1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran:

Hồ sơ hạt nhân Iran và những điều ít biết

Thỏa thuận hạt nhân Iran được coi là hình mẫu trong việc giải quyết những bất đồng trong quan hệ quốc tế đương đại.

Đàm phán marathon thu được kết quả tích cực

Qua ba lần “lỡ hẹn” và nhiều ngày đàm phán căng thẳng, ngày 14/7/2015, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện, cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. Đây là thỏa thuận lịch sử, không chỉ khép lại một trong những hồ sơ gai góc nhất trong quan hệ quốc tế, mà còn tác động mạnh mẽ tới cục diện chính trị khu vực và quốc tế.


Đàm phán nhằm hướng tới thỏa thuận hạt nhân cuối cùng của Iran diễn ra căng thẳng. (Ảnh: usnews)

Đàm phán nhằm hướng tới thỏa thuận hạt nhân cuối cùng của Iran diễn ra căng thẳng. (Ảnh: usnews)

Thỏa thuận này khiến Tehran gần như không thể chế tạo được bom nguyên tử và đánh dấu sự khởi đầu của việc bình thường hóa các quan hệ với cộng đồng quốc tế của đất nước có 77 triệu dân và các nguồn tài nguyên dầu, khí đốt vô cùng phong phú.

Thỏa thuận cuối cùng đạt được dựa trên các nguyên tắc chính từng được đưa ra trong thỏa thuận khung hồi tháng 4/2015. Theo đó, Tehran cam kết giảm số máy ly tâm cũng như lượng uranium làm giàu, xuống dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử.

Ngoài ra, Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Mặc dù Iran có quyền từ chối yêu cầu tiếp cận những khu vực trên của các thanh sát viên, song một ủy ban quốc tế có thể phủ quyết mọi sự phản đối của Iran qua bỏ phiếu.

Đổi lại, Iran từng bước được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế được thông qua từ năm 2006 của Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc; đồng thời tổ chức lại nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm buôn bán vũ khí vẫn được gia hạn 5 năm, trừ khi được sự cho phép đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Có thể thấy rõ rằng, thỏa thuận cuối cùng đạt được không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran như dự kiến trong các vòng đàm phán ban đầu hồi giữa năm 2003 – 2005, mà chỉ để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của quốc gia này. 109 trang của thỏa thuận hạn chế các tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ dần dần và đảo ngược các biện pháp trừng phạt vốn đang bóp nghẹn nền kinh tế của họ.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vừa đạt được là một thành công mang tính lịch sử, khép lại hồ sơ hạt nhân Iran kéo dài suốt gần 13 năm. Nhìn lại những gì đã diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu tại sao vấn đề hạt nhân Iran lại được mô tả như một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ quốc tế đương đại. Sau đây là những dấu mốc chính trong tiến trình đàm phán hạt nhân:

- Tháng 8/2002: Trang đầu tiên của tập hồ sơ về chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu xuất hiện với việc những lò phản ứng hạt nhân bí mật tại các thành phố Natan và Arak (miền trung Iran) bị phát hiện.

- Năm 2006: Iran bắt đầu tiến trình làm giàu urani

- Tháng 12/2006: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Iran.

- 2009 - 2012: Các cuộc đàm phán được tiến hành trong không khí nghi kỵ

- Năm 2013: Tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhậm chức và có cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

- Tháng 11/2013: Các bên đạt thỏa thuận tạm thời về việc ngừng một số hoạt động hạt nhân của Iran.

- Tháng 7/2014 và tháng 11/2014: Hai thời hạn chót để kết thúc đàm phán bị bỏ lỡ.

- Tháng 4/2015: Đạt được thỏa thuận tại Lausanne, Thụy Sỹ về những điều khoản chính của thỏa thuận cuối cùng.

- Tháng 6/2015: Đàm phán nước rút tại Vienna, Áo.

- Ngày 14/7/2015: Thỏa thuận cuối cùng giữa Iran và Nhóm P5+1 được ký kết.

Sau rất nhiều căng thẳng, cuối cùng Iran và các cường quốc đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Sau rất nhiều căng thẳng, cuối cùng Iran và các cường quốc đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Những câu hỏi liên quan đến việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iran

Sau thỏa thuận hạt nhân đạt được ở Vienna, Áo, ngày 16/1 Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Iran, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận Tehran đã tuân thủ mọi điều kiện của thỏa thuận hạt nhân.

Đây là sự kiện đáng chú ý không chỉ đối với Iran hay Mỹ mà thực sự khiến cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu quy trình dỡ bỏ cũng như những tác động của nó đối với mối quan hệ Iran – Mỹ.

Tại sao tuyên bố của IAEA đồng nghĩa với việc lệnh trừng phạt được tự động dỡ bỏ?

Thời điểm dỡ bỏ được coi là yếu tố quan trọng nhằm "giữ thể diện" cho Iran và tránh tạo ra ấn tượng rằng, Tehran đã “phải cúi đầu” trước áp lực của phương Tây. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei từng tuyên bố, nước này sẽ không coi thỏa thuận hạt nhân là hợp pháp một khi các biện pháp trừng phạt vẫn còn hiệu lực.

Iran đã làm gì để thực hiện cam kết với phương Tây?

