1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Giải mã" nét chữ của ông Kim Jong-un khi gặp Tổng thống Hàn Quốc

(Dân trí) - Là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc sau 65 năm, mỗi hành động của ông Kim Jong-un đều thu hút sự chú ý của truyền thông và nét chữ viết tay cũng hé lộ nhiều thông tin thú vị.

Em gái Kim Yo-jong giúp ông Kim Jong-un chuẩn bị bút trước khi ký vào sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình. Tổng thống Moon Jae-in chứng kiến nghi thức này. (Ảnh: Reuters)
Em gái Kim Yo-jong giúp ông Kim Jong-un chuẩn bị bút trước khi ký vào sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình. Tổng thống Moon Jae-in chứng kiến nghi thức này. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc trò chuyện thân mật với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và đi bộ tới nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký và viết thông điệp trên sổ lưu niệm đặt tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom. Ông Kim Jong-un được cho là sử dụng một chiếc bút mang theo từ Bình Nhưỡng để thực hiện nghi thức này.

“Trang sử mới bắt đầu từ hiện tại. Điểm khởi đầu của lịch sử và kỷ nguyên hòa bình”, nhà lãnh đạo Triều Tiên viết trong sổ lưu niệm trước khi ký tên và ngày tháng bên dưới thông điệp.

Theo Straitstimes, chữ viết của ông Kim Jong-un khá nghiêng và hướng lên trên. Các chuyên gia nhận định kiểu viết như vậy cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên là người tràn đầy khí thế, nhiệt huyết và luôn đặt mình ở vị trí trung tâm.

“Toàn bộ phần chữ viết này đều hơi nghiêng và hướng lên trên, về phía bên phải. Kiểu chữ này thường thấy ở những người thành công và làm lãnh đạo, đồng thời cho thấy họ tràn đầy sự tự tin”, Lee Hee Il, lãnh đạo Phòng Thực nghiệm khoa học pháp y quốc tế, cho biết.

“Người xem cũng có thể thấy cách 3 hàng chữ được viết đổ nghiêng về bên phải. Kiểu viết này hé lộ ông ấy (Kim Jong-un) là người biết đặt mục tiêu và không do dự khi đưa ra quyết định hoặc lựa chọn”, chuyên gia Lee cho biết thêm.

Theo chuyên gia Lee, sự thiếu đồng đều ở các chữ được viết hướng lên trên trong dòng thứ hai cũng tiết lộ sự phấn khởi và hân hoan của ông Kim Jong-un khi viết thông điệp này. Trong khi đó, chữ ký tên của nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn được viết theo phong cách nhất quán, tương tự các chữ ký từng được thấy trên các phương tiện truyền thông trước đây.

Thông điệp của ông Kim Jong-un tại sổ lưu niệm ở Nhà Hòa bình (Ảnh: Korea Herald)
Thông điệp của ông Kim Jong-un tại sổ lưu niệm ở Nhà Hòa bình (Ảnh: Korea Herald)

Ku Bon Jin, một luật sư từng xuất bản một cuốn sách về phân tích chữ viết, nhận định cách viết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng tương tư cách viết của cha và ông nội - hai cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành.

“Tôi cho rằng ông Kim Jong-un từ lâu đã luyện tập cách viết giống cha và ông nội. Nhưng cách viết của ông Kim Jong-un không thể hiện sự phô trương và bệ vệ, điều đó cho thấy ông không phải là người quá cứng rắn”, chuyên gia Jin cho biết.

“Cách ông Kim Jong-un viết thông điệp nhanh cho thấy ông là người nhanh trí và thích giúp đỡ người khác. Các nét chữ của ông cũng không quá khác biệt nhau, đồng nghĩa với việc ông không phải là người bốc đồng và dễ đoán”, chuyên gia Jin cho biết thêm.

Một số chuyên gia nhận định cách viết hơi cứng nhắc của ông Kim Jong-un thể hiện ông là người sẵn sàng đương đầu với những thách thức. Cách viết này được cho là có sự tương đồng với cách viết của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Triều Tiên, nét chữ của các nhà lãnh đạo thường được mô tả theo những phong cách khác nhau. Nét chữ của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành được gọi là “Chữ Thái Dương”, còn nét chữ của cố lãnh đạo Kim Jong-il được gọi là “Nghệ thuật Triều Tiên”. Bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un và là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên, cũng có cách viết độc đáo riêng. Điều này được thể hiện trong bút ký của bà Kim trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 2.

Thành Đạt

Tổng hợp