myanmar, ông Vương cũng đề xuất cung cấp 300.000 liều vắc xin do các công ty Sinopharm và Sinovac sản xuất, trong đó có một lô miễn phí. Giới chuyên gia cho rằng đây là động thái của Trung Quốc nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của ở khu vực.

Tuy nhiên, trong lúc Trung Quốc tích cực làm "ngoại giao vắc xin", viện Butantan - đối tác của Sinovac ở Brazil - đăng tải nghiên cứu cho thấy vắc xin CoronaVac của Sinovac chỉ có tỉ lệ hiệu quả 50,4%.

Trước đó, thế giới đã tập trung sự chú ý vào các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, với kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể cung cấp cho các nước đang phát triển sau khi hầu hết các nước phương Tây đã thu gom vắc xin.

Thông báo của Butantan đã làm dấy lên tranh cãi ở Philippines khi một số nghị sĩ cho rằng CoronaVac quá đắt đỏ so với hiệu quả mà nó mang lại.

Sinovac sau đó đã lên tiếng lý giải về kết quả của Butantan. Phía công ty Trung Quốc cho rằng tỉ lệ hiệu quả thấp của CoronaVac có thể là do số lượng thử nghiệm chưa đủ lớn. Ngoài ra, SinoVac nói rằng những người tham gia thử nghiệm ở Brazil là nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nguồn dịch bệnh dẫn tới hiệu quả bị giảm.

Trong khi đó, 2 vắc xin mà Mỹ thông qua của liên doanh Pfizer-BioNTech cũng như Moderna có hiệu quả 95%. Vắc xin của Oxford-AstraZeneca (Anh) có hiệu quả khoảng 70%.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Dan Barouch từ trung tâm y tế Beth Israel Deaconess của đại học Harvard (Mỹ), một vắc xin với tỷ lệ 50,4% có thể có vai trò quan trọng tại những khu vực không thể tiếp cận những vắc xin khác.

Sinovac cũng công bố tỉ lệ hiệu quả tạm thời của CoronaVac ở Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia lần lượt là 91% và 65%. Nhưng các thử nghiệm này hoặc vẫn đang tiếp tục nên chưa thể có số chính xác, hoặc chỉ thực hiện trên một nhóm tình nguyện viên nhỏ dẫn tới thiếu cơ sở kết luận.

Jerome Kim, tổng giám đốc Viện vắc xin quốc tế (Hàn Quốc), cảnh báo rằng những dự liệu thiếu đồng nhất và mâu thuẫn nhau mà Sinovac và các đối tác công bố trong thời gian qua có thể làm suy giảm lòng tin công chúng.

"Với công ty vắc xin, uy tín là quan trọng", ông Kim nói, nhấn mạnh việc Sinovac chưa công bố dữ liệu tổng hợp về hiệu quả, mà chỉ công bố thông tin lẻ tẻ và mâu thuẫn sẽ gây mất niềm tin.

Huang Yanzhong, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại viện Quan hệ Quốc tế ở Mỹ, nói rằng với dữ liệu hiệu quả thấp, vắc xin Trung Quốc sẽ gặp khó vì các quốc gia sẽ đối mặt với áp lực trong nước khi mua những vắc xin này.

Xét về mặt giá cả, vắc xin Trung Quốc được cho là đắt hơn của Oxford-AstraZeneca, nhưng lại thấp hơn những vắc xin dùng phương pháp mRNA như của Moderna.

Ngoài ra, trong dài hạn, nguồn cung vắc xin trên thế giới có thể sẽ thay đổi sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Ông Biden đã đưa Mỹ gia nhập sáng kiến phân phối vắc xin toàn cầu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mang tên Covax.