1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã việc ông Trump mềm với Nga, nhưng rắn với Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cho thấy những đường hướng đối ngoại trái ngược với chính quyền tiền nhiệm khi tỏ ra hòa hoãn với Nga, nhưng cứng rắn với Trung Quốc.


(Từ trái sang phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

(Từ trái sang phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

Ngay từ khi đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra tháng 11 vừa qua, ông Donald Trump đã dần bộc lộ những quan điểm chính sách trong mối quan hệ “thế chân vạc” Mỹ-Nga-Trung qua những thông điệp ông gửi gắm trên mạng Twitter. Mặc dù các trợ lý của ông Trump nói rằng, nhiều bình luận trên Twitter của ông Trump không nên hiểu theo nghĩa đen, nhưng những bình luận đó phần nào hé lộ về chính sách đối ngoại của ông trong thời gian tới và làm dấy lên một câu hỏi: Tại sao cả Nga và Trung Quốc đều thách thức vị thế cường quốc của Mỹ, nhưng ông Trump hòa hoãn với Nga, trong khi cứng rắn với Trung Quốc?

Trong khi một số chuyên gia phân tích cho rằng, điều này có thể là bởi ông Trump đang áp dụng một chính sách tiếp cận chiến lược, thì số khác lại nói rằng do ông Trump không hiểu tầm quan trọng của các quan hệ đồng minh lâu năm của Mỹ. Quan điểm của ông Trump về quan hệ với Nga và Trung Quốc cho thấy sự đối lập hoàn toàn với chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama - người cố gắng tìm ra những điểm chung với Trung Quốc để thu hẹp khoảng cách, trong khi cố cô lập Nga bằng hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế.

Hòa hoãn với Nga


Ông Trump dành không ít những lời có cánh cho nước Nga và cho Tổng thống Putin. (Ảnh: AFP)

Ông Trump dành không ít những lời có cánh cho nước Nga và cho Tổng thống Putin. (Ảnh: AFP)

Có thể thấy, ông Trump đã dành không ít những lời có cánh cho nước Nga cũng như cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và luôn bày tỏ hy vọng khôi phục quan hệ giữa Washington và Moscow. Ông Trump cũng ra sức bảo vệ Nga trước cáo buộc của giới tình báo Mỹ rằng Moscow chi phối bầu cử.

Matt Rojansky, Giám đốc Viện nghiên cứu Kennan tại Trung tâm Wilson, nhận định một lý do cho thái độ hòa hoãn của ông Trump với Nga đó là ông Trump tin rằng Mỹ có thể hợp tác hơn với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một số chuyên gia cho rằng, sự ủng hộ của Nga tại Trung Đông sẽ giúp Mỹ “rảnh tay” hơn đối phó với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đang ngày càng tỏ ra “hiếu chiến” hơn ở Biển Đông khiến nhiều đồng minh của Mỹ “đứng ngồi không yên”. Nói cách khác, các chuyên gia cho rằng, ông Trump có thể đang theo đuổi chính sách “ngoại giao tam giác” Mỹ-Nga-Trung như dưới thời Tổng thống Richard Nixon, qua đó để Nga, Trung đối phó lẫn nhau.

Rắn với Trung Quốc


Ông Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc ngay từ khi tranh cử. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông Trump tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc ngay từ khi tranh cử. (Ảnh minh họa: Reuters)

Đối lập quan điểm hòa hoãn với Nga, ông Trump luôn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, thậm chí ngay từ khi ông tranh cử tổng thống. Tỷ phú New York từng nhiều lần cảnh báo sẽ gắn cho Trung Quốc mác “thao túng tiền tệ” nếu ông đắc cử. Ông Trump cũng cho rằng, chính Trung Quốc là nhân tố dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, chính Trung Quốc đã lấy mất việc làm từ Mỹ nhờ những chính sách thương mại không công bằng. “Trung Quốc đã lấy rất nhiều tiền của Mỹ nhờ giao thương một chiều, trong khi lại chẳng giúp được gì về vấn đề Triều Tiên”, ông Trump từng bình luận trên Twitter.

Thái độ thách thức của ông Trump với Bắc Kinh càng thể hiện rõ hơn sau khi ông đắc cử với hàng loạt những động thái như điện đàm với lãnh đạo Đài Loan hay bổ nhiệm nhân sự có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc.

Richard Bush, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện Brookings, nhận định sự chỉ trích của ông Trump với Trung Quốc cho thấy ông chưa thực sự thấu hiểu về kinh tế quốc tế. “Việc làm mà ông ấy cho rằng Trung Quốc đã lấy đi của Mỹ, thực tế đã mất từ cách đây rất lâu cho Hàn Quốc hay Nhật Bản, trước khi chuyển sang Trung Quốc. Nhiều việc làm bị mất là do đổi mới về công nghệ”, ông Bush nhận định.

Và mặc dù ông Trump cam kết sẽ đưa việc làm trở lại nước Mỹ, song chuyên gia Bush cho rằng: “Không ai ở Mỹ muốn làm những công việc đó với mức lương mà doanh nghiệp chi trả. Những công việc đó sẽ không bao giờ trở lại”. Ông cũng chỉ ra việc thay đổi quan hệ với Trung Quốc cũng chỉ nằm trong giới hạn khả năng nhất định của bất cứ một tổng thống nào của Mỹ. “Liệu cộng đồng doanh nghiệp Mỹ có ngồi yên nhìn ông Trump phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? Điều này ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của họ”, ông Bush nói. Trong khi đó, theo chuyên gia Bush, những bình luận đối đầu Trung Quốc của ông Trump thậm chí phản tác dụng và tiềm ẩn rủi ro.

Minh Phương

Tổng hợp