1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều tra luận tội Tổng thống Trump: Nước cờ rủi ro với đảng Dân chủ

(Dân trí) - Việc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang đến cho đảng Dân chủ những rủi ro nhất định, tuy nhiên giới phân tích cho rằng đảng này vẫn có lý do để theo đuổi “cuộc chiến” với ông chủ Nhà Trắng.

Điều tra luận tội Tổng thống Trump: Nước cờ rủi ro với đảng Dân chủ - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24/9 thông báo, Hạ viện sẽ chính thức mở một cuộc điều tra nhằm mở đường cho tiến trình luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, liên quan tới cuộc điện đàm của ông chủ Nhà Trắng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7.

Trong cuộc điện đàm, ông Trump được cho là đã hối thúc ông Zelensky khởi động cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden, người bị ông Trump cáo buộc là có những hoạt động đáng ngờ khi làm việc cho một công ty khí đốt của Ukraine thời ông Biden còn đương chức. 

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine diễn ra sau khi Tổng thống Trump ra lệnh dừng 400 triệu USD viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Điều này khiến ông chủ Nhà Trắng bị nghi ngờ có động cơ chính trị khi tìm cách gây sức ép nhằm buộc Tổng thống Zelensky phải điều tra ông Biden - đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau.

Timothy J Lynch, phó giáo sư về chính trị Mỹ tại Đại học Melbourne, Australia, đã nêu ra một số lý do đảng Dân chủ không nên luận tội Tổng thống Trump, bởi điều này sẽ dẫn tới những rủi ro nhất định cho đảng này.

Khó thành công

Trước khi phân tích chi tiết các cáo buộc nhằm vào Tổng thống Trump, cần nhìn lại quy trình luận tội tổng thống Mỹ để thấy được rằng, đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ gặp thất bại trong việc luận tội ông chủ Nhà Trắng ngay cả khi ông Trump được chứng minh là thực sự mắc sai phạm.

Quy trình luận tội tổng thống bắt đầu tại Hạ viện, nơi diễn ra các cuộc tranh luận và bỏ phiếu về việc có nên thông qua nghị quyết luận tội mà chỉ cần đa số trong tổng số 435 thành viên của Hạ viện tán thành hay không. Nếu Hạ viện chấp thuận một nghị quyết như vậy, một phiên xét xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện. Sau đó, cần phải có 2/3 trong số 100 thành viên của Thượng viện bỏ phiếu thông qua để kết án và bãi nhiệm tổng thống. 

Hiện có đủ số thành viên Dân chủ tại Hạ viện để sẵn sàng bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump. Chỉ cần đa số ủng hộ, tương đương 218 phiếu tại Hạ viện, là có thể bắt đầu quy trình luận tội. Trong khi đó, có tới 225 ghế Dân chủ trong Hạ viện gồm 435 ghế.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ không đủ số ghế tại Thượng viện để có thể luận tội Tổng thống Trump. Trong 100 ghế tại Thượng viện, chỉ có 46 ghế Dân chủ, trong khi phải cần đến 2/3, tức 67 thành viên bỏ phiếu ủng hộ, thì ông Trump mới bị phế truất.

Ngay cả khi một số nghị sĩ Cộng hòa đứng về phe Dân chủ, ông Trump vẫn có lợi thế nhất định.

Tổng thống giàu kinh nghiệm

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã bị cáo buộc mắc nhiều lỗi nhỏ tới mức không một lỗi lớn nào đủ khả năng đánh bại ông. Tổng thống Trump có quá nhiều kinh nghiệm trong việc né tránh các cáo buộc hình sự, thậm chí ông còn gọi đó là “cuộc săn phù thủy”, mang hàm ý cố tình bới lông tìm vết để hạ bệ đối thủ, của đảng Dân chủ.

Trước vụ lùm xùm Ukraine, Tổng thống Trump từng là tâm điểm trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn đội ngũ tranh cử của ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cuộc điều tra đã huy động sự đầu tư khổng lồ cả về thời gian và nguồn lực, thậm chí Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tự tin có thể khiến ông Trump bị luận tội. Nhưng rốt cuộc, Tổng thống Trump vẫn bình an vô sự khi không có bằng chứng nào cho thấy ông đã sai phạm.

