1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng nghìn người Myanmar đã tìm cách vượt biên sang Thái Lan để trốn chạy khỏi các cuộc giao tranh giữa các nhóm sắc tộc với quân đội chính phủ.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 1

Người dân bang Karen di tản tới một địa điểm chưa được xác định ngày 28/3 (Ảnh: Reuters).

AFP đưa tin, hàng nghìn người đã rời bỏ nhà cửa ở bang Karen, đông nam Myanmar hôm 28/3, sau khi máy bay quân sự của chính quyền quân sự Myanmar dội bom xuống những ngôi làng do nhóm vũ trang sắc tộc Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát. KNU, một trong những lực lượng dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, hiện kiểm soát dải đất rộng lớn ở giáp biên giới Thái Lan.

Cuộc không kích của quân đội Myanmar nhằm vào khu vực của KNU diễn ra sau khi lực lượng KNU tràn qua một tiền đồn quân sự ở gần biên giới, giết chết 10 người. Các cuộc không kích được tiến hành sau cuộc trấn áp mạnh tay của quân đội Myanmar nhằm vào người biểu tình phản đối đảo chính. Ít nhất 114 người đã thiệt mạng vào ngày 27/3, đánh dấu ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính nổ ra tại Myanmar cách đây gần 2 tháng.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 2

Trẻ em từ bang Karen theo gia đình di tản (Ảnh: Reuters).

Quân nổi dậy từ các nhóm dân tộc khác nhau đã giao tranh với chính quyền trung ương Myanmar suốt nhiều thập niên qua để giành quyền tự chủ lớn hơn. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân vũ trang và quân đội Myanmar tại một số khu vực đã tăng mạnh kể từ sau đảo chính.

Myanmar hiện có hàng trăm nhóm dân quân vũ trang, thậm chí con số này được cho là có thể lên tới hàng nghìn. Trong đó, có khoảng 20 nhóm vũ trang dân tộc thiểu số có cả hệ thống chính trị và quân sự. Thực trạng này khiến Myanmar gặp trở ngại trong việc thống nhất các nhóm sắc tộc, do tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các nhóm này với quân đội Myanmar - lực lượng có nòng cốt là người dân tộc Miến Điện.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 3

Người dân rời khỏi làng Day Pu Noh ở Myanmar tới một nơi chưa được xác định ở bang Karen sau các cuộc không kích ngày 27/3 (Ảnh: Reuters).

KNU cho biết 3 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc không kích, bắt đầu từ ngày 27/3 và tiếp tục kéo dài đến ngày 29/3. Máy bay quân sự cũng khiến ít nhất 2 thành viên của KNU thiệt mạng hôm 27/3. David Eubank, nhà sáng lập tổ chức cứu trợ Free Burma Rangers, cho biết đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua, các cuộc không kích diễn ra ở khu vực này.

Theo nhóm hoạt động có tên gọi Trung tâm Thông tin Karen, 2.009 người đã bỏ trốn và ẩn náu trong rừng, trước khi tìm cách vượt biên sang Thái Lan. Tuy nhiên, phía Thái Lan đã từ chối tiếp nhận và dòng người tị nạn lại bị đẩy về Myanmar không lâu sau khi tràn sang nước láng giềng.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 4

Người tị nạn từ Myanmar mang theo đồ đạc khi vượt qua hàng rào dây thép gai ở Mae Hong Son, Thái Lan ngày 29/3 (Ảnh: Reuters).

Dòng người tị nạn tràn từ Myanmar sang Thái Lan đã đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Cho đến nay, hơn 500 người đã thiệt mạng kể từ sau đảo chính, trong đó có nhiều trẻ em, và con số thương vong được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên.

KNU cho biết 3.000 người đã vượt qua sông Salween để vào Thái Lan, trốn chạy khỏi các cuộc không kích. 2.000 người đã bị từ chối tiếp nhận.

Tổ chức Phụ nữ Karen (KWO), một nhóm hoạt động tại bang Karen và các trại tị nạn ở Thái Lan, xác nhận cuộc không kích của quân đội Myanmar khiến 10.000 người tại bang này phải rời bỏ nhà cửa và 3.000 người đã vượt biên sang Thái Lan.

Phản ứng của Thái Lan

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 5

Người tị nạn từ bang Karen, Myanmar tập trung tại bờ sông Salween ở Mae Hong Son, Thái Lan ngày 29/3 (Ảnh: Reuters).

Những hình ảnh do KNU cung cấp cho CNN cho thấy người tị nạn Myanmar bị từ chối nhập cảnh vào Thái Lan. Trong khi đó, video do Reuters đăng tải cũng ghi lại cảnh người tị nạn được đưa lên thuyền dưới sự giám sát của binh lính Thái Lan.

Tuy nhiên, Thichai Jindaluang, lãnh đạo tỉnh Mae Hong Son (Thái Lan), phủ nhận thông tin cho rằng người tị nạn từ Myanmar không được phía Thái Lan tiếp nhận.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 30/3 khẳng định các nhà chức trách nước này không ép người tị nạn trở về Myanmar, nhưng họ đã trao đổi với một số người vượt biên sang Thái Lan.

"Khi chúng tôi hỏi những người (Myanmar) sang Thái Lan rằng đất nước họ đang gặp vấn đề gì, họ nói "không có vấn đề gì cả". Vì không có vấn đề gì, nên họ có thể quay về vùng đất của mình không? Chúng tôi không dùng súng buộc họ phải quay về, chúng tôi thậm chí còn bắt tay và cầu chúc họ may mắn", Thủ tướng Prayut nói với các phóng viên.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 6

Những đứa trẻ từ Karen, Myanmar lên thuyền qua sông Salween ở Mae Hong Son, Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Ông Prayut cũng nói rằng, chính quyền của ông không muốn thấy người tị nạn tràn qua biên giới, nhưng vẫn sẵn sàng chuẩn bị cho dòng người tị nạn từ Myanmar.

"Chúng tôi phải chăm sóc họ trên nguyên tắc nhân đạo. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm rồi. Làm sao chúng tôi có thể đẩy họ về nếu chiến sự vẫn đang diễn ra. Nhưng nếu bây giờ không có chiến sự, liệu họ có thể trở về nhà không?", Thủ tướng Thái Lan nói thêm.

Thái Lan đã tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn trong 9 trại tập trung chính dọc theo biên giới với Myanmar suốt 30 năm qua, sau nhiều cuộc xung đột vũ trang sắc tộc.

Hàng nghìn người Myanmar băng rừng, vượt biên trốn không kích - 7

Người tị nạn Myanmar tập trung bên bờ sông chờ vượt biên sang Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Phần lớn những người tràn sang biên giới Thái Lan vào cuối tuần qua là người từ Mu Traw, nơi bị dội bom trong các cuộc không kích. Nhiều người trong số họ đã rời bỏ quê nhà và đang sống ở trại tập trung Ei Tu Hta.

Dù chính phủ đã lên tiếng phủ nhận, song một số nhóm nhân quyền vẫn chỉ trích chính quyền Thái Lan.

"Việc ép người tị nạn phải quay về một khu vực xung đột không khác nào chống lại luật tị nạn quốc tế", Mạng lưới Karen châu Âu, một nhóm của cộng đồng người Karen từ một số nước châu Âu, ra thông báo hôm 29/3.