1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU, Mỹ lập hội đồng thương mại - công nghệ chung đối phó Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tỏ rõ mối lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và công nghệ.

EU, Mỹ lập hội đồng thương mại - công nghệ chung đối phó Trung Quốc - 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels ngày 15/6 (Ảnh: Getty).

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm nay đưa tin, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 15/6 đã nhất trí thành lập một hội đồng thương mại - công nghệ chung để thiết lập quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu nhằm cạnh tranh với một Trung Quốc đang mạnh lên.

Đây là động thái mới nhất trong chiến lược đối phó Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên - chuyến đi được xem là màn "chào sân" thành công khi nhận được sự ủng hộ của các nước G7, NATO và rộng hơn là EU cho một liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược của ông Biden trong suốt chuyến đi dường như chú trọng áp dụng chiến lược "củ cà rốt" nhằm đảm bảo sự ủng hộ của Brussels trong các vấn đề về Trung Quốc.

Theo tuyên bố chung giữa EU - Mỹ, hội đồng chung này sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu và thúc đẩy đổi mới các công nghệ quan trọng. "Chúng tôi cam kết xây dựng quan hệ đối tác EU - Mỹ về tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu, chú trọng chuỗi cung ứng bán dẫn nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như năng lực thiết kế và sản xuất các chất bán dẫn hiện đại nhằm tiết kiệm tài nguyên", tuyên bố nêu rõ.

Mỹ và EU cũng nhất trí "đình chiến" sau năm 5 tranh chấp về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing đã kéo dài 17 năm qua (tranh chấp lâu nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO). Tuy nhiên, các mức thuế áp dụng từ thời cựu Tổng thống Donald Trump nhằm vào mặt hàng thép và nhôm vẫn được giữ nguyên.

Theo tuyên bố của ông Biden, thỏa thuận trên sẽ giúp Mỹ và EU "thách thức và chống lại các hành vi kinh tế phi thị trường của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không, nhằm mang lại lợi thế cho các công ty của Trung Quốc".

Trong khi Mỹ dường như hào hứng với sáng kiến mới này, nhiều quốc gia EU có vẻ không mấy mặn mà, và còn cảnh báo rằng nó không giúp giải quyết những mâu thuẫn khác giữa Mỹ và EU, cũng như các tranh chấp thương mại đang diễn ra. Thực tế là, một số nhà lãnh đạo EU, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel của Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU, cũng không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc vì mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh.

Tuyên bố chung của EU và Mỹ cũng hoàn toàn không đề cập đến Trung Quốc, thay vào đó đề cập đến "các hoạt động kinh tế phi thị trường của các bên thứ ba có thể gây hại cho các ngành máy bay dân dụng lớn của chúng tôi". Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng không đề cập các tranh chấp liên quan với Trung Quốc.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, liên minh mới, nằm trong cơ cấu tổng thể của Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU- Mỹ (TTC), cũng cần tránh đi theo vết xe đổ của Hội đồng Kinh tế Xuyên Đại Tây Dương, sáng kiến dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nhằm nối lại quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và châu Âu, nhưng cuối cùng thất bại. Để tránh sai lầm đó, Washington và Brussels có kế hoạch tập trung vào 3 lĩnh vực cốt lõi.

Đầu tiên là kiềm chế Trung Quốc thông qua hợp tác xuyên Đại Tây Dương xung quanh các tiêu chuẩn công nghệ và thương mại quốc tế, cũng như cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, toàn thế giới rơi vào tình trạng thiếu vi mạch, vì vậy cả Mỹ và EU đều đã công bố kế hoạch tài chính đầy tham vọng nhằm hỗ trợ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn - hiện đang tập trung ở Vành đai Thái Bình Dương. TTC cũng lập ra các nhóm EU - Mỹ về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, năng lực cạnh tranh, quản trị dữ liệu và nền tảng công nghệ nhằm lập nên các tiêu chuẩn xuyên Đại Tây Dương, nội dung dự thảo cho biết.

Thứ hai là thúc đẩy các giá trị dân chủ trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều đó bao gồm việc chống việc kiểm soát mạng, độc quyền kỹ thuật số.

Đề xuất cuối cùng là thúc đẩy đổi mới và đầu tư quỹ lớn hơn trên khắp Mỹ và EU nhằm tạo thế đối trọng với mô hình kinh tế của Trung Quốc. Điều đó có thể gồm các liên doanh cụ thể để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi như điện toán lượng tử. Tất nhiên, thành công của liên minh này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nỗ lực hợp tác của Brussels và Washington.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm