1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel chống đỡ trận mưa tên lửa từ Iran

Dương Đăng Minh Phương

(Dân trí) - Với hệ thống phòng thủ nhiều lớp và sự hỗ trợ của đồng minh, Israel nhanh chóng vô hiệu hóa cuộc tấn công của hàng trăm tên lửa Iran đêm 1/10.

Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel chống đỡ trận mưa tên lửa từ Iran - 1

Hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel đánh chặn tên lửa Iran hôm 1/10 (Ảnh: Reuters).

Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran (IRGC) cho biết, Iran đã phóng tổng cộng 200 tên lửa nhằm vào Israel đêm 1/10.

Quân đội Israel và Mỹ ban đầu ước tính Iran đã sử dụng khoảng 180 tên lửa cho cuộc tấn công này, trong khi báo Jerusalem Post nói quy mô cuộc tấn công có thể lên tới 500 tên lửa.

Trong khi IRGC khẳng định 90% tên lửa trúng mục tiêu, Mỹ và Israel khẳng định vụ tập kích đã thất bại vì hầu hết tên lửa bị đánh chặn. Israel cho biết, năng lực phòng không của quân đội không bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công.

Dữ liệu vệ tinh từ NASA cho thấy cuộc tấn công quy mô lớn của Iran không gây thiệt hại đáng kể nào cho các hạ tầng quan trọng của Israel, bao gồm cả các căn cứ không quân lớn.

Các vệ tinh của NASA chỉ phát hiện được 4 điểm dị thường về nhiệt, cho thấy thiệt hại hạn chế từ cuộc tấn công tên lửa. Dữ liệu này ủng hộ tuyên bố của Israel rằng nước này đã tránh được thiệt hại nghiêm trọng nhờ hệ thống phòng không.

Đây là lần thứ 2 Iran tập kích quy mô lớn vào Israel kể từ đầu năm nay và cả 2 lần Israel đều đánh chặn thành công. Điều này được cho là do Israel sở hữu hệ thống phòng không đáng tin cậy và có thêm sự hỗ trợ của đồng minh.

Hệ thống phòng không nhiều lớp hiện nay đã được Israel phát triển kể từ khi hứng chịu loạt tên lửa Scud của Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Dưới đây là một số chi tiết về hệ thống này.

Hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel chống đỡ trận mưa tên lửa từ Iran - 2

Hệ thống tên lửa nhiều lớp của Israel (Đồ họa: Potomac).

Tên lửa Arrow

Các tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow-2 và Arrow-3 được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa trên không. Chúng được Israel phát triển nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Iran.

Tên lửa Arrow hoạt động ở độ cao cho phép phân tán an toàn bất kỳ đầu đạn nào.

Công ty Israel Aerospace Industries (ISRAI.UL), thuộc sở hữu nhà nước, là nhà thầu chính của dự án, trong khi tập đoàn Boeing tham gia sản xuất các thiết bị đánh chặn.

Vào ngày 31/10 năm ngoái, quân đội Israel cho biết họ đã sử dụng hệ thống phòng không Arrow lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến với Hamas nổ ra vào ngày 7/10 để đánh chặn một tên lửa đất đối đất.

Tháng 9 năm ngoái, Đức đã ký cam kết với Israel để mua hệ thống Arrow-3 với giá gần 4 tỷ euro.

Tên lửa David's Sling

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung David's Sling được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo phóng từ khoảng cách 100-200km.

Được phát triển và sản xuất chung bởi công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel và tập đoàn RTX của Mỹ, David's Sling cũng được thiết kế để đánh chặn máy bay, UAV và tên lửa hành trình.

Vòm sắt

Hệ thống phòng không tầm ngắn "Vòm sắt" được xây dựng để đánh chặn loại tên lửa do Hamas sử dụng tại Gaza.

Được Công ty Rafael Advanced Defense Systems phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ, hệ thống này đã bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Mỗi đơn vị được kéo bằng xe tải sẽ bắn tên lửa dẫn đường bằng radar để tiêu diệt ngay trên không trung các mối đe dọa tầm ngắn như tên lửa, pháo cối và UAV.

Rafael cho biết họ đã cung cấp 2 hệ thống Vòm sắt cho quân đội Mỹ vào năm 2020. Ukraine cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp trong cuộc chiến với Nga, mặc dù cho đến nay Israel chỉ cung cấp cho Kiev hỗ trợ nhân đạo và phòng thủ dân sự.

Phiên bản Vòm sắt dành cho hải quân nhằm bảo vệ tàu thuyền và tài sản trên biển được triển khai vào năm 2017.

Hệ thống này xác định xem tên lửa có đang hướng đến khu vực đông dân cư hay không; nếu không, tên lửa sẽ bị bỏ qua.

Hệ thống Vòm sắt ban đầu được tuyên bố có khả năng bảo vệ khu vực có quy mô thành phố khỏi các tên lửa có tầm bắn từ 4km đến 70km, nhưng các chuyên gia cho biết khả năng này đã được nâng cấp.

Hệ thống phòng thủ bằng laze

Để bắn hạ các mối đe dọa, hệ thống đánh chặn của Israel phải tiêu tốn hàng chục nghìn đến hàng triệu USD. Vì vậy, Israel đang phát triển một hệ thống mới dựa trên tia laze để vô hiệu hóa tên lửa và UAV của đối phương với chi phí ước tính chỉ 2 USD cho mỗi lần đánh chặn.

Ngoài hệ thống phòng không nhiều lớp này, Israel còn có sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh. Hồi tháng 4, Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đã phối hợp với Israel đánh chặn hơn 300 tên lửa và UAV của Iran. Trong vụ việc hôm qua, Mỹ và các đối tác khác cũng giúp Tel Aviv đánh chặn một phần tên lửa Iran.

Theo Reuters