Hàng chục triệu người Trung Quốc "đau đầu" chuyện về quê ăn Tết
(Dân trí) - Khi Tết Âm lịch đang tới gần, hàng chục triệu người Trung Quốc làm việc xa nhà dằn vặt với câu hỏi rằng họ có nên về quê đoàn tụ, gặp gỡ gia đình giữa đại dịch Covid-19 hay không.
Như hàng chục triệu người Trung Quốc di chuyển tới các thành phố lớn để học tập và làm việc, Jason Zhao đang "đau đầu" với câu hỏi đặt ra là anh có nên về quê ăn Tết Âm lịch hay không.
Zhao, người đang làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, biết rất rõ rằng, anh sẽ phải tuân thủ theo cả quy định của công ty, ngoài những quy định chung của nhà nước. Theo đó, Zhao sẽ cần sự cho phép của quản lý cấp cao hơn để về ăn Tết hoặc sẽ phải nhận khoản thưởng cuối năm ít hơn.
Cuối cùng, Zhao quyết định sẽ ở lại Bắc Kinh năm thứ 2 liên tiếp mà không trở về quê nhà ở Tân Cương. Anh sẽ không tham gia vào dòng người Xuân vận về quê dịp Tết.
Thông thường, Xuân vận được xem là cuộc di dân lớn nhất thế giới trước khi đại dịch diễn ra. Hàng chục triệu người từ mọi tầng lớp trong xã hội rời các thành phố lớn để về quê nhà đoàn tụ gia đình. Năm ngoái, con số này giảm mạnh vì các lệnh hạn chế Covid-19, nhưng có thể sẽ tăng lại trong năm nay khi Trung Quốc vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh tại nhiều khu vực.
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính, số chuyến đi trong dịp này sẽ có thể tăng lên 1,5 tỷ chuyến năm nay so với 870 triệu chuyến năm ngoái. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn đáng kể so với con số ghi nhận năm 2019 - khoảng 3 tỷ chuyến trước khi Covid-19 lây lan.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc đang có dấu hiệu phức tạp trở lại trong bối cảnh nước này vẫn đang thực hiện chính sách "Không Covid-19" quyết liệt tại nhiều nơi. Trung Quốc hiện đã phong tỏa 13 triệu dân thành phố Tây An, Thiểm Tây vì một cụm dịch. Ngoài ra, sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron đặt ra thách thức với chiến lược chống dịch cứng rắn mà Bắc Kinh đang theo đuổi và có thể sẽ kéo theo các lệnh hạn chế vào đợt Xuân vận để ngăn dịch bùng rộng.
Giữa tuần qua, 14 bộ bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành một thông báo chung kêu gọi "nâng cao cảnh giác" trong dịp Tết Âm lịch.
Một yếu tố khác có thể tác động tới nỗ lực chống dịch là Thế vận hội mùa Đông dự kiến khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng tới, và có thể kéo theo hàng loạt các biện pháp hạn chế để đảm bảo sự kiện được tổ chức thành công cũng như ngăn dịch lây lan.
"Dù công ty chưa chính thức thông báo chính sách, chắc chắn họ sẽ chặt chẽ hơn năm ngoái. Về nhà năm nay vẫn không phải là ý hay. Cha mẹ tôi lo lắng tôi sẽ bị kẹt lại và phải cách ly ở Tân Cương hoặc Bắc Kinh. Dù rất nhớ nhau, nhưng chúng tôi đều phải chấp nhận việc này", Zhao nói.
Tại Quảng Đông, nhiều người vẫn đang chờ đợi diễn biến của dịch để đưa ra quyết định có về ăn Tết hay không. Chuyên gia y tế Zhao Wei tại Quảng Châu cho rằng Xuân vận có thể sẽ là bài kiểm tra cho chính quyền Trung Quốc về nỗ lực chống dịch do lưu lượng người đi lại rất lớn.
"Chắc chắn sẽ có nhiều áp lực hơn 2 năm trước vì sau thời gian dài phong tỏa, mọi người háo hức được di chuyển và xả hơi. Dịch bệnh có thể quay lại. Covid-19 đang nghiêm trọng ở trên thế giới nên rất khó để Trung Quốc có thể miễn nhiễm hoàn toàn", chuyên gia Zhao nói.
Yang Min, một luật sư ở Phật Sơn, Quảng Đông, có thể sẽ không về quê ở Hà Bắc năm nay vì lo ngại phải thực hiện các biện pháp cách ly và hạn chế khi đi lại.
"Cha mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi và Tết Âm lịch là sự kiện lớn với người lớn tuổi vì gia đình đoàn tụ. Họ sẽ thấy buồn vì vắng con cái nếu như nhà hàng xóm tụ họp. Tôi cảm thấy ngại khi nói với cha mẹ là mình sẽ không về. Họ có thể hiểu, nhưng sẽ thất vọng và tôi sợ phải nói ra tin tức tiêu cực", Yang thừa nhận.