DMagazine

Giải mã "lá chắn sống" 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên

(Dân trí) - Đội vệ sĩ bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản, tạo thành các lớp an ninh nghiêm ngặt tới mức ngay cả "con kiến cũng không thể lọt qua".

GIẢI MÃ "LÁ CHẮN SỐNG" 6 LỚP BẢO VỆ NHÀ LÃNH ĐẠO TRIỀU TIÊN

Đội vệ sĩ bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản, tạo thành các lớp an ninh nghiêm ngặt tới mức ngay cả "con kiến cũng không thể lọt qua".

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được các vệ sĩ bảo vệ khi tới thăm Singapore vào tháng 6/2018 (Ảnh: AP).

Tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Singapore để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chọn khách sạn St. Regis là nơi nghỉ lại trong thời gian ở Singapore.

Vào đêm thứ hai, khi Fathin Ungku, một phóng viên của hãng tin Reuters, ở khách sạn St. Regis, một vệ sĩ của ông Kim Jong-un đã ngồi cạnh cô ở sảnh và mỉm cười. Đó là khoảnh khắc ấm áp thoáng qua từ các vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên, những người theo dõi nhất cử nhất động tại khách sạn St. Regis cả ngày lẫn đêm với ánh mắt mãnh liệt. Họ tránh giao tiếp bằng mắt với hàng trăm nhà báo và những vị khách tò mò muốn nhìn thấy ông Kim Jong-un "bằng xương bằng thịt".

"Lá chắn thép" hùng hậu bảo vệ ông Kim Jong-un tại Singapore

Nghĩ rằng cô có cơ hội để tìm hiểu thêm về chuyến thăm của ông Kim Jong-un, Ungku đã chủ động hỏi chuyện vệ sĩ Triều Tiên. "Bạn có khỏe không?", nữ phóng viên làm quen. Đáp lại lời chào hỏi của cô, vệ sĩ Triều Tiên lập tức xua tay, rồi lấy kính râm ra, lau sạch và đeo, mặc dù lúc đó đang ở trong nhà vào ban đêm.

Đối với 6 phóng viên của Reuters đưa tin về hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều, nơi ở của họ trong suốt 3 ngày là sảnh lát đá cẩm thạch màu kem của khách sạn St. Regis, một trong những khách sạn sang trọng nhất Singapore. Hiếm có phóng viên phương Tây nào được đến gần ông Kim Jong-un, chứ chưa nói đến ở trong cùng tòa nhà.

Tuy nhiên, các phóng viên tập trung tại sảnh khách sạn St. Regis liên tục bị các vệ sĩ Triều Tiên, nhân viên khách sạn và cảnh sát Singapore nhắc nhở. Họ có nhiệm vụ đảm bảo rằng các phóng viên nước ngoài không được đến gần các quan chức cấp cao của Triều Tiên, đặc biệt là ông Kim Jong-un. Họ cũng bị cấm chụp ảnh, những người chụp lén bị yêu cầu xóa ảnh.

Dàn vệ sĩ chạy bộ theo xe của ông Kim Jong-un tại Singapore

Có thời điểm, các phóng viên của Reuters nhìn thấy một vị khách ở khách sạn tự giơ máy chụp mặt mình và để một vệ sĩ Triều Tiên lọt vào khung hình. Vệ sĩ Triều Tiên đã rất tức giận và gọi một cảnh sát Singapore đến, yêu cầu vị khách này xóa ảnh. Vệ sĩ Triều Tiên chăm chú theo dõi hành động của vị khách, nhìn chằm chằm vào điện thoại và dùng ngón tay tạo hình chữ X, ngay cả khi cảnh sát cho biết các bức ảnh đã bị xóa.

Sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, đội vệ sĩ tiếp tục gây chú ý khi tháp tùng ông Kim Jong-un trong các chuyến công du nước ngoài, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Việt Nam vào tháng 2/2019 và các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự liên Triều.

"Con kiến cũng không thể lọt qua"

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 2

Các cận vệ chạy theo xe chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Vladivostok, Nga năm 2019 (Ảnh: Reuters).

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2013, Ri Yong Guk, một người đào tẩu Triều Tiên từng nằm trong đội an ninh bảo vệ cố lãnh đạo Kim Jong-il, cho biết có 6 lớp an ninh khác nhau bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến đi thị sát các đơn vị quân sự, nhà máy hoặc nông trại trong nước.

"Đây là một trong những lớp an ninh nghiêm ngặt nhất trên thế giới mà ở đó thậm chí một con kiến cũng không thể lọt qua", ông Ri nhận định.

So với các cố lãnh đạo Triều Tiên, việc bảo đảm an toàn cho nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un thậm chí còn chặt chẽ hơn. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên vào năm 2018, Bình Nhưỡng đã phô diễn sức mạnh của 3 đơn vị an ninh chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ ông Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thường xuyên được hộ tống bởi một viên tướng mặc quân phục và mang súng ngắn bên người.

