1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hầu hết cán bộ ngoại giao Mỹ tại Libya là nhân viên CIA

(Dân trí) - Đa số nhân viên ngoại giao Mỹ có mặt ở Libya tại thời điểm Lãnh sự quán nước này ở thành phố Benghazi bị tấn công là nhân viên tình báo CIA, tờ Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ mới đây.

Hầu hết cán bộ ngoại giao Mỹ tại Libya là nhân viên CIA
 

Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens, người đã bị sát hại trong vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi hôm 11/9, bị tình nghi là một nhân viên CIA cài cắm.

Thông tin được mạng Ynet.news của Isael trích dẫn lại nói rõ khi xảy ra cuộc tấn công hôm 11/9, trong số 30 nhân viên ngoại giao Mỹ có mặt tại tòa nhà thì chỉ có 7 người là cán bộ ngoại giao thực sự, 23 người còn lại là các nhân viên bí mật của CIA được “cài cắm” để theo dõi tình hình tại Libya.

Trong vụ tấn công này, các tay súng ở Libya đã bất ngờ xông vào tòa nhà Lãnh sự Mỹ ở thành phố Benghazi, sát hại Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao khác. Vụ tấn công xảy ra sau khi trên mạng Youtube xuất hiện một đoạn phim dài 14 phút có nội dung phỉ báng đạo Hồi và báng bổ đấng tiên tri Mohammad.

Nguồn tin cho biết bản thân Đại sứ Stevens cũng là một nhân viên kỳ cựu của CIA.

Tuy nhiên, hiện cả hai chính phủ Mỹ và Libya, cũng như Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.

Trong khi đó, các nhà điều tra Mỹ vẫn đang đẩy mạnh tiến trình điều tra về cái chết của Đại sứ Stevens cùng 3 nhân viên ngoại giao, đồng thời tìm cách tiếp cận với thủ phạm người Tuynidi bị tình nghi đứng sau vụ tấn công ở Benghazi cách đây gần 2 tháng.

“Theo một thỏa thuận được ký giữa chính phủ Mỹ và Tuynidi, các nhân viên điều tra FBI của Mỹ sẽ được tiếp cận lấy lời khai của Ani al Harzi, bị tình nghi chủ mưu vụ tấn công cơ quan ngoại giao Mỹ hôm 11/9 và hiện đang bị giam giữ tại Tuynidi”, giới chức Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, toàn bộ quá trình lấy lời khai sẽ được tiến hành dưới sự giám sát của cơ quan chức năng nước sở tại.

Thỏa thuận này được Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Saxby Chambliss và thành viên cấp cao Ủy ban Các vấn đề Vũ trang của Thượng viện Lindsey Graham công bố lần đầu tiên hôm 2/11. Theo hai nghị sĩ, hai bên đã mất khá nhiều thời gian để đi tới thỏa thuận nhưng bù lại, việc các nhân viên điều tra Mỹ được phép tiếp cận với thủ phạm sẽ giúp rút ngắn đáng kể tiến trình điều tra cũng như tìm ra chân tướng vụ việc và đưa thủ phạm ra xét xử.

Al Harzi bị bắt giữ hôm 3/10 khi đang tìm cách sử dụng hộ chiếu giả vào Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó bị dẫn độ về Tuynidi hôm 111/10 theo hiệp ước dẫn độ tội phạm khủng bố song phương.

Al Harzi bị tình nghi tham gia tổ chức vụ tấn công hôm 11/9 ở Benghazi nhưng chưa rõ y có giữ vai trò lãnh đạo trong vụ việc này hay không. Trước khi bị bắt giữ, Al Harzi từng đưa lên một trang web truyền thông nhiều thông tin nóng hổi về diễn biến vụ tấn công, cho thấy y nắm rất rõ nội tình vụ việc.

Theo hiến pháp Tuynidi, nếu bị kết tội, Al Harzi sẽ phải đối mặt với bản án 12 năm tù giam.

Linh Giang
Theo Reuters