1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hạm đội tàu ngầm cũ kỹ và xuống cấp của hải quân Ấn Độ

(Dân trí) - Vụ nổ trên tàu ngầm INS Sindhurakshak sáng ngày 14/8 tại một xưởng đóng tàu ở Mumbai được xem là bước lùi lớn đối với hải quân Ấn Độ, vốn đang phải vận hành một đội tàu ngầm cũ kỹ và bị xuống cấp.

Tàu ngầm INS Sindhurakshak của hải quân Ấn Độ.

Tàu ngầm INS Sindhurakshak của hải quân Ấn Độ.

Thảm kịch đối với tàu ngầm INS Sindhurakshak hôm qua sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tác chiến dưới nước của hải quân Ấn Độ, hiện chỉ có 14 tàu ngầm, mặc dù nước này cần 30 chiếc.

Tờ Times of India của Ấn Độ đã đặt một câu hỏi rằng liệu hạm đội tàu ngầm cũ kỹ của hải quân nước này có lặp lại kịch bản của máy bay chiến đấu MiG-21 hay không.

Dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, vốn đã được chế tạo trong 30 năm qua, dự kiến phải thay thế phi đội MiG-21 cũ kỹ ngay từ những năm 1990. Nhưng giờ đây, Tejas phải mất ít nhất 2 năm nữa mới có thể đi vào hoạt động đầy đủ.

Tương tự như vậy, hải quân Ấn Độ dự kiến phải đưa vào sử dụng 12 tàu ngầm diesel điện mới vào năm ngoái, và 12 tàu khác trong giai đoạn 2012-2030. Đây là kế hoạch chế tạo tầu ngầm trong 30 năm, được Ủy ban nội các về an ninh (CCS) phê chuẩn vào tháng 7/1999. Nhưng cho tới nay, hải quân chưa đưa vào biên chế thậm chí một chiếc nào trong số 24 tàu ngầm đã được lên kế hoạch, và vẫn đang sử dụng 14 tàu ngầm loại thông thường cũ kỹ.

"Hải quân đang hiện đại hóa mạnh mẽ các tàu chiến nổi và tàu sân bay. Nhưng vũ khí tác chiến dưới nước đang già nua và xuống cấp của chúng ta là một mối lo ngại lớn", Times of India lời một quan chức cấp cao giấu tên.

Các nguồn tin cho hay tàu ngầm INS Sindhurakshak đã hoàn toàn bị thiêu rụi sau vụ tai nạn hôm qua. Trong số 13 tàu ngầm còn lại, có tới 11 chiếc đã 20 năm tuổi.

Vụ tai nạn hôm qua diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Pakistan đang thúc đẩy mạnh mẽ khả năng tác chiến dưới nước, trong đó Trung Quốc có trên 55 tàu ngầm.

4 tàu ngầm lớp Shishumar của Ấn Độ do Đức chế tạo đã được biên chế trong giai đoạn 1986-1994, trong khi 8 trong số tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo được đưa vào sử dụng từ 1986-1991. Hai chiếc tàu ngầm còn lại do Nga chế tạo - INS Sindhurakshak và INS Sindhushastra - lần lượt được biên chế vào năm 1997 và 2000.

Trong một báo cáo gần đây, Cơ quan Tổng kiểm soát và kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã cảnh báo rằng hải quân đang đối mặt với nguy cơ vận hành chưa tới nửa hạm đội tàu ngầm hiện thời trong năm 2012-2013 khi 63% các tàu ngầm có thể không hoạt động được hoặc "về hưu".

Cũng theo CAG, khả năng sẵn sàng hoạt động của các tàu ngầm Ấn Độ rơi xuống mức 48% do hạm đội cũ kỹ cũng như các chương trình tân trang và mở rộng "vòng đời" kéo dài.

Với vòng đời thiết kế của một tàu ngầm là từ 25-30 năm, các dự đoán cho thấy chỉ 6-7 tàu ngầm trong hạm đội hiện thời sẽ hoạt động đầy đủ vào năm 2020.
 
Các tàu ngầm mới liên tục "lỗi hẹn"
 
Những yếu kém của chính phủ trong việc quản lý và hành động kịp thời đã dẫn tới tình thế ảm đạm. Chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm lớp Scorpene mới đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu Mazagon Docks sẽ chỉ sẵn sàng sớm nhất là vào năm 2016-2017, chậm 4 năm so với kế hoạch. 5 tàu khác - được chế tạo theo một chương trình có tên gọi "Dự án-75" - dự kiến sẽ bị lùi đến năm 2020-2021.

6 chiếc tiếp theo trong tổng số 18 chiếc còn lại hiện vẫn được chưa đặt hàng. Mặc dù đã được công nhận là "rất cần thiết" vào tháng 11/2007, "Dự án-75India" nhằm chế tạo 6 tàu ngầm tàng hình tiên tiến hiện vẫn bế tắc do sự thờ ơ chính trị và thủ tục quan liêu.

Bộ trưởng quốc phòng AK Antony cho hay "Dự án-75India", ước tính tiêu tốn 10 tỷ USD, hiện vẫn đang chờ Hội đồng nội các về an ninh phê chuẩn. Nhưng một thực tế là dù việc thư mời đầu thầu toàn cầu có được đưa ra hôm nay thì cũng phải mất ít nhất 3 năm mới chọn được đối tác nước ngoài. Sau đó, khi hợp đồng được ký kết, phải mất 7 năm nữa chiếc tàu ngầm đầu tiên mới ra lò.

Một lo ngại quan trọng nữa là các thiết bị cứu hộ tàu ngầm của hải quân Ấn Độ còn yếu kém. Các nỗ lực nhằm mua 2 tàu cứu hộ lặn sâu hoặc "tàu ngầm mini", vốn có thể kết nối với các tàu ngầm gặp nạn dưới nước để giải cứu các thủy thủ bị mắc kẹt ở độ sâu lên đến 610m, vẫn giậm chân tại chỗ suốt hơn 15 năm qua.

Hải quân Ấn Độ hiện cũng có các tàu cứu hộ dưới biển như INS Nireekshak để giúp đỡ trong các tình huống khẩn cấp, nhưng chúng chỉ có tác dụng ở các vùng nước tương đối nông.

An Bình
Theo TOI