1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hệ thống xét nghiệm của Trung Quốc có thể "bỏ lọt" nhiều người mắc Covid-19

(Dân trí) - Nhiều trường hợp người bệnh kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần mới ra kết quả dương tính với Covid-19 làm dấy lên lo ngại về "lỗ hổng" trong hệ thống xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Trung Quốc.

Hệ thống xét nghiệm của Trung Quốc có thể bỏ lọt nhiều người mắc Covid-19 - 1

Nhiều người Trung Quốc xét nghiệm đi xét nghiệm lại mới cho kết quả dương tính với Covid-19 (Ảnh: Reuters)

He Ximing, một người bán rau 52 tuổi ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc nói với Reuters rằng ông không hiểu vì sao mình bị nhiễm virus corona mới và vì sao ông xét nghiệm axit nucleic tới 4 lần nhưng đều cho kết quả âm tính.

Dựa vào kết quả trên, các bác sĩ từng kết luận ông không phải là bệnh nhân Covid-19 dù hồi cuối tháng 2, ông cảm thấy khó thở và ngực đau thắt. Mặc dù vậy, ông đã được đưa tới trung tâm cách ly vì những triệu chứng tương tự như Covid-19. 

Mặc dù vậy, ông vẫn không thể rũ bỏ những hoài nghi về việc mình có thể đã nhiễm virus corona mới và vào cuối tháng 3, ông đã tới một bệnh viện ở Vũ Hán để xét nghiệm lại, bao gồm xét nghiệm kháng thể. Lần này, kết quả ông nhận được là dương tính. 

Cuối cùng, ông ít nhất cũng có sự lý giải rõ ràng vì sao ông từng cảm thấy sức khỏe trở nên tồi tệ vào tháng 2. “Tôi cảm thấy như đang chết dần đi, Bạn không thể tưởng tượng được nó như thế nào đâu”, He cho biết.

Theo Reuters, trường hợp của He không phải cá biệt. Đã có những câu chuyện tương tự như vậy ở Trung Quốc và điều này đã làm dấy lên mối quan ngại về mức độ chính xác của hệ thống xét nghiệm Covid-19 ở nước này.

Reuters cho rằng các kết quả xét nghiệm không đáng tin cậy có thể làm ảnh hưởng tới chiến lược của nhà cầm quyền không chỉ trong ngăn chặn virus SARS-CoV-2 mà còn liên quan tới quyết định mở cửa lại nền kinh tế phải đình trệ vì đại dịch.

"Lỗ hổng" trong hệ thống xét nghiệm

Thế giới hiện có 2,5 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 với 177.000 người chết. Vũ Hán, nơi bệnh dịch khởi phát cuối năm ngoái, có 50.333 ca Covid-18 và 3.869 người tử vong.

Hầu hết các ca nhiễm virus được xác định thông qua xét nghiệm axit nucleic bằng cách dùng gạc lấy mẫu từ họng và đường hô hấp bệnh nhân để tìm xem có bộ gen của virus hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng xét nghiệm này ẩn chứa nguy cơ sẽ có sai sót xảy ra trong kịch bản mẫu thử bị lấy quá ít hoặc gạc lấy mẫu không chạm được vào điểm mà virus tấn công ở đường hô hấp của bệnh nhân.

“Hạn chế của các xét nghiệm này cần phải được ghi nhận và việc sử dụng các xét nghiệm thông thường là cần thiết nếu chúng ta muốn chắc chắn ai đó có thực sự âm tính với Covid-19”, chuyên gia Andrew Preston từ đại học Bath (Anh) cho hay.

Giới khoa học tới nay vẫn chưa thể đưa ra được con số chính xác về phần trăm xét nghiệm axit nucleic cho ra kết quả âm tính giả.

Hồi tháng 2, một nghiên cứu của các bác sĩ Trung Quốc thực hiện trên 213 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ âm tính giả vào khoảng 30%. Giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về nhiều trường hợp người bệnh có kết quả âm tính rất nhiều lần trước khi dương tính với mầm bệnh.

Hồi tháng 2, Nhân dân Nhật Báo cho biết một phụ nữ có triệu chứng viêm phổi phải đến xét nghiệm lần thứ 5 mới cho ra kết quả dương tính.

Chính quyền Vũ Hán sau đó đã bắt đầu xét nghiệm kháng thể cho người dân. Trung Quốc cũng đang thực hiện khảo sát dịch tễ tại 9 khu vực trong nỗ lực phát hiện quy mô thực tế của các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng và mức độ miễn dịch.

He nói ông được xét nghiệm lần đầu tiên vào 1/3 sau khi cảm thấy nghẹt thở ở ngực dù không sốt hay ho. Phim chụp X-quang cho thấy phổi ông có vùng trắng, tương tự như các bệnh nhân Covid-19, nhưng xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính nên ông bị từ chối điều trị.

Hai lần xét nghiệm axit nucleic tiếp theo trong tháng 3 cũng vẫn cho kết quả âm tính, 

Cuối cùng, ngày 28/3, ông tiếp tục có kết quả âm tính khi đi xét nghiệm axit nucleic lần 4. Tuy nhiên, lần này, ông đã thực hiện thêm cả xét nghiệm kháng thể và kết quả là dương tính.

“Tôi kể chuyện của mình cho một bác sĩ và ông ấy nói với tôi rằng tôi thật may mắn vì không qua đời”, He nói với Reuters trong căn hộ với đầy cả vỏ thuốc mà ông sử dụng trong suốt thời gian 1 tháng bị bệnh viện từ chối điều trị.

He cho biết ông tin rằng ông đã miễn dịch và không lây nhiễm, dù ông vẫn đeo khẩu trang N95 và dùng đồ che mặt khi đi ra đường.

Đức Hoàng

Theo Straits Times