1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hậu trường 2 tuần chuẩn bị gấp rút của Singapore cho thượng đỉnh Trump-Kim

(Dân trí) - Kinh nghiệm của Singapore chuẩn bị gấp rút cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể là những bài học quý giá cho Việt Nam khi được lựa chọn trở thành nơi diễn ra hội nghị Mỹ-Triều lần hai vào cuối tháng này.

 

trumpkim4.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un họp thượng đỉnh lần đầu tại Singapore. (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sau nhiều lần "nhấc lên, đặt xuống", cuối cùng được ấn định diễn ra vào ngày 12/6/2018 tại Singapore.

Do vậy, mặc dù được đồn đoán là một trong những địa điểm lý tưởng cho hội nghị thượng đỉnh này từ trước đó, nhưng Singapore chỉ rốt cuộc chỉ có vỏn vẹn 2 tuần để hoàn tất mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên được dư luận thế giới quan tâm.

Thành công của Singapore trong việc tổ chức sự kiện có tính chất đặc biệt quan trọng và chiến lược này có thể mang lại những kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam - nơi sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vào ngày 27-28/2 tới.

An ninh được ưu tiên hàng đầu

an ninh 2.jpg

An ninh được ưu tiên hàng đầu cho hội nghị. (Ảnh: Getty)

 

Vấn đề tổ chức được ưu tiên hàng đầu khi chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore chính là an ninh, bao gồm việc bảo vệ cho hai nguyên thủ cũng như đảm bảo an toàn ở các vị trí như khách sạn của hai nhà lãnh đạo, hai phái đoàn và địa điểm diễn ra hội nghị.

Sau khi đoàn tiền trạm Mỹ và Triều Tiên thống nhất các địa điểm này, mỗi bên cần phê chuẩn mọi chi tiết liên quan đến hội nghị. Nước chủ nhà phải lên kế hoạch để kiểm soát đám đông và thực hiện các thủ tục như cấm đường, kiểm tra an ninh…

Singapore cũng phải thực hiện khoanh vùng không phận hạn chế để tạo điều kiện cho các chuyến bay tuần tra an ninh của các máy bay quân sự, thực hiện điều chỉnh lịch trình một số chuyến bay thương mại cần thiết để phục vụ cho sự kiện

an ninh 3.jpg

(Ảnh: EPA)

 

Ngoài ra, Singapore cũng phải tăng cường các hoạt động tuần tra biển, đặc biệt là ở khu vực xung quanh đảo nghỉ dưỡng Sentosa, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. Các tàu hải quân được triển khai xung quanh khu vực này và được hỗ trợ từ trên không bởi các trực thăng.

Phái đoàn ngoại giao của Mỹ và Triều Tiên dành nhiều ngày ở Singapore để tiền trạm đảo Sentosa, thống nhất các nghi thức ngoại giao cho hội nghị để đảm bảo tính bình đẳng. Singapore đã nhanh chóng tìm kiếm những người có khả năng nói tiếng Triều Tiên trong lực lượng an ninh để hỗ trợ việc giao tiếp với phái đoàn Triều Tiên.

Cảnh sát và nhân viên an ninh được yêu cầu không nghỉ phép trong thời gian trước và trong hội nghị thượng đỉnh. Trong khi đó, quân đội Singapore được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ cùng với các máy bay và trực thăng chiến đấu.

an ninh 4.jpg

(Ảnh: AP)

 

Ngoài triển khai khoảng 5.000 cảnh sát, dân phòng và các nhân viên an ninh khác, Singapore còn thuê các công ty an ninh để đảm bảo an ninh trật tự phục vụ hội nghị.

Singapore đã lập ra nhiều khu vực an ninh khác nhau. Thứ nhất là khu vực diễn ra hội nghị ở khách sạn Capella trên đảo Sentosa. Thứ hai là khu vực cách đó khoảng 8km, nơi hai phái đoàn Mỹ, Triều Tiên nghỉ lại. Khi đó, Tổng thống Trump chọn nghỉ tại khách sạn Shangri-La Hotel, Chủ tịch Kim Jong-un tại khách sạn St. Regis cách đó chưa đầy 1km. Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Gurkha được triển khai để đảm bảo an ninh.

Vấn đề chi phí và tác nghiệp truyền thông

truyen thong1.jpg

Hơn 2.500 phóng viên đăng ký tác nghiệp đưa tin hội nghị Mỹ-Triều ở Singapore tháng 6/2018. (Ảnh: AP)

 

Do tính chất khó đoán của hội nghị, Singapore cũng phải đối mặt với không ít thách thức ngoại giao để trả lời cho câu hỏi ai sẽ trang trải chi phí cho phái đoàn dự hội nghị khi ở Singapore hay việc sắp xếp khi có hàng nghìn phóng viên quốc tế đổ về Singapore đưa tin sự kiện.

Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, Singapore đã giải quyết nhanh chóng những thách thức này và cả những thách thức khác. Các phóng viên đã được bố trí tác nghiệp tại một trung tâm truyền thông ở tòa nhà Formula One, cách đảo Sentosa 10km. Để thể hiện sức mạnh mềm của mình, Singapore cũng đã trang bị cho trung tâm truyền thông quốc tế các tiện nghi chưa từng có để phóng viên quốc tế chỉ nhìn thấy những mặt tốt nhất của quốc đảo sư tử.

Liên quan đến vấn đề chi phí cho hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng ước tính Singapore phải dành khoảng 15 triệu USD để tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, con số thực tế sau đó thấp hơn, chỉ khoảng 11,8 triệu USD. Các chuyên gia về marketing thậm chí ước tính, lợi ích Singapore thu về gấp 10 lần con số đó nhờ những hiệu ứng tích cực từ truyền thông.

Jason Tan, chuyên gia thuộc công ty truyền thông Zenith Singapore, nhận định số tiền 14,8 triệu USD chỉ đủ để mua 90 giây quảng cáo trong một chương trình nhiều khán giả nhất ở Mỹ là giải bóng bầu dục Super Bowl.

“Với hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Singapore đã có một tuần quảng cáo trên truyền thông quốc tế với hiệu ứng thương hiệu tích cực”, ông Tan bình luận với Al Jazeera.

Minh Phương
Theo Al Jazeera, Straits Times