Không phải là thành viên, Trung Quốc vẫn "phủ bóng" thượng đỉnh G7
(Dân trí) - Những thách thức gia tăng từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc được xem là một trong những chủ đề cấp bách nhất mà các nhà lãnh đạo G7 phải đối mặt khi nhóm họp tại Anh.
Dù không phải là thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) - gồm có Mỹ, Đức, Italia, Pháp, Nhật Bản, Anh và Canada - nhưng Trung Quốc chính là nhân tố thống trị bàn hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm này trong gần 2 năm qua, diễn ra từ ngày 11-13/6 tại Cornwall, Anh.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden sẽ cố gắng thuyết phục các nước "hãy liên minh" để có những động thái cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh về các vấn đề vẫn luôn gây tranh cãi: Tân Cương, Hong Kong, Biển Đông, cùng các khu vực khác.
Trước thềm chuyến công du, trong bài viết trên Washington Post, ông Biden nhấn mạnh: "Mỹ phải là đứng đầu thế giới với vị thế của một kẻ mạnh", dù là đối
phó với Trung Quốc hay Nga.
Trên thực tế, ở một số lĩnh vực, đã có những dấu hiệu hình thành một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chặn sức mạnh Trung Quốc.
Trong một tuyên bố chung hôm 10/6, Tổng thống Biden và người đồng cấp Anh Boris Johnson khẳng định sẽ ủng hộ hết mình cuộc điều tra kỹ càng hơn về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Việc Anh nhấn mạnh sự ủng hộ như thế này (và có thể là tất cả các thành viên còn lại trong G7) rõ ràng tạo động lực mạnh mẽ cho nhà lãnh đạo Mỹ đẩy nhanh điều tra, trong đó chú trọng giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc.
Tại hội nghị G7 lần này, Tổng thống Biden cũng sẽ công bố sáng kiến "Blue Dot" nhằm cạnh tranh sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, khi nó nhắm mục đích hỗ trợ phát triển bền vững ở các nước đang phát triển.
Một số nước cũng được mời tham dự hội nghị G7 lần này, trong đó có Australia. Theo các nguồn tin, Canberra sẽ tận dụng cơ hội này để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Hôm 9/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi các quốc gia G7 ủng hộ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để xử lý chính sách "cưỡng bức kinh tế" ngày càng tăng, trong động thái ám chỉ đến Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, liên minh mới nổi này sẽ khiến Bắc Kinh càng thêm bất lợi. Hôm 10/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai chỉ trích kế hoạch này của ông Biden, cáo buộc đây là hành động "kích động đối đầu".
"Lập nhóm, theo đuổi chính trị khối và hình thành các nhóm nhỏ không phải là chính sách được ưa chuộng và sẽ thất bại. Chúng tôi hy vọng các quốc gia có liên quan sẽ không thiên vị và nhìn nhận Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh.
Nhưng tại Trung Quốc hiện cũng đang nổi lên nhiều quan điểm cho rằng, G7 là tàn tích của quá khứ, và ảnh hưởng của nó - cùng với các quốc gia liên quan - đang suy yếu. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này.
"G7 không còn nhiều ảnh hưởng và quyền lực do trọng tâm kinh tế và chính trị của thế giới đã dịch chuyển về phía đông", nội dung bài viết trên Thời báo Hoàn cầu khẳng định đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc hiện đang thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu.
Trong khi các quốc gia G7 có thể đang hướng đến mặt trận thống nhất trong một số lĩnh vực nhất định, vẫn còn phải xem liệu các nước có sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi quan hệ với Bắc Kinh hay không. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các nhà quan sát nước này cho rằng, chính "sự khác biệt cơ bản" giữa các nước G7 trong chiến lược đối phó với Trung Quốc sẽ "khiến họ không đạt được bất kỳ thỏa thuận quan trọng nào".
Trên thực tế khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nhiều quốc gia phương Tây vẫn phụ thuộc vào thị trường và các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Và tất nhiên, Bắc Kinh không ngại tận dụng điều này. Một ngày trước khi Hội nghị G7 khai mạc, Trung Quốc đã thông qua dự luật chống các lệnh trừng phạt nước ngoài, nhằm đáp trả bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của các nước, trong đó chủ yếu nhắm đến Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU).