1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã sự im lặng bất thường của Triều Tiên

(Dân trí) - Việc Triều Tiên không có bất kỳ động thái phóng tên lửa hay thử hạt nhân nào trong vòng 70 ngày qua khiến giới quan sát đặt ra nhiều nghi vấn về kế hoạch thực sự của nước này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vật thể được cho là đầu đạn tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Theo Sputnik, 70 ngày vừa qua là quãng thời gian lâu nhất mà Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào trong năm nay. Hồi tháng 8 và tháng 9, Triều Tiên khiến thế giới xôn xao khi lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạm tầm trung Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản, tiếp đó là cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Mỹ khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Giới chuyên gia cho rằng một trong những lý do khiến Triều Tiên tạm dừng các vụ thử nghiệm là vì nước này đang gặp trở ngại trong chương trình phát triển tên lửa. Bình Nhưỡng dường như chưa đủ khả năng chế tạo một thiết bị hồi quyển hiệu quả cho phép các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này vẫn “sống sót” sau khi rời bệ phóng.

Lý do thứ hai khiến Triều Tiên “im hơi lặng tiếng” suốt hơn 2 tháng qua là Bình Nhưỡng có thể đã nhận ra rằng họ đang đối đầu quá căng thẳng với Mỹ và các đồng minh của Washington. Một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên sẽ không mang lại kết quả tích cực cho Bình Nhưỡng. Trong khi đó, việc Mỹ triển khai hàng loạt khí tài quân sự bổ sung, bao gồm 3 tàu sân bay, tới khu vực sát sườn Triều Tiên trong thời gian qua có thể đã khiến Bình Nhưỡng phần nào “chùn bước” trong tham vọng tên lửa của nước này.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra một lý do nữa giải thích cho động thái bất thường của Triều Tiên trong 70 ngày gần đây là các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh chưa từng có của cộng đồng quốc tế nhằm vào nước này. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả đồng minh thân cận của Triều Tiên là Trung Quốc, đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt. Điều này có thể khiến Triều Tiên hạn chế các hành động khiêu khích vì lo sợ ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước này.

Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Một vụ phóng tên lửa Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Ngoài ra, một số giả thuyết khác cũng đã được đề cập tới như sự đấu tranh quyền lực giữa quân đội và đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, hay truyền thống không thử tên lửa vào những tháng cuối năm của Bình Nhưỡng.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, Triều Tiên có thể đang đợi đến thời điểm tháng 2 năm sau để tiến hành thêm các vụ thử tên lửa mới. Có 3 lý do giải thích cho nhận định này.

Thứ nhất, so với thời điểm hiện tại, điều kiện thời tiết vào tháng 2 năm sau sẽ bắt đầu tốt hơn và có thể mang lại kết quả tích cực cho các vụ thử nghiệm tên lửa.

Thứ hai, hai cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2018 và việc Triều Tiên thử tên lửa vào thời điểm này được cho là lời cảnh báo của Bình Nhưỡng đối với liên minh Mỹ - Hàn.

Thứ ba, theo kế hoạch, Thế vận hội Mùa đông Olympic 2018 sẽ được tổ chức tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào tháng 2. Khi đó, mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế dồn vào khu vực bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh Triều Tiên thường xuyên tuyên bố mục tiêu chính trị của nước này là yêu cầu Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên và thống nhất Triều Tiên - Hàn Quốc, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa trước sự chú ý của thế giới được cho là sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn và có tác động mạnh hơn trên trường quốc tế.

Thành Đạt

Theo Sputnik