1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU tháo gỡ được bế tắc của cuộc khủng hoảng khí đốt Nga- Ukraine?

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) đã lấy được chữ ký của cả Nga và Ukraina cho thoả thuận mà theo đó, Nga có thể tiếp tục chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống dẫn của Ukraina cho các nước châu Âu hiện đang phải chịu đựng một mùa đông khắc nghiệt.

EU tháo gỡ được bế tắc của cuộc khủng hoảng khí đốt Nga- Ukraine? - 1

Người dân Ukraine phải mua khí đốt bán lẻ
 
Thoả thuận đạt được nhờ nỗ lực của Thủ tướng Mirek Topolanek của Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Sau khi có được chữ ký của Nga ngày hôm qua, ông Topolanek hôm nay đã thuyết phục được Ukraine ký vào thoả thuận cho phép các quan sát viên EU, Ukraine và Nga giám sát hoạt động cung ứng khí đốt qua lãnh thổ Ukraine.

Trong tuyên bố đưa ra sáng nay, ông Topolanek khẳng định giờ đây, không có gì cản trở việc Nga cung cấp khí đốt trở lại cho châu Âu. “Chúng tôi có thể đã đạt được một thoả thuận chính trị nhằm thoát khỏi bế tắc, Ukraine đã chấp nhận mọi điều kiện mà Nga đưa ra để đổi lấy việc nối lại cung cấp khí”.
 
Về phía Ukraine, Thủ tướng Yulia Tymoshenko nói: “Chúng tôi ký thoả thuận này để chứng tỏ Ukraine không phải là trở ngại đối với hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga”.

Các quan chức ngoại giao cho biết giám sát viên sẽ bắt đầu làm việc trong vài giờ nữa để giám sát hoạt động vận chuyển khí qua Ukraine đến châu Âu, bị gián đoạn từ tuần trước do tranh cãi về giá cả giữa Kiev và Matxcơva.

Tuy nhiên, các quan chức Nga không nói cụ thể khi nào thì việc cung cấp khí đốt sẽ khởi sự lại. Tuyên bố với báo giới sau 5 giờ hội đàm với Thủ tướng Topolanek tại Matxcơva ngày hôm qua, Thủ tướng Nga V.Putin nói: "Ngay sau khi cơ chế giám sát bắt đầu làm việc, chúng tôi sẽ bơm khí. Nếu chúng tôi phát hiện có hành động ăn cắp lần nữa, chúng tôi sẽ lại cắt ngay nguồn cung ứng”.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt này, Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng khí đốt các nước châu Âu.

Theo một số chuyên gia, sẽ phải mất ít nhất 36 giờ để bắt đầu bơm khí cho đủ công suất có thể đến được với các khách hàng ở châu Âu.

Quan hệ giữa Matxcơva và Kiev, vốn đã căng thẳng do Nga phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine, lại càng băng giá trong những ngày gần đây.

Nga đã cáo buộc Ukraine tham nhũng và ăn cắp khi đốt chuyển cho châu Âu, trong khi Ukraine tuyên bố những hành động của Nga “chẳng qua là lời hăm doạ để tống tiền” bằng việc tăng giá khí đốt bán cho Ukraine. 

Các nguồn thạo tin về cuộc khủng hoảng này cho rằng ngay thậm chí nếu các hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu được nối lại, thì khí đốt vẫn không thể được cung cấp cho người dân Ukraine, vì Matxcơva và Kiev vẫn chưa đạt được thoả thuận về một hợp đồng cung ứng khí đốt cho năm nay.
 
Nhật Mai
Theo Reuters