1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran:

Hassan Rouhani: Nhân vật chính trong hồ sơ hạt nhân Iran

Tổng thống Hassan Rouhani được cho là người đã mở toang cánh cửa đưa Tehran xích gần hơn với thế giới.

Trong những ngày đầu tiên của năm mới 2016, thông tin Mỹ và EU quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran được dư luận quốc tế luôn theo dõi sát sao. Động thái này cụ thể hóa những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân cuối cùng mà Iran và các cường quốc thế giới đạt được hôm 14/7/2015 ở Vienna, Áo.

Ông Rouhani được cho là có lập trường khá cởi mở với phương Tây.
Ông Rouhani được cho là có lập trường khá cởi mở với phương Tây.

Việc giải quyết thành công hồ sơ hạt nhân Iran được cho là chiến thắng của tất cả các bên, là hình mẫu để giải quyết những bất đồng, xung đột trong thế giới đầy rẫy những lợi ích đan xen như hiện nay.

Trong khi thế giới ngợi ca, người dân Iran sung sướng chào mừng, sẽ là thiếu sót khi không nói đến Tổng thống Hassan Rouhani, người được cho là chìa khóa, mở toang cánh cửa đưa Tehran xích gần hơn với thế giới.

Nhìn lại quá khứ, các cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran luôn được xem là “cuộc tranh tài” giữa những nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách và bảo thủ – những người vốn xem đạo Hồi là tư tưởng nền móng cho những quyết định về chính trị – xã hội. Chính sự cạnh tranh này phản ánh những thay đổi trong tư tưởng của xã hội Iran, khi mà xu thế phát triển là điều tất yếu.

Chiến thắng được người dân kỳ vọng

Chiến thắng của ông Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran hồi tháng 6/2013 cho thấy, người dân Iran muốn trao số phận đất nước vào tay một nhà lãnh đạo ôn hòa, theo đường lối cải cách, với kỳ vọng sẽ mang lại một sự thay đổi lớn lao cho dân tộc Iran.

Thắng lợi của ông Rouhani cũng phản ánh xu hướng của người dân Iran ngày càng “quay lưng lại” với đường lối lãnh đạo bảo thủ cứng rắn – vốn được xem là nguyên nhân khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này bị cộng đồng quốc tế cô lập, trong khi nền kinh tế thì ngày càng trì trệ dưới sức ép trừng phạt của phương Tây.

Thực tế đã cho thấy, trong 8 năm cầm quyền của ông Mahmoud Ahmadinejad, tham vọng hạt nhân và lối tiếp cận cứng rắn trong vấn đề này đã khiến mối quan hệ giữa Tehran và phương Tây luôn trong tình trạng căng thẳng, nền kinh tế Iran lâm vào tình cảnh trì trệ.

Không chỉ bị thất thu hàng chục tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, nước Cộng hòa Hồi giáo này còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp cao và đồng nội tệ mất giá thảm hại.

Bên cạnh đó, Tehran cũng phải đối mặt với lời đe dọa tấn công quân sự từ Mỹ và nước đồng minh trong khu vực là Israel luôn luôn thường trực.

Ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, người dân Iran cần một người cầm lái có thể đưa đất nước thoát khỏi khó khăn và ông Hassan Rouhani nổi lên như một gương mặt có thể đáp ứng được những yêu cầu đó.

Trên chính trường Iran, ông Hassan Rouhani là “cầu nối” quan trọng giữa phe bảo thủ của lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei với những chính trị gia theo đường lối cải cách – những người đang kêu gọi cần thực dụng hơn trong quan hệ với phương Tây.

Người dân Iran đặt nhiều kỳ vọng khi chọn ông Rouhani trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2013. (Ảnh: EPA)
Người dân Iran đặt nhiều kỳ vọng khi chọn ông Rouhani trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2013. (Ảnh: EPA)

Còn nhớ, trong chiến dịch tranh cử, ông Rouhani luôn nêu cao khẩu hiệu “Cứu lấy nền kinh tế Iran và khôi phục giáo lý”; đồng thời tuyên bố “tránh xa” những tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan, bám sát đường lối của hai người tiền nhiệm là ông Khatami và Rafsanjani nhằm mục tiêu xóa bỏ các biện pháp cấm vận của phương Tây, dần cải thiện mối quan hệ với thế giới.

Ông Rouhani cũng cam kết xây dựng một “Chính phủ khôn ngoan và đáng kỳ vọng”, trong đó tập trung vào 3 yếu tố chính là “một nền văn hóa năng động, một nền chính trị thực dụng và một nền kinh tế thịnh vượng”.

Bên cạnh đó, chính trị gia này còn cam kết sẽ hình thành một “sự tương tác mang tính chất xây dựng với thế giới" với một lập trường rõ ràng rằng "Iran có thể giải quyết mọi vấn đề với thế giới và sửa chữa mọi chính sách sai lầm”.

