1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

EU kêu gọi tự do hàng hải trên Biển Đông

(Dân trí) - Các quốc gia phải có quyền đi lại tự do ở Biển Đông, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/6 khẳng định, trong sự chỉ trích ngoại giao đầu tiên đối với Bắc Kinh sau khi các máy bay Trung Quốc chặn một máy bay quân sự Mỹ ở vùng biển tranh chấp hồi tháng trước.


Trung Quốc ngang ngược xây đảo nhân tạo ồ ạt ở Biển Đông (Ảnh: CSIS)

