1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

F-16 sẽ tác chiến thế nào khi được cấp cho Ukraine?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - F-16 là tiêm kích chiếm ưu thế trên không của Mỹ mà Ukraine đã kêu gọi viện trợ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Dự kiến, Kiev sẽ nhận được chúng trong năm nay.

F-16 sẽ tác chiến thế nào khi được cấp cho Ukraine? - 1

Ukraine đang rất cần tiêm kích F-16 để thay đổi cuộc chơi (Ảnh: Sky News).

F-16 là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng đã tham gia hàng chục cuộc chiến và được hơn 20 quốc gia sử dụng. Đối với Ukraine - quốc gia sử dụng MiG-29 thời Liên Xô lớn nhất, F-16 là một bản nâng cấp cực kỳ ý nghĩa.

Nó sẽ cải thiện khả năng của Không quân Ukraine trong việc hỗ trợ lực lượng mặt đất và đánh chặn máy bay ném bom Nga trước khi chúng có thể tấn công các mục tiêu quân sự hoặc dân sự.

Tháng 8/2023, Washington "bật đèn xanh" để các đồng minh cung cấp F-16 cho Ukraine. Một tháng trước đó, 11 quốc gia đã thành lập "liên minh máy bay chiến đấu" để cung cấp máy bay và chuẩn bị cho Ukraine cũng như các phi công của họ sử dụng chúng. Tới nay, có 14 nước tham gia vào liên minh do Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu.

Số lượng chính xác sẽ được chuyển giao vẫn chưa được xác định. Hà Lan và Đan Mạch sẽ cung cấp ít nhất 37 chiếc, trong khi Na Uy và Bỉ cũng cam kết sẽ cung cấp. Thời gian chuyển giao sẽ bắt đầu từ năm 2024 đến năm 2025, cũng như trường hợp dự kiến hoàn thành các chương trình đào tạo thí điểm.

Cấp tốc xây dựng nền móng

Có 3 chương trình riêng biệt dành cho phi công ở các cấp độ khác nhau. Đầu tháng này, người phát ngôn Không quân Ukraine - Đại tá Yuri Ihnat - cho biết 6 phi công đầu tiên đã lái những chiếc F-16 ở Đan Mạch và sẽ sẵn sàng chiến đấu vào mùa xuân. Một khóa đào tạo khác ở Arizona, Mỹ nơi các học viên dự kiến sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay. Nhóm ít kinh nghiệm nhất đang được đào tạo ở Anh, họ có thể chưa sẵn sàng cho đến năm 2025.

Đồng thời, đội ngũ thợ kỹ thuật mặt đất của Ukraine cũng đang học cách bảo dưỡng máy bay.

F-16 yêu cầu phải có cơ sở hạ tầng, hậu cần chuyên dụng. Ví dụ, chúng cần đường băng mượt mà hơn. Đây là một trong những thách thức lớn nhất, bởi Ukraine sẽ làm cách nào để thảm lại bề mặt các đường băng mà không thu hút sự chú ý của Nga.

Viktor Kevliuk, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, nói với Kyiv Independent: "Các sân bay phải được bảo vệ khỏi các cuộc không kích, điều đó có nghĩa là cần phải triển khai các hệ thống phòng không".

Ông nói thêm: "Các đồng minh cũng nên cung cấp cho chúng tôi tên lửa không đối không để chiến đấu vì tên lửa của Liên Xô không phù hợp với máy bay này". Những vũ khí cùng với tất cả nhiên liệu dự trữ phải được cất giữ ở nơi an toàn và được bảo vệ cẩn thận. "Đây là một quá trình khá dài."

Mặc dù được coi là máy bay hiện đại nhưng F-16 lần đầu tiên được đưa vào sản xuất vào cuối những năm 1970. Ukraine đang cố gắng thuyết phục đối tác lắp đặt hệ thống vũ khí và điện tử hàng không hiện đại hơn trên các máy bay mà nước này sẽ nhận được. Điều này sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất của chúng.

Các máy bay phản lực sẽ cần rất nhiều phụ tùng thay thế, tuy nhiên về vấn đề này chắc chắn Ukraine sẽ không phải lo lắng nhiều vì Mỹ đã cam kết cung cấp đầy đủ.

F-16 sẽ tác chiến thế nào khi được cấp cho Ukraine? - 2

Các máy bay tiêm kích F-16 Không quân Mỹ trình diễn màn "voi đi bộ" hoành tráng tại căn cứ sân bay Spangdahlem ở Đức ngày 1/10/2019 (Ảnh: US Airforce).

Thời gian giao hàng dự kiến

Lô máy bay đầu tiên có thể đến từ Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào ngày 22/12/2023 cho biết, chính phủ của ông đã bắt đầu chuẩn bị 18 máy bay chiến đấu. Một ngày sau đó, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hà Lan nói với NOS rằng số lượng có thể sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, không có thêm thông tin cập nhật kể từ đó.

Đan Mạch đã cam kết cung cấp 6 máy bay vào cuối năm 2023, nhưng ngày giao hàng được cho là đã bị lùi lại 6 tháng. Copenhagen cho biết họ sẽ cung cấp tổng cộng 19 chiếc F-16.

Các quan chức Đan Mạch và Hà Lan cho hay lịch giao hàng phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng và phi công của Ukraine, cùng nhiều yếu tố khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ đã hứa sẽ cung cấp một số máy bay vào năm 2025. Theo đài truyền hình NRK của Na Uy, Na Uy có kế hoạch gửi từ 5 đến 10 F-16, nhưng tổng số lượng cũng như lịch giao hàng đều chưa được ấn định.