Đúng như cam kết sẽ làm hết sức để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm khiến nền kinh tế Iran kiệt quệ, bất chấp những khó khăn, cản trở của lực lượng đối lập trong nước cũng như những bất đồng tưởng chừng không thể vượt qua với các bên liên quan, chính quyền của ông Rouhani vẫn bền bỉ theo đuổi những nỗ lực đàm phán.

Vài tuần sau khi nhậm chức, ông Rouhani đã có cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama – đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên ở cấp cao nhất giữa các nhà lãnh đạo Iran và Mỹ kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Sau “phát súng mở màn”, chính quyền Iran đã liên tục có những động thái mang tính xây dựng nhằm hướng tới một thỏa thuận “có thể chấp nhận được” với các cường quốc thế giới. Và ngày 14/7/2015 đã trở thành một mốc son trong lịch sử Iran khi Tehran đạt được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).

Hassan Rouhani, ông là ai?

Sinh năm 1948 ở Sorkhe, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Semnan, ông Rouhani là con cả trong một gia đình 5 người mà theo ông mô tả là luôn “đề cao tôn giáo và cải cách”. Ngay từ thời niên thiếu, Rouhani đã thể hiện năng lực xuất sắc ở trường học, thích đọc kinh Koran, bơi lội và leo núi.

Tổng thống Hassan Rouhani được cho là người đã mở toang cánh cửa đưa Tehran xích gần hơn với thế giới.
Tổng thống Hassan Rouhani được cho là người đã mở toang cánh cửa đưa Tehran xích gần hơn với thế giới.

Bước lên vũ đài chính trị, ông Rouhani luôn xuất hiện trong bộ áo choàng và khăn xếp của một giáo sĩ. Người ta biết đến ông như một người theo đường lối ôn hòa và đã nhanh chóng trở thành một nhân vật quan trọng trong đời sống chính trị Iran kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979.

Ông Rouhani là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong Bộ Quốc phòng Iran trong khoảng thời gian 1980 – 1988 và sau đó nắm giữ một số vị trí quan trọng trong đời sống chính trị Iran.

Từ năm 1989 – 2005, ông Rouhani là Thư ký của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC).

Ông Rouhani từng làm Phó Chủ tịch Quốc hội Iran từ năm 1996 – 2000 trong lúc hoàn tất luận án về luật Hồi giáo tại Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland.

Ông Rouhani cũng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran từ năm 2003-2005 dưới thời cựu Tổng thống Mohammed Khatami và có một lập trường khá linh hoạt với các quốc gia phương Tây.

Sau khi nhậm chức, ông Rouhani đã thực hiện một bước đi quan trọng khi đề nghị lãnh tụ tinh thần tối cao Khamenei cho phép Bộ Ngoại giao phụ trách việc đàm phán hạt nhân với phương Tây thay vì SNSC, đồng thời chỉ định Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif làm “kiến trúc sư trưởng” cho hoạt động này.

Theo đánh giá của giới phân tích, sự thay đổi này có thể coi là một trong những yếu tố quyết định “chuẩn bị mặt bằng” cho thỏa thuận hạt nhân lịch sử, điều mà trong suốt các nhiệm kỳ Tổng thống trước đó như thời ông Mohammad Khatami và Mahmoud Ahmadinejad được cho là không tưởng. Tuy nhiên, cũng phải đề cập đến sự hậu thuẫn của Đại giáo chủ Ali Khamenei cho thay đổi mang tính bước ngoặt này.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) thực sự là bước đột phá đối với các mối quan hệ song phương và đa phương.

Thỏa thuận này đạt được ở vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ còn một năm ở Nhà Trắng và thỏa thuận với Iran là một trong những ưu tiên cao nhất trong di sản đối ngoại mà ông muốn để lại sau hai nhiệm kỳ Tổng thống.

Còn đối với Tổng thống Iran Rouhani, việc nỗ lực phá vỡ vòng kiềm tỏa của Mỹ và phương Tây cùng với sự đi lên của kinh tế Iran có thể củng cố vững chắc hơn vị trí của ông trong đời sống chính trị Iran.

Có thể nói, mọi yếu tố ủng hộ đã hội đủ, và thỏa thuận hạt nhân đã đến như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên, dù có lạc quan đến mấy thì cũng phải thừa nhận rằng, đây chỉ là dấu hiệu tích cực ban đầu bởi những khác biệt vẫn có thể đẩy Mỹ và Iran, thậm chí cả thỏa thuận hạt nhân đi theo những hướng không mong đợi./.

(Đón đọc bài 2: Hồ sơ Iran và những điều ít biết)

Theo Hùng Cường/VOV.VN