Chưa đến mức luận tội

Hiến pháp Mỹ quy định “Tổng thống, phó Tổng thống và tất cả viên chức dân sự của Mỹ, sẽ bị cách chức nếu bị luận tội và kết tội vì các tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội nghiêm trọng khác”.

Cuộc điện đàm gây tranh cãi của Tổng thống Trump với người đồng cấp Ukraine có thể chưa đủ để khiến ông bị luận tội. Để bảo vệ tổng thống, các luật sư của ông Trump sẽ phải đương đầu với mọi nỗ lực nhằm cáo buộc cuộc trao đổi mang tính “ngoại giao” với nhà lãnh đạo Ukraine chạm đến ngưỡng “tội nghiêm trọng”.

Khiến ông Trump mạnh hơn

Nếu nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ thất bại và dẫn đến kết quả là Tổng thống Trump được “trắng án” tại Thượng viện, thì những gì mà đảng Dân chủ của bà Pelosi nhận được sẽ không phải là một tổng thống yếu đi, mà ngược lại, là một ông Trump cứng rắn hơn.

Khi đảng Cộng hòa luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 1998, ông Clinton đã được tuyên bố không có tội tại Thượng viện. Trong hai năm cuối nhiệm kỳ, bất chấp vụ bê bối tình ái với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky, ông Clinton vẫn có màn thể hiện ấn tượng trên cương vị tổng thống. Ông đã giúp nền kinh tế Mỹ bùng nổ và được xem là một trong những tổng thống được yêu mến nhất trong lịch sử Mỹ.

Rõ ràng, việc bị luận tội càng khiến ông Clinton mạnh mẽ hơn, và điều này có thể lặp lại với ông Trump.

Tranh cãi về việc luận tội

Hiện công chúng Mỹ vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc luận tội Tổng thống Trump. Người Mỹ cũng có quan điểm trái ngược nhau về việc liệu Tổng thống Trump có đáng bị luận tội do những hành động của ông trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới Ukraine hay không.

Cuộc khảo sát do CBS News công bố ngày 29/9 cho thấy 55% người Mỹ nói rằng một cuộc điều tra luận tội của Quốc hội nhằm vào Tổng thống Donald Trump là cần thiết. Trong khi đó, 45% cho rằng cuộc điều tra này không cần thiết.

Tuy vậy, theo phó giáo sư Timothy Lynch, vẫn có một số lý do để ủng hộ việc đảng Dân chủ luận tội Tổng thống Trump.

Về mặt đạo đức, việc luận tội Tổng thống Trump có thể là quyết định đúng đắn. Trong cuộc điện đàm, ông Trump dường như đã cố tình xóa nhòa ranh giới giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cá nhân, đặc biệt khi cuộc bầu cử Mỹ sắp tới gần. Việc yêu cầu một nhà lãnh đạo nước ngoài điều tra đối thủ chính trị là hành vi đáng bị chỉ trích, và có thể bị luận tội.

Về mặt pháp lý, luận tội Tổng thống Trump là cách thể hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Elijah Cummings, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, hồi tháng 4 từng nhận định: “Ngay cả khi chúng ta không giành chiến thắng, tôi nghĩ lịch sử cũng sẽ mỉm cười với chúng ta vì đã đứng lên bảo vệ Hiến pháp”.

Xét riêng về đảng Dân chủ, ngay cả khi Tổng thống Trump không bị cách chức, việc bị xem xét luận tội cũng khiến ông đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Ông Trump có thể sẽ gặp khó khăn trong việc theo đuổi các chính sách mà đảng Dân chủ không ủng hộ.

Xét về chiến lược bầu cử, việc luận tội Tổng thống Trump có thể mang lại một số lợi ích cho đảng Dân chủ. Đến thời điểm tháng 11/2020, các cử tri có thể cảm thấy mệt mỏi với ứng viên đảng Cộng hòa như ông Trump và sẽ bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ.

Thành Đạt

Theo ABC News