Cận vệ chạy theo xe chở ông Kim Jong-un tại Nga

Trong đoạn video hiếm hoi được truyền thông Triều Tiên công bố vào năm 2014, người xem có thể thấy quá trình khổ luyện để trở thành vệ sĩ của lãnh đạo Triều Tiên. Lee Young-guk, người từng là vệ sĩ của cố lãnh đạo Kim Jong-il trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980, cũng cho biết ông đã trải qua một quá trình đào tạo tương tự trước khi trở thành cận vệ cho lãnh đạo Triều Tiên.

"Đó là một quá trình khổ luyện. Nhưng để làm gì? Tất nhiên là để xây dựng lòng trung thành", hãng tin Deutsche Welle dẫn lời ông Lee cho biết.

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 3

Các vệ sĩ đeo tai nghe và luôn quan sát xung quanh khi bảo vệ ông Kim Jong-un (Ảnh: Reuters).

Ông Lee được triệu tập huấn luyện để trở thành vệ sĩ của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi còn là một học sinh phổ thông. Tất cả ứng viên như ông đều phải trải qua các bài kiểm tra năng lực cũng như sàng lọc tiểu sử gia đình. "Yếu tố quan trọng nhất là tiểu sử gia đình. Họ tập trung vào những câu hỏi như có ai trong họ hàng thân thích từng là một tù nhân chính trị hay từng đào tẩu hay không", ông Lee nói.

Ông Lee đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra và sau một năm ông trở thành vệ sĩ của lãnh đạo Triều Tiên. Trước khi bắt đầu công việc, ông phải trải qua quá trình rèn luyện vô cùng khắt khe. Ngoài luyện tập thể lực, ông và các đồng nghiệp được truyền đạt tư tưởng rằng họ được sinh ra để cống hiến và bảo vệ cho nhà lãnh đạo.

"Bạn phải giỏi bắn súng. Tiếp đến là võ Taekwondo, hay những thứ như phi dao, bơi lội. Đây là những đòi hỏi đầu tiên, tiếp đến đòi hỏi sự trung thành với lãnh đạo", ông Lee tiết lộ.

Những yêu cầu khắt khe

Đội vệ sĩ chạy bộ theo xe ông Kim Jong-un tại biên giới liên Triều

Theo Michael Madden, học giả tại Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc Trung tâm The Stimson và là giám đốc trang NK Leadership Watch - một nhánh của trang mạng 38 North chuyên theo dõi và phân tích các thông tin về Triều Tiên. Các vệ sĩ bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên là thành viên của Văn phòng Trung ương Số 6 hay còn gọi với tên chính thức là Tổng cục Phụ tá (MOA). Các cận vệ này được tuyển chọn từ quân đội Triều Tiên và bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ trước đó. Một trong số tiêu chuẩn họ phải đáp ứng là yêu cầu về chiều cao. Họ cần phải có chiều cao tương đương với nhà lãnh đạo và không có bất kỳ khiếm khuyết nào về thị lực.

Trang tin NK Daily dẫn tài liệu thu thập được gần đây cho biết, danh sách các tiêu chuẩn tuyển chọn vệ sĩ cho các yếu nhân của Triều Tiên được chia làm 3 mục chính. Thứ nhất, các ứng viên phải là người có trình độ học vấn. Thứ hai, các ứng viên là con của quân nhân, công nhân và nông dân, ưu tiên người sống ở các khu vực nông thôn. Ngoài ra, ứng viên vệ sĩ ở độ tuổi khoảng 17, cao khoảng 167 cm, cao hơn 4 cm so với tiêu chuẩn tối thiểu 163 cm trước kia. 

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 4

Ông Kim Jong-un trong vòng vây bảo vệ của các vệ sĩ khi tới khu phi quân sự liên Triều để gặp Tổng thống Hàn Quốc năm 2018 (Ảnh: AFP).

Các cận vệ của lãnh đạo Triều Tiên cũng phải có những thành tích nhất định hoặc sở hữu năng khiếu đặc biệt về bắn súng và võ thuật. Ngoài ra, để trở thành người bảo vệ tính mạng cho nguyên thủ quốc gia, mỗi cận vệ đều được kiểm tra kỹ lưỡng về nhân thân và ít nhất lý lịch 2 đời trong gia đình. Nhiều người thuộc đội cận vệ có mối liên hệ với gia đình ông Kim Jong-un hoặc các gia đình tinh hoa khác tại Triều Tiên.

Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn và trở thành cận vệ, họ phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe. Các cận vệ của ông Kim Jong-un được huấn luyện tương tự đội đặc nhiệm của quân đội Triều Tiên.

Quá trình huấn luyện bao gồm đào tạo sử dụng súng ngắn, kỹ thuật tẩu thoát và nhiều môn võ khác nhau. Ngoài ra, họ còn phải trải qua các thử thách về sức bền, điều kiện hành vi và các bài tập thể chất khắc nghiệt.

Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển, các cận vệ tạo thành một vòng tròn xung quanh ông với tầm quan sát 360 độ để giám sát cả những người tới gần ông và vị trí ông đứng. Đội cận vệ đi trước ông Kim Jong-un gồm từ 3-5 người, bao gồm giám đốc MOA. Đội cận vệ đi song song với ông Kim Jong-un gồm từ 4-6 người, chia đều sang hai bên trái và phải. Cuối cùng là đội bọc hậu gồm từ 4-5 cận vệ.

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 5

Đội cận vệ gồm 12 người chạy theo xe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại khu phi quân sự ở biên giới liên Triều (Ảnh: Yonhap).

Đội cận vệ bảo vệ ông Kim Jong-un được cho là những người có quyền lực trong chính quyền Triều Tiên. Họ nằm trong số rất ít những người Triều Tiên được phép mang theo vũ khí khi đứng gần nhà lãnh đạo, bao gồm một súng ngắn bán tự động và một vũ khí dự phòng.

Ngoài việc trang bị vũ khí, kỹ năng phòng vệ chính của đội cận vệ Triều Tiên là quan sát (những người đứng gần nhà lãnh đạo và khu vực xung quanh). Đội cận vệ sẽ vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào bằng tay không hoặc sử dụng chính cơ thể của họ.

Các cận vệ của lãnh đạo Triều Tiên thường mặc Âu phục và thắt cà vạt. Tài xế của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay làm bằng da hoặc vải lanh. Họ sử dụng cả tai nghe vô tuyến để liên lạc với nhau. Các cận vệ cũng đeo huy hiệu trên áo để phân biệt danh tính và sử dụng một loạt mật khẩu cũng như từ mã hóa.

Các lớp an ninh chặt chẽ

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 6

Các vệ sĩ luôn theo sát ông Kim Jong-un trong mọi hành trình (Ảnh: Tass).

Theo BBC, MOA ước tính gồm khoảng từ 200-300 người, trong đó một nửa là cận vệ, số còn lại là các tài xế và nhân viên kỹ thuật. Một số cận vệ của lãnh đạo Triều Tiên có sự nghiệp lâu năm, còn phần lớn làm việc khoảng 10 năm.

Ngoài MOA, Bộ Tư lệnh Cận vệ (GC) bao gồm các lớp an ninh thứ hai và thứ ba xung quanh ông Kim Jong-un. Trong khi MOA bảo vệ trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên, GC chủ yếu chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại các địa điểm, bất kể đó là văn phòng làm việc, tư dinh của ông Kim Jong-un hay những địa điểm ông đến thăm ở trong và ngoài lãnh thổ Triều Tiên.

GC cũng chịu trách nhiệm đảm bảo công tác hậu cần và kỹ thuật để hỗ trợ ông Kim Jong-un. Các nhân sự thuộc GC cũng trải qua quá trình tuyển chọn và thẩm tra lý lịch tương tự đội cận vệ của ông Kim Jong-un tại MOA.

Các nhân sự thuộc GC sẽ tham gia vào một loạt hoạt động hỗ trợ cho chuyến đi của ông Kim Jong-un. Họ sẽ vận hành và duy trì đường dây điện thoại bảo mật mà nhà lãnh đạo sẽ sử dụng, cũng như cung cấp cho ông Kim Jong-un bất kể máy tính nào mà ông muốn dùng cùng các yêu cầu khác về an ninh công nghệ.

Ngoài ra, đội ngũ an ninh của GC cũng chuẩn bị sẵn các loại đồ ăn, nước uống và thuốc lá mà ông Kim Jong-un sử dụng trong chuyến đi nước ngoài. Họ cũng là những người nếm trước các đồ ăn và nước uống này trước khi phục vụ nhà lãnh đạo. GC cũng có một đội ngũ y tế riêng phục vụ lãnh đạo Triều Tiên.

Giải mã lá chắn sống 6 lớp bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên - 7

Hình ảnh trong bộ phim do Clint Eastwood thủ vai (Ảnh: IMDB).

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất về đội vệ sĩ của ông Kim Jong-un là khi họ xếp thành vòng tròn, chạy theo xe của nhà lãnh đạo trong các chuyến công du.

Theo cuốn sách "Người kế vị vĩ đại: Số phận hoàn hảo tuyệt vời của Kim Jong-un" chắp bút bởi nhà báo Anna Fifield của Washington Post, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là đã lấy ý tưởng về đội cận vệ này từ bộ phim "Trong tầm lửa đạn" (In the Line of Fire) do diễn viên Clint Eastwood đóng chính.

"Khi còn nhỏ, ông Kim Jong-un đã xem bộ phim mà Eastwood thủ vai một đặc vụ Mỹ nhận nhiệm vụ bảo vệ cố Tổng thống John F. Kennedy trong vụ ám sát năm 1963. Nhân vật của Eastwood và các đặc nhiệm khác chạy dọc bám theo xe chở tổng thống", tác giả Fifield lý giải.

Thành Đạt

Tổng hợp