1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điều ít biết về quá trình đàm phán hậu cần tỉ mỉ cho thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6 năm ngoái, ngoài chương trình nghị sự cho hội nghị, giới chức hai bên đã thảo luận tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ vị trí ngồi trong phòng họp, những ai được có mặt hay quà lưu niệm tặng nhau.

 

trump kim.jpg

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp thượng đỉnh lần đầu tại Singapore hồi tháng 6/2018. (Ảnh: Straits Times)

Quá trình đàm phán tỉ mỉ

New York Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, trước khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore, phái đoàn hai nước đã có các cuộc trao đổi kỹ lưỡng để chuẩn bị cho công tác hậu cần. Hai bên đàm phán mọi thứ từ nơi gặp gỡ, vị trí ngồi của các nhà lãnh đạo, ai được phép có mặt trong phòng họp, số lượng bữa tiệc, thời gian giải lao, đồ uống, quà lưu niệm trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo hay ai sẽ là người trang trải các chi phí.

 

Liên quan đến các nghi thức ngoại giao, Wendy R. Sherman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng tháp tùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright trong chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 2000, cho biết: "Tất cả sẽ do Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định. Mỗi bên sẽ cố đưa thêm những nghi thức riêng”.

Trong khi Tổng thống Trump được cho là không quá quan tâm đến các nghi thức ngoại giao khi tiếp xúc với các nguyên thủ nước ngoài, thì giới chức Triều Tiên dường như rất chú trọng đến điều này, họ quan tâm đến cả các chi tiết như nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ ngồi bên nào của bàn đàm phán.

Một quan chức Nhật Bản từng tham gia các cuộc thảo luận với phái đoàn Triều Tiên cho biết, thông thường, những người có chức vụ cao sẽ bước vào phòng họp sau cùng và ngồi xa cửa nhất. Do vậy, một giải pháp được đưa ra là lựa chọn phòng họp với hai lối ra vào. Khi đó, những người làm công tác chuẩn bị hậu cần sẽ kiểm tra trước tình trạng khóa, mở cửa các lối ra vào này.

trieu tien 2.PNG

(Ảnh: Reuters)

 

Ngoài ra, quá trình thảo luận công tác hậu cần còn chú ý đến các chi tiết như mỗi nhà lãnh đạo sẽ tiến bao nhiêu bước trước khi dừng lại trước ống kính truyền thông.

Hai bên cũng sẽ đàm phán việc khi nào quốc kỳ của hai nước sẽ xuất hiện trong các bức ảnh chính thức của hội nghị.

An ninh được ưu tiên hàng đầu

Vấn đề an ninh luôn được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu cho cả hai bên. Với tư cách là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, Singapore chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại các tuyến đường và các cơ sở công khác, trong khi Mỹ và Triều Tiên đảm bảo an toàn cho nguyên thủ của mình.

singapore.jpg
Hai lính Gurkha đứng gác bên ngoài khách sạn nơi ông Kim Jong-un ở khi tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh năm 2018. (Ảnh: AP)

 

Bất cứ khi nào tổng thống Mỹ công du nước ngoài, ông luôn được tháp tùng bởi một đội Mật vụ, đoàn xe hộ tống, trực thăng và các phương tiện đảm bảo an toàn khác.

Trong khi đó, theo trang mạng The Drive, nhà lãnh đạo Kim jong-un luôn được bảo vệ bởi 6 lớp an ninh gồm khoảng 200-300 người. Ngoài ra, đội ngũ an ninh cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn, nước uống và các đồ dùng cá nhân khác để đảm bảo an toàn cho người đứng đầu chính phủ. Ông Kim Jong-un cũng được tháp tùng bởi một đội ngũ y tế riêng khi tới Singapore.

Địa điểm họp của ông Trump và ông Kim Jong-un cũng được giữ kín đến phút chót. Địa điểm được lựa chọn là khách sạn 5 sao Capella trên đảo Sentosa, phía nam Singapore. Nối với đất liền bằng một đường bộ duy nhất dài chưa đầy 1km, đảo Sentosa được cho là có lợi thế an ninh có thể đáp ứng cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên KimJong-un dự kiến sẽ họp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 27-28/2 tới đây. Hiện phái đoàn hai bên tiếp tục thảo luận tích cực các công tác chuẩn bị cho hội nghị.

Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun cho biết, hai bên đã đạt được nhiều tiến triển sau các cuộc đàm phán, tuy nhiên “vẫn còn nhiều việc cần làm” để đảm bảo hội nghị diễn ra thành công như kỳ vọng.

 

Minh Phương
Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm