1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ "mắt thần" tuyệt mật của Mỹ tại Đài Loan

Thành Đạt

(Dân trí) - Hệ thống radar tầm xa hiện đại và đắt đỏ đặt tại Đài Loan ngày càng trở thành vũ khí quan trọng của Mỹ nhằm để mắt tới Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.

Hé lộ mắt thần tuyệt mật của Mỹ tại Đài Loan - 1

Hệ thống radar PAVE PAWS đặt tại Đài Loan. (Ảnh: SCMP)

Theo các chuyên gia phân tích, hệ thống radar tầm xa uy lực tại Đài Loan có khả năng cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu.

Khi được đặt trên đỉnh một ngọn núi ở phía bắc hòn đảo, hệ thống radar này đóng vai trò then chốt trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ quân đội Trung Quốc, bao gồm cuộc tấn công từ căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông, nhắm mục tiêu tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.

Hệ thống radar cảnh báo sớm tầm xa PAVE PAWS trị giá 1,4 tỷ USD do công ty Raytheon của Mỹ chế tạo và đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2013.

Nằm trên độ cao 2.600 mét tại trạm radar Lạc Sơn ở thành phố Tân Trúc, hệ thống radar PAVE PAWS khổng lồ có thể phát hiện tên lửa được phóng từ khoảng cách lên tới 5.000 km và theo dõi chi tiết đường bay của các vật thể từ khoảng cách 2.000 km bao trùm Trung Quốc và toàn bộ Biển Đông.

Hiện xuất hiện một số lo ngại tại Đài Loan rằng, hệ thống PAVE PAWS sẽ trở thành mục tiêu phá hủy hàng đầu nếu quân đội Trung Quốc tấn công hòn đảo.

Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, thậm chí sử dụng vũ lực. Bắc Kinh cũng tăng cường các hành động đe dọa nhằm vào Đài Loan.

"Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phá hủy hệ thống radar đầu tiên để các hệ thống liên kết dữ liệu tác chiến của Đài Loan bị cắt đứt", Sun Hai-tao, tướng Đài Loan nghỉ hưu và là cựu chỉ huy tàu hộ vệ lớp Lafayette, cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định ngay cả khi xảy ra kịch bản tấn công, hệ thống radar vẫn cung cấp thông tin cảnh báo sớm quan trọng cho Đài Loan.

Wang Kung-yi, người đứng đầu Hội nghiên cứu chiến lược quốc tế Đài Loan, cho rằng hòn đảo này đã "đầu tư mạnh tay" để bảo vệ hệ thống radar quan trọng.

"Các lá chắn chống tên lửa đã được thiết lập, gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot III và các hệ thống tên lửa tầm trung Tien Kung 2, hệ thống phòng thủ tầm xa Tien Kung 3 do Đài Loan phát triển. Ngoài ra còn có máy bay cảnh báo sớm và hệ thống pháo phòng không tầm ngắn", chuyên gia Wang nói, đồng thời cho biết hệ thống gây nhiễu GPS cũng được triển khai để ngăn quân đội Trung Quốc định vị chính xác mục tiêu.

Giới chỉ trích cho rằng hệ thống radar PAVE PAWS tại Đài Loan được triển khai để phục vụ Mỹ và chi phí của hệ thống này cũng đặt ra nhiều nghi vấn.

Ngoài chi phí chế tạo, Đài Loan còn chi khoảng 24,6 triệu USD mỗi năm để duy trì hệ thống radar. Các công việc bảo trì quan trọng đều do các kỹ thuật viên của Mỹ thực hiện, do công nghệ cốt lõi vẫn chưa được chuyển giao cho Đài Loan và hòn đảo này cũng xác nhận đã chia sẻ thông tin tình báo thu thập được cho Washington. Một cố vấn kỹ thuật của Mỹ từng được nhìn thấy xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi bà tới thăm cơ sở đặt radar hồi tháng 10.

Su Tzu-yun, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cho rằng việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Đài Loan và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Biển Đông và eo biển Đài Loan đang được xem là những "điểm nóng" có nguy cơ bùng phát xung đột.

"PAVE PAWS rất mạnh. Nó có thể phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Việc chia sẻ thông tin tình báo kịp thời với Mỹ đồng nghĩa với việc hệ thống này có thể giúp theo dõi và đối phó với bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ dưới nước nào bằng tên lửa của Trung Quốc khi nước này đã xây dựng hạm đội tàu ngầm tại Biển Đông trong suốt thập niên qua", giáo sư Su nhận định.

Theo giáo sư Su, quân đội Trung Quốc đã mở rộng hiện diện ở Biển Đông và biển Hoa Đông để đối phó với các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực. Các tàu ngầm của Trung Quốc có thể phóng tên lửa từ Biển Đông để tấn công các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.

Ou Si-fu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phòng vệ và An ninh tại Đài Bắc, cho rằng các tàu ngầm tại căn cứ của Trung Quốc ở ven biển phía nam đảo Hải Nam, có thể dễ dàng tránh bị phát hiện khi hoạt động ở độ sâu 2.000-4.000 mét ở Biển Đông.

"Các tàu ngầm hạt nhân của quân đội Trung Quốc được trang bị tên lửa đạn đạo có thể tránh đợt tấn công đầu tiên bằng cách ẩn dưới nước và trở thành lực lượng răn đe đáng tin cậy khi tấn công đáp trả", chuyên gia Ou nhận định.

Ông Ou cho biết thế hệ tàu ngầm mới của hải quân Trung Quốc được trang bị tên lửa JL-3 có tầm hoạt động lên tới 14.000 km, đủ khả năng đặt Mỹ vào tầm tấn công. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống radar PAVE PAWS đối với hợp tác an ninh giữa Mỹ và Đài Loan.