Gia đình ở Ấn Độ của Phó Tổng thống Mỹ vật lộn trong "sóng thần" Covid-19
(Dân trí) - Làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ bùng phát gần đây đã đẩy hàng triệu gia đình vào tình cảnh khó khăn và những người thân của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng không là ngoại lệ.
Ông G. Balachandran đã đón tuổi 80 vào mùa xuân này, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Nếu không phải vì Covid-19, ông đã cùng với các thành viên gia đình tụ tập để chúc tụng và chia sẻ niềm vui.
Tuy nhiên, khi tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại quốc gia Nam Á - vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, ông Balachandran chỉ có thể nhận lời chúc thông qua các cuộc gọi điện thoại, trong đó có cuộc gọi từ người cháu gái nổi tiếng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Chú của bà Harris cho biết, ông đã trò chuyện với cháu mình khá lâu hồi tháng 3. Khi cuộc trao đổi kết thúc, bà Harris đã hứa với Balachandran chăm lo cho con gái ông - người đang sống ở Washington.
Sau đó, Ấn Độ đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 2 với mức độ càn quét dữ dội. Họ hiện có 21,4 triệu ca Covid-19 và số người chết đã vượt qua mốc 234.000. Ngày 7/5, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ vượt quá 400.000.
Cuộc khủng hoảng y tế ở Ấn Độ đã tạo nên thách thức về ngoại giao và nhân đạo với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, với bà Harris, điều này cũng là thách thức cá nhân với bà. Ấn Độ là nơi mẹ bà sinh ra và nó đã có ảnh hưởng nhất định tới những dấu mốc trong sự nghiệp chính trị của bà.
Balachandran cho biết, dù ông đã quen với việc nghe tin về bạn bè, người quen bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng giờ đây ông cảm thấy mầm bệnh đang ở gần nhà ông hơn bao giờ hết. Có những người mà ông biết, hoặc từng làm việc cùng đã thiệt mạng vì dịch bệnh.
"Tình hình ở Ấn Độ khá tồi tệ vào lúc này", ông nói.
Balachandran tự xem mình là người may mắn vì ông hiện dành phần lớn thời gian ở nhà và chỉ đi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, nên mối đe dọa bị nhiễm virus giảm đi phần nào.
Em gái của ông, bà Sarala, cũng trong tình cảnh tương tự, khi bà đã tự cách ly tại căn hộ ở Chennai. Cả 2 người họ đã đều được tiêm vắc xin, điều mà ông Balachandran cho là rất may mắn vì Ấn Độ đang thiếu nghiêm trọng những chế phẩm này để dập dịch.
Giữa tình hình phức tạp của dịch bệnh tại Ấn Độ, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với nguồn cung sản xuất vắc-xin và cho biết sẽ gửi thiết bị bảo vệ cá nhân, cung cấp ôxy, thuốc kháng virus và các viện trợ khác đến Ấn Độ.
Tuy nhiên, Mỹ cũng bị chỉ trích vì hành động chậm chạp trong lúc dịch bệnh ở Ấn Độ diễn tiến phức tạp.
Trong khi đó, khi phát biểu về tình hình Ấn Độ, bà Harris cũng tỏ ra thận trọng để đưa ra những phát ngôn dưới góc nhìn của một phó tổng thống, hơn là một người Mỹ gốc Ấn đang lo về an nguy của gia đình giữa vùng dịch.
Bà Harris cho biết, bà chưa nói chuyện với gia đình ở Ấn Độ lần nào kể khi lệnh hạn chế đi lại với người từ Ấn Độ được ban hành vào tuần trước.
Ông Balachandran không trách cháu gái liên quan tới những chỉ trích rằng Mỹ đã chậm chạp trong việc giúp đỡ Ấn Độ vì biết rằng bà là người luôn cố gắng hết sức để thực hiện một điều gì đó.
Balachandran cho hay, trong các cuộc điện thoại với cháu gái, ông thường sẽ nói về gia đình, và tránh nhắc đến quá nhiều về tình hình dịch nghiêm trọng ở Ấn Độ. Ông hy vọng có thể sớm tới thăm cháu gái ở Washington và mong muốn có thể được gặp Tổng thống Joe Biden. Lần cuối 2 người gặp gỡ là khi ông Biden vẫn là phó tổng thống Mỹ.
Ông Balachandran thừa nhận, dù ông muốn cả gia đình được đoàn tụ với nhau, nhưng đó là một mong ước quá xa xỉ vào lúc này.