1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai quan chức Mỹ đồng ý cung cấp bằng chứng tố cáo ông Trump

(Dân trí) - Hai cựu quan chức ngoại giao của Mỹ đã đồng ý cung cấp các bằng chứng để tố cáo Tổng thống Donald Trump trong cuộc điều tra luận tội đối với người đứng đầu chính phủ Mỹ, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Hai quan chức Mỹ đồng ý cung cấp bằng chứng tố cáo ông Trump - 1
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Reuters ngày 1/10 dẫn lời một quan chức thuộc một ủy ban Hạ viện Mỹ cho biết, hai cựu quan chức đồng ý ra làm chứng là cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch và cựu đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Ukraine Kurt Volker. Theo đó, bà Yovanovitch sẽ ra điều trần vào ngày 11/10 tới, trong khi ông Volker sẽ điều trần vào ngày mai 3/10.

Thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát quyết định mở cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump do cuộc điện đàm "đáng lo ngại" giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Báo Washington Post hồi tuần trước dẫn nguồn thạo tin cho biết, một quan chức tình báo giấu tên của Mỹ đã gửi đơn tố giác Tổng thống Trump. Người tố giác được cho là một nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Nội dung tố cáo được cho là, trong cuộc điện đàm hôm 25/7, ông Trump đã gây sức ép để Tổng thống Ukraine Zelenskiy đồng ý mở cuộc điều tra tham nhũng đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden. Các nghị sĩ Dân chủ cho rằng, động thái này của ông Trump nếu được xác thực sẽ bị coi là mượn yếu tố nước ngoài để hạ bệ đối thủ chính trị trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tổng thống Trump đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, khẳng định cuộc gọi giữa ông và nhà lãnh đạo Ukraine là "hoàn hảo".

Ngoại trưởng Mike Pompeo, người bị cáo buộc có liên quan đến cuộc gọi đang gây tranh cãi giữa ông Trump và ông Zelenskiy, phản đối các nỗ lực của phe Dân chủ ở Hạ viện khi đề nghị các quan chức ngoại giao ra điều trần trong cuộc điều tra luận tội tổng thống. Ông gọi hành động này là "bắt nạt và đe dọa".

Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Eliot Engel, ông Pompeo cho biết, các quan chức ngoại giao Mỹ "có thể không tham gia bất cứ cuộc phỏng vấn hay cung cấp bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến vụ việc".

Đáp lại, ông Engel và hai quan chức Dân chủ khác đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh: "Ông ấy nên lập tức ngừng đe dọa các nhân chứng ngoại giao để bảo vệ chính ông ấy và tổng thống".Hiện chưa có thông tin rõ ràng về việc 3 quan chức khác của Mỹ cũng đã đồng ý ra điều trần trước các ủy ban của Hạ viện trong cuộc điều tra.

Minh Phương

Theo Reuters