Hạ viện Nga thông qua dự thảo cho phép ông Putin tái tranh cử
(Dân trí) - Hạ viện Nga đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp, mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền thêm 12 năm sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024.
Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 11/3 đã bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp liên quan tới nhiệm kỳ tổng thống với tỷ lệ 383 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 43 phiếu trắng.
Sau khi được Duma Quốc gia Nga thông qua, dự thảo tiếp tục được trình lên Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Tiếp đó, dự thảo sẽ được Tòa án Hiến pháp Nga xem xét, trước khi một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành vào ngày 22/4. Tòa án Hiến Pháp Nga sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc liệu đề xuất thay đổi trên có đi ngược lại với “các nguyên tắc và quy định cơ bản của pháp luật” hay không.
Trước đó, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Valentina Tereshkova ngày 10/3 đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp tại cuộc họp của cơ quan lập pháp, trong đó đề xuất thiết lập lại các nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin trước đây về mốc số 0. Điều này đồng nghĩa với việc ông Putin có thể ra tranh cử 2 nhiệm kỳ nữa, khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào năm 2024.
Hiện nay, Hiến pháp Nga không giới hạn nhiệm kỳ tổng thống nhưng quy định rằng tổng thống không được tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Ông Putin làm tổng thống Nga trong 2 nhiệm kỳ, từ năm 2000 đến năm 2008. Sau đó, ông chuyển đổi vị trí cho Thủ tướng Dmitry Medvedev, người được xem là “cánh tay phải” của ông. Ông Putin quay trở lại vị trí lãnh đạo Điện Kremlin vào năm 2012 và tiếp tục tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2018.
Trong cuộc họp báo cuối năm hồi tháng 12/2019, Tổng thống Putin từng tuyên bố quy định về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống có thể được dỡ bỏ nếu đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Điều này làm dấy lên tranh cãi về khả năng ông Putin muốn sửa đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền sau năm 2024.
Tổng thống Putin từng nói rằng ông muốn tránh kịch bản nắm quyền trọn đời. Theo ông, việc một nhà lãnh đạo nắm quyền trọn đời, từng xảy ra trong thời kỳ Liên Xô, không thể giải quyết nhiệm vụ chuyển giao quyền lực cũng như sự ổn định của đất nước.
Ông Putin hồi tháng 1 từng đề xuất một số sửa đổi hiến pháp, tuy nhiên ông nhiều lần phủ nhận rằng những sửa đổi này cho phép ông tiếp tục nắm quyền trong tương lai.
Thành Đạt
Theo NBC