Các chuyên gia nói với Kyiv Independent rằng, Ukraine có thể sẽ đưa ít nhất một số máy bay F-16 vào hoạt động vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè.

F-16 có xứng tầm "người thay đổi cuộc chơi"?

Các chuyên gia cho rằng F-16 sẽ mang lại cho Ukraine những khả năng quan trọng mà hiện tại nước này không có.

"Với một số kế hoạch cẩn thận… Tôi nghĩ có khả năng là ít nhất trong giai đoạn đầu, trước khi người Nga hiểu chuyện gì đang xảy ra, Ukraine có thể bắn hạ máy bay quân sự Nga bằng cách tung F-16 đến đúng nơi, đúng thời điểm", Peter Layton, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các quân chủng Thống nhất Hoàng gia và là cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia, cho biết.

Tên lửa không đối không AMRAAM có tầm bắn xa hơn vũ khí trang bị trên máy bay MiG-29 của Ukraine. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là một lợi thế chiến thuật trước khi người Nga thích nghi bằng cách kéo máy bay của họ lùi xa chiến tuyến, ông Layton nói.

Chuyên gia Kevliuk lưu ý rằng các máy bay chiến đấu của Ukraine và Nga ít tham gia không chiến trong năm qua vì cả hai bên đều đang cố gắng bảo toàn chúng.

Máy bay Nga chủ yếu tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Theo Kelly Grieco, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson, F-16 có thể bảo vệ không phận Ukraine, giảm áp lực lên lực lượng phòng không trên mặt đất.

"Với việc Nga nhắm mục tiêu vào các thành phố của Ukraine, có một mối nguy hiểm thực sự là các tổ hợp phòng không của Ukraine có thể cạn kiệt tên lửa khi cố gắng đánh trả mọi loạt máy bay không người lái và tên lửa của Nga... Nếu điều đó xảy ra, Nga có thể mặc định giành được ưu thế trên không trước Ukraine, và họ sẽ có thể phát huy toàn bộ hỏa lực của lực lượng không quân trên chiến trường", chuyên gia Grieco nói.

"Để tránh kết quả xấu, Ukraine cần phải chọn lọc hơn khi đánh trả các cuộc tấn công này của Nga, hoặc cần bổ sung thêm tên lửa để ngăn chặn các cuộc tấn công này. F-16 có tiềm năng hữu ích trong vai trò này", chuyên gia trên cho biết thêm.

Theo ông Layton, để tấn công, F-16 cũng có thể tập kích các mục tiêu trên mặt đất, giúp Ukraine "mở đường" vào khu vực do Nga nắm giữ bằng cách thả bom có sức nổ mạnh, mặc dù điều này sẽ không kéo dài vì loại máy bay này không thể mang được trọng tải bom lớn.

Để tạo thuận lợi cho F-16 "ghi bàn", bà cho rằng Ukraine cần phải ngăn chặn hoặc phá hủy các tổ hợp phòng không của Nga, như tên lửa S-400.

Chuyên gia Grieco nói: "Các phi công Ukraine lái F-16, được trang bị tên lửa chống bức xạ, sẽ phải mạo hiểm hoạt động trong tầm bắn của S-400 để dụ các kíp chiến đấu Nga phát xạ... Phạm vi tấn công của S-400 gần gấp 4 lần tầm bắn của tên lửa chống bức xạ AGM-88, khiến nó trở thành một nhiệm vụ vốn dĩ nguy hiểm và tổn thất về F-16 của Ukraine có thể sẽ nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng được".

Ngoài ra, tiêm kích Su-30SM, Su-35 và MiG-31 của Nga cũng là mối đe dọa đáng kể với F-16 của Ukraine.

Moscow được cho là đã sẵn sàng nghênh chiến với "người thay đổi cuộc chơi" F-16 khi không chỉ đánh phá các sân bay mà còn thử nghiệm chiến thuật mới, cho máy bay cảnh báo sớm chỉ huy trên không A-50 hoạt động tích cực để chỉ thị mục tiêu, dẫn đường cho tiêm kích và tên lửa phòng không đánh chặn các chiến đấu cơ Ukraine hoạt động ở cự ly rất xa.

F-16 sẽ tác chiến thế nào khi được cấp cho Ukraine? - 3

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 của Nga được tiêm kích MiG-31 hộ tống (Ảnh: Telegram).

Bình luận trên Newsweek, chuyên gia Frederik Mertens từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hague (Hà Lan) nhận định: "Theo tôi, việc Nga triển khai A-50 là sự chuẩn bị có chủ ý của Nga cho sự xuất hiện của F-16 sắp tới".

Ông cho rằng, Nga dường như đang cố gắng tạo lợi thế tại cuộc chiến trên bầu trời bằng cách đẩy lực lượng không quân Ukraine lùi xa nhất có thể, "đồng thời gây ra sự tiêu hao nhiều nhất có thể trước sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16".

Theo ông, Nga dường như hy vọng có thể tấn công F-16 trên mặt đất và trên không ngay khi có thể nên họ đã điều động A-50 bay gần tiền tuyến hơn để tập dượt chuẩn bị.

Tháng 10 năm ngoái, Nga từng tuyên bố bắn rơi "24 máy bay Ukraine trong 5 ngày". Ukraine tới nay chưa lên tiếng về con số này.

Theo Kyiv Independent, Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm