1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

20 năm vụ khủng bố 11/9: Người Mỹ bức xúc khi công lý chưa được thực thi

Thanh Thành

(Dân trí) - 20 năm trôi qua kể từ vụ khủng bố 11/9 cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người tại Mỹ, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa lời giải và công lý vẫn chưa được thực thi.

20 năm vụ khủng bố 11/9: Người Mỹ bức xúc khi công lý chưa được thực thi - 1

Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) đổ sụp trong vụ khủng bố 11/9/2001 (Ảnh: AP)

 Vì không có nhiều ký ức nên cô Patricia Smith đã mất 20 năm để hiểu hơn về người mẹ quá cố thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9.

Qua những câu chuyện do người thân bạn bè kể lại và cả tìm kiếm trên Google, Patricia đã có một bức chân dung rõ ràng hơn về mẹ. Mẹ cô là người gan dạ, thích phiêu lưu. Bà là nữ sĩ quan duy nhất trong số 23 sĩ quan của Sở Cảnh sát New York (NYPD) thiệt mạng khi những kẻ không tặc lao máy bay vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) vào sáng ngày 11/9/2001.

Ngày 11/9/2021 đánh dấu kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố chết chóc nhất trong lịch sử trên đất Mỹ, khiến 2.977 người thiệt mạng. 19 kẻ khủng bố đã khống chế 4 máy bay thương mại, trong đó hai chiếc tấn công WTC ở New York, một máy bay lao vào Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington và một chiếc đâm xuống một cánh đồng ở vùng nông thôn Shanksville, bang Pennsylvania.

Khi tòa tháp đôi WTC bốc cháy, một nhiếp ảnh gia đã chụp được cảnh nữ cảnh sát Moira Smith, mẹ của Patricia Smith, sơ tán một người đàn ông đầu đầy máu ra khỏi tòa nhà trước khi tiếp tục quay lại giúp đỡ những người khác. Patricia cho biết, tin cuối cùng mà mẹ cô truyền đi cho thấy bà đang phải chịu đựng nỗi đau lớn như thế nào: "Tôi không thể thở được. Hãy giúp tôi".

"Tôi phải sống với nỗi đau đó cho đến nay", Patricia Smith, người vừa tốt nghiệp Đại học Alabama và hiện đang là huấn luyện viên thể thao cho đội bóng Đại học Tulane ở New Orleans cho biết.

Nhìn lại những khoảnh khắc thảm khốc trong vụ khủng bố 11/9

Vụ khủng bố 11/9 đã gây ra những thay đổi lớn đến mức khó có thể tìm thấy một phần nào đó trong cuộc sống của người Mỹ chưa bị ảnh hưởng. Từ việc tăng cường an ninh tại các sân bay, quân sự hóa cảnh sát cho đến các cuộc chiến chống khủng bố kéo dài nhiều năm ở Afghanistan, Iraq.

Cuộc chiến ở Afghanistan kéo dài qua 4 đời tổng thống Mỹ gây tổn thất rất lớn về người và của. Taliban, vốn kiểm soát Afghanistan trước năm 2001 và là nơi trú ẩn an toàn cho Al-Qaeda, đã trở lại nắm quyền, làm dấy lên lo ngại đất nước một lần nữa trở thành căn cứ của khủng bố.

10 năm trôi qua kể từ khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt ở Abbottabad, Pakistan, chưa ai khác bị kết tội đã giúp hắn dàn dựng vụ khủng bố 11/9 và chỉ có một người nhận tội và bị kết án tù chung thân.

"Công lý vẫn chưa được thực thi", cô Patricia Smith nói với ABC News trong chuyến thăm gần đây đến nơi tưởng niệm tòa tháp đôi WTC.

Đối với các cựu nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Kenneth Williams và Mark Rossini, 20 năm qua là những đêm họ đã liên bị mất ngủ và luôn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu những cảnh báo của họ được chú ý.

Hai tháng trước vụ tấn công 11/9, Williams, khi đó là đặc vụ tại văn phòng FBI ở Phoenix, đã viết bản nội dung cho biết anh đã thu thập thông tin tình báo cho thấy Osama bin Laden và tổ chức khủng bố Al-Qaeda sẵn sàng làm "điều gì đó" đối với ngành hàng không dân dụng ở Mỹ và các thành viên của mạng lưới khủng bố đang theo học tại các trường dạy lái máy bay ở Arizona.

Nhưng cảnh báo của Williams bị phớt lờ. Một trong 10 kẻ khủng bố bị nghi ngờ có tên trong bản ghi nhớ của Williams có quan hệ mật thiết với Hani Hanjour, kẻ đã lái chuyến bay 77 đâm vào Lầu Năm Góc.

Vào tháng 3/2000, tại nơi làm việc ở một văn phòng trung tâm chống khủng bố của Cục tình báo Trung ương (CIA) ở Langley, Virginia, đặc vụ Rossini đọc được một bức điện tín từ một người cung cấp thông tin cho biết, hai thành viên cấp cao của Al-Qaeda đã tham dự một hội nghị của nhóm này ở Malaysia và đã nhập cảnh vào Mỹ bằng thị thực hợp lệ vào tháng 1/2000.

Rossini nói với ABC News rằng, anh đã khuyến cáo đồng nghiệp Doug Miller, soạn thảo một bức điện tới trụ sở FBI báo cáo vụ việc những kẻ khủng bố Al-Qaeda đã vào Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức CIA đã cấm Miller gửi điện tín của mình cho FBI. CIA chưa bao giờ giải thích công khai lý do tại sao họ lại chặn tài liệu của Miller.

Và cuối cùng, 2 thành viên cấp cao trên của Al-Qaeda nằm trong số những kẻ không tặc ngày 11/9.

Cho tới nay, nhiều người Mỹ vẫn tức giận và mất lòng tin vào chính phủ vì vẫn chưa công bố hồ sơ mật vụ khủng bố 11/9.

Căng thẳng nhất hiện nay là cuộc chiến pháp lý của gia đình các nạn nhân chống lại Ả Rập Xê Út và các quốc gia mà họ cho rằng là đồng phạm. Đơn kiện mà anh Brett Eagleson (bị mất cha khi mới 15 tuổi) và những nạn nhân khác của vụ 11/9 chống lại Ả Rập Xê Út cho rằng, việc có 15 trong số 19 tên không tặc đến từ Ả Rập Xê Út không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Báo cáo của Ủy ban về vụ 11/9 hoàn thành vào tháng 12/2004 không phát hiện "bằng chứng nào cho thấy chính phủ Ả Rập Xê Út ủng hộ những kẻ không tặc Al-Qaeda". Ả Rập Xê Út cũng bác bỏ cáo buộc nước này liên quan trong vụ tấn công 11/9.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp xem xét giải mật các tài liệu từ cuộc điều tra của FBI về các vụ tấn công 11/9. Những câu hỏi chưa có lời giải trong vụ tấn công hi vọng sẽ phần nào sớm được trả lời.