1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải mã lý do ông Trump sẵn sàng thương chiến "tới bến"

Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng, chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến sự tụt giảm số lượng việc làm.

Giải mã lý do ông Trump sẵn sàng thương chiến tới bến - 1

Người đứng đầu Nhà Trắng biết rõ mình đang làm gì.

Các nhà quan sát đang theo dõi trong sự kinh ngạc, và các tờ báo tài chính Mỹ tràn ngập các bài bình luận về tác động mà cuộc xung đột đang gây ra đối với người tiêu dùng. Một số nghiên cứu cho rằng chiến tranh thương mại có thể sẽ tiêu tốn thêm của các hộ gia đình Mỹ tới 1.000USD mỗi năm.

Tuy vậy, quan điểm của ông Trump là ông đang thực hiện những lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, rằng ông sẽ kích thích ngành sản xuất trong nước bằng cách khuyến khích người dân mua sản phẩm của Mỹ. Về ngắn hạn, chi phí có thể sẽ tăng, song khi việc sản xuất dần được đưa trở lại Mỹ, giá cả sẽ ổn định và lượng công ăn việc làm sẽ tăng lên.

Các nhà kinh tế tỏ ra nghi ngờ luận điểm này. Thay vì kích thích sản xuất, các mức thuế của ông Trump nhiều khả năng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất đến từ Mỹ, những người phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và các tập đoàn lớn hơn nhiều khả năng sẽ thay thế việc nhập khẩu từ Trung Quốc sang các nước Nam Á hoặc Đông Nam Á.

Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng, chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến sự tụt giảm trong số lượng việc làm, đặc biệt tập trung ở các bang mà ông Trump sẽ phải phụ thuộc vào đáng kể trong cuộc đua tái tranh cử, như Iowa và Michigan. Tỉ lệ công ăn việc làm và đầu tư kinh doanh đã chững lại kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Nước Mỹ đang đứng bên bờ vực suy thoái, và sự kết hợp giữa chi phí tăng cao và niềm tin suy giảm từ cuộc thương chiến hoàn toàn có thể sẽ kéo nền kinh tế này xuống vực thẳm.

Ví von cuộc chiến thương mại như một hành động tự huỷ hoại là khá phù hợp với câu chuyện chung của chính quyền Nhà Trắng đương nhiệm. Mặc dù có một sự thống nhất lưỡng đảng rằng, Washington cần phải đương đầu với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, song hầu hết các chuyên gia tài chính nghĩ rằng ông Trump đã toan tính sai khi bắt đầu một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với thái độ tự tin tuyệt đối vào bản thân, ông đang đẩy kinh tế Mỹ vào tình thế hiểm nghèo, và rất nhiều khả năng là cả cơ hội có được một nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Tuy nhiên, niềm tin vào các lợi ích của thương mại tự do và xu thế toàn cầu hoá đã khiến rất nhiều nhà kinh tế bỏ quên tính chất chính trị trong thương mại và sự kiểm soát. Ông Trump biết mình đang làm gì: ông đang đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào việc bảo vệ quyền lực tối cao của nước Mỹ.

Câu khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống – “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” – được dựa trên khái niệm về sự suy tàn của đế chế Mỹ. Ông Trump muốn đánh thức niềm tin trong người dân Mỹ rằng Mỹ từng là một cường quốc ưu việt của thế giới, với quân đội, kinh tế và sức mạnh văn hoá không ai sánh bằng. 

Tuy nhiên, ông Trump và những người ủng hộ “Nước Mỹ trên hết” tranh luận rằng các chính quyền tổng thống mang tư tưởng tự do sau đó đã làm suy yếu nền tảng của đế chế Mỹ. Họ đã giảm ngân sách quân sự, tạo ra đầy rẫy những lỗ hổng ở biên giới Mỹ, và bằng cách khuyến khích thương mại tự do, đã cho phép các đối thủ kinh tế mới xuất hiện. Theo cái nhìn của ông Trump về lịch sử, nước Mỹ đã trở nên yếu ớt, lười biếng và cần phải khôi phục hào quang từng có của mình.

Có vẻ như, cách nghĩ này của người đứng đầu Nhà Trắng về nước Mỹ là không đúng. Sức mạnh của Mỹ gần như vẫn không có đối thủ. Họ có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, lớn hơn cả 7 nước đứng sau cộng lại. GDP đầu người của họ là 60.000USD, so với 9.000USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là chiến thuật của ông Trump nhằm đánh vào tư tưởng của người Mỹ, khiến họ tưởng rằng sự thịnh vượng của họ đang đổ sụp – đi kèm với tình trạng đình trệ hậu khủng hoảng và một bức tranh lớn hơn về vị thế của nước Mỹ trên bản đồ thế giới.

Bằng cách tập trung câu chuyện vào sự đi lên của Trung Quốc, và rộng hơn là việc Mỹ không còn nắm vị trí độc tôn, không đối thủ mỗi khi phô diễn sức mạnh ở nước ngoài, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã cho phép ông Trump đưa vấn đề nội bộ của nước Mỹ ra nước ngoài. Vấn đề với ông hay các nghị sĩ đảng Cộng hoà khác không phải là mức lương, hay y tế, hay bạo lực súng đạn – mà là việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đã để cho vị trí bá chủ của mình bị thách thức, vị trí bá chủ cho phép họ chi phối mọi quyết định trong các vấn đề của thế giới.

Chiến thuật của ông Trump dường như khá “khó nuốt”, nhưng chắc chắn nó không điên rồ hay phi lý. Nếu người Mỹ muốn chống lại chiến thuật này, thì thay vì giễu cợt, họ sẽ phải sớm nhìn nhận nó một cách nghiêm túc nhất.

Theo Anh Thư

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm