1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hành động bạo tàn

Cả nước Pháp và thế giới bàng hoàng trước các vụ tấn công khủng bố nhằm vào thủ đô Paris của nước Pháp xảy ra vào đêm 13-11.

Nước Pháp vốn không bình yên kể từ sau vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo hồi đầu năm, giờ lại bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Algerie cách đây 50 năm. “Chiến tranh ngay giữa lòng Paris”, tiêu đề đăng trên tờ Le Figaro số ra ngày 14-11 dường như đã nói lên tính nghiêm trọng và sự tàn bạo mà bọn khủng bố đã gây ra ở Paris.

Hành động bạo tàn - 1

Hiện trường vụ tấn công một nhà hàng ở thủ đô Paris tối 13-11. (Ảnh: Vietnam+)

Với những người có mặt tại hiện trường, thủ đô Paris đêm 13-11 không còn sự lung linh của ánh đèn điện tỏa ra từ những tòa nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng, mà chỉ là ánh đèn và tiếng còi hú của xe cảnh sát.

Trước đó, bốn kẻ tấn công tay lăm lăm súng, trên người quấn các đai thuốc nổ, đã tấn công vào Nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris. Bọn chúng không ngần ngại gí súng vào đầu các con tin và “bắn như bắn chim” (theo mô tả của nhân chứng). Khi bị cảnh sát bao vây, bọn chúng đã cho kích hoạt khối thuốc nổ. Ít nhất 80 người trong Nhà hát Bataclan đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.

Các vụ tấn công khác ở Sân vận động Stade de France, phố Bichat, phố Charonne, Đại lộ Cộng hòa, Beaumarchais, phố Fontaine au Roi cũng cướp đi sinh mạng của hơn 40 người. Không thể hình dung được một buổi tối cuối tuần với hàng loạt sự kiện giải trí lại biến thành một thảm kịch đẫm máu, không thể tưởng tượng một phòng hòa nhạc lại biến thành bãi chiến trường.

Tổng thống Francois Hollande đã gọi đây là một cuộc tấn công "chưa từng có tiền lệ" vào nước Pháp, và nhấn mạnh thủ đô Paris đang đứng trước "tình thế lịch sử".

Nếu như vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo hồi đầu năm gây chấn động toàn thế giới sau khi các tay súng tấn công vào những người được coi là “kẻ thù của Hồi giáo”, thì các vụ tấn công ngày 13-11 có quy mô, tính chất dã man, tàn bạo hơn rất nhiều lần.

Không còn kiểu tấn công của những “con sói đơn độc” trở về từ Syria và chỉ nhằm vào “kẻ thù của Hồi giáo”, các vụ tấn công ở Paris chỉ có thể là sản phẩm đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng của một tổ chức khủng bố và mục tiêu nhằm vào dân thường. Theo cách nói của Tổng thống Barack Obama, chúng muốn gieo rắc sự sợ hãi, khiếp đảm cho người dân. Đây chính là "cuộc tấn công chống lại tất cả nhân loại".

Sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố đã vượt qua ranh giới lịch sử. Chưa bao giờ nước Pháp phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố như trong năm nay, khiến năm 2015 trở thành năm “đen tối” trong cuộc chiến chống khủng bố của nước Pháp.

Nhìn vào lịch sử chống khủng bố của Pháp kể từ sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Paris được xem là một trong những quốc gia tích cực tham gia chống khủng bố. Ở hầu hết các mặt trận chống khủng bố, từ Afghanistan tới Iraq, từ Bắc Phi tới Trung Đông, quân đội Pháp đều có mặt và tham gia một cách tích cực.

Đương nhiên, một khi Pháp xác định đối thủ của mình là các lực lượng Hồi giáo cực đoan thì Pháp cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa khủng bố. Phải chăng việc Tổng thống Hollande quyết định đưa tàu sân bay Charles De Gaulle đến Syria đầu tháng 11 và tin tức về máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt tên “John thánh chiến” người Anh, đao phủ xuất hiện trong các video hành quyết của IS, đã khiến các tay súng cực đoan quyết ra tay tiến hành vụ thảm sát ở Paris?

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết tại sao Pháp lại bị tấn công nhiều đến vậy trong năm qua, nhưng điều đáng buồn là những vụ khủng bố đẫm máu có thể xảy đến bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, dù là châu Âu, châu Mỹ hay châu Phi xa xôi. Các vụ tấn công khủng bố này cho thấy mức độ ngày càng phức tạp của nó và sẽ buộc phương Tây phải thay đổi cách nhìn cũng như phương thức đối phó với mối đe dọa khủng bố kiểu này.

Các vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra giữa lòng Paris rõ ràng đã đặt ra vô số câu hỏi cho nước Pháp và các lực lượng an ninh toàn châu Âu. Người ta sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho tất cả các chính phủ Tây Âu, như là họ đã làm gì cho đến nay để đối phó với “bóng ma” khủng bố và họ còn phải làm gì tiếp nữa?

Một vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” khác là phải làm thế nào để có thể thắt chặt an ninh mà lại không cản trở các quyền công dân thiết yếu. Trong bối cảnh hàng trăm nghìn người tị nạn Syria vẫn đang ùn ùn kéo đến các nước Tây Âu, trong đó có Pháp, vụ khủng bố này chắc chắn sẽ làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong lòng châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.

Đối với nước Pháp nói riêng, sau vụ khủng bố, quốc gia này sẽ rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn. Chính phủ sẽ phải hành động mạnh tay chống IS và các nhóm cực đoan để trả đũa các vụ tấn công ở Paris. Điều này càng khiến các nhóm cực đoan tiếp tục có thêm động lực để tấn công nước Pháp. Đây sẽ là một cái vòng luẩn quẩn và gây ra hiểm họa lâu dài của nước Pháp.  

Nhưng nước Pháp không được run sợ trước các hành động bạo lực và khủng bố. Nước Pháp cần phải chứng tỏ sự đoàn kết, thống nhất giống như những gì nước Pháp đã thể hiện tại cuộc tuần hành ngày 8-1 sau vụ tấn công vào tòa soạn Báo Charlie Hebdo khi hàng triệu người sát cánh bên nhau, không phân biệt khuynh hướng chính trị, sắc tộc và tôn giáo, để bảo vệ những giá trị "tự do, bình đẳng, bác ái" và bảo vệ cuộc sống thanh bình của người dân.

Không chỉ nước Pháp, cả thế giới lên án mạnh mẽ hành động khủng bố bạo tàn. Những khẩu hiệu như: “Từ New York đến Paris”,“Cầu nguyện cho Paris”, cùng với ánh sáng màu quốc kỳ Pháp trên tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Tòa nhà thị chính ở San Francisco (Mỹ), Tháp Toronto (Canada) như là lời tưởng nhớ dành cho các nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công tại Paris.

Những hành động trên của nhân dân và chính phủ các nước một lần nữa chứng minh rằng: Nước Pháp không hề đơn độc trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Linh Oanh

Quân đội Nhân dân

Hành động bạo tàn - 2