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có trách nhiệm đảm bảo rằng, Iran không phát triển năng lực hạt nhân đủ để chế tạo bom nguyên tử, ít nhất trong vòng 15 năm.

Kho dự trữ urani làm giàu thấp của Iran đã được giảm 98%, từ khoảng 10.000 kg xuống còn gần 300kg. Với lượng urani còn lại, Iran không thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Công việc này hoàn tất vào ngày 28/12.

Một trong những công việc khác mà Iran phải thực hiện, đó là tháo dỡ 12.000 máy ly tâm dùng để làm giàu urani. Iran cho biết họ đã hoàn thành công việc này trong tháng 11/2015.

Ngoài ra, Iran cũng phải tiến hành các bước để vô hiệu hóa phần lõi của lò phản ứng Arak. Trước đó, lò phản ứng này được cho là có thể sản xuất lượng plutonium đủ để chế tạo khoảng 2 quả bom nguyên tử mỗi năm. Iran tuyên bố đã hoàn thành quá trình này trong vài tuần trở lại đây.

Những lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ?

Các lệnh cấm vận được Liên minh châu Âu dỡ bỏ đối với Iran trong lĩnh vực thương mại và đầu tư bao gồm khai thác dầu khí, hóa dầu, kim loại, vận chuyển, đóng tàu, vận chuyển cũng như ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan, bao gồm cả thương mại điện tử của Iran. Việc dỡ bỏ cấm vận cũng được thực hiện với quy chế cấp thị thực và tài sản của các cá nhân, công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp, hạt nhân và vũ khí.

Trong khi đó, Mỹ sẽ tạm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran trong lĩnh vực tài chính, dầu mỏ, khí đốt, vận chuyển, luyện kim và ngành công nghiệp ô tô của Iran. Việc dỡ bỏ cấm vận cũng sẽ mở đường cho các nhà sản xuất của Mỹ bán máy bay dân sự cho Iran. Theo ước tính, đội tàu bay của Iran cần ít nhất từ 400-600 máy bay mới.

Iran đã nghiêm túc tiến hành các bước để vô hiệu hóa phần lõi của lò phản ứng Arak. (Ảnh: PressTV)
Iran đã nghiêm túc tiến hành các bước để vô hiệu hóa phần lõi của lò phản ứng Arak. (Ảnh: PressTV)

Ngoài ra, động thái này cũng mở ra cơ hội làm ăn cho các doanh nghiệp Mỹ tại Iran, dẫn đến việc các sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ sẽ tràn vào thị trường Iran. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ đối với Iran tiếp tục có hiệu lực bởi Washington vẫn cáo buộc Tehran là nhà tài trợ cho khủng bố can thiệp vào công việc của các đồng minh Mỹ ở Trung Đông.

Cấm vận thương mại chưa được hoàn toàn dỡ bỏ sẽ hạn chế khá nhiều việc giao thương giữa hai nước. Trong khi các ngân hàng của Iran có thể mua bán đồng USD thì Tehran vẫn không thể thực hiện các giao dịch qua hệ thống ngân hàng Mỹ - một trong những huyết mạch quan trọng của thương mại toàn cầu.

Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ thay đổi mối quan hệ kinh tế giữa Iran và Mỹ như thế nào?

Thực tế là sẽ không có nhiều thay đổi bởi các công ty Mỹ thường có xu hướng nhằm đến những khu vực đầu tư ít phức tạp. Trong trường hợp của Iran, khi mà các rào cản pháp lý vẫn chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, tất nhiên, họ không muốn bị vướng vào những bất tiện có thể phát sinh.

Giám đốc điều hành Liên minh phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran Mark D. Wallace nhận định: “Tôi không nghĩ rằng sẽ có làn sóng các doanh nghiệp đầu tư vào Iran vào lúc này”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặc dù mối quan hệ chính trị giữa Iran và Mỹ vẫn còn nhiều khác biệt sau 35 năm thù địch, hai nước đã có những động thái khá tích cực trong thời gian qua. Một minh chứng cụ thể nhất đó là việc Iran nhanh chóng phóng thích 10 thủy thủ trên tàu hải quân Mỹ xâm phạm biên giới trên biển của nước này tại vùng Vịnh Ba Tư.

Có thể chờ đợi gì trong mối quan hệ lâu dài giữa Iran và Mỹ?

Theo nhận định của giới phân tích, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra câu trả lời về vấn đề này. Tuy nhiên theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới hôm 14/7/205, Mỹ cam kết sẽ có các hành động pháp lý để loại bỏ vĩnh viễn các biện pháp trừng phạt chứ không phải chỉ tạm ngừng áp dụng. Điều này phụ thuộc vào cách Iran thực hiện các cam kết của nước này.

Chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group Cliff Kupchan tin rằng, thỏa thuận này sẽ bắt đầu một quá trình “tan băng chậm” giữa Iran và Mỹ trong những năm tới. Theo ông Kupchan, kể cả khi Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, đại Giáo chủ Ayatollah Khamenei chưa bao giờ thực sự tin tưởng vào Mỹ cùng với sức ép của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thì những diễn biến mang tính xây dựng vẫn tiếp tục xuất hiện và điều này được rất nhiều nước mong chờ./.

ón đọc bài 3: Các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, ai hưởng lợi?)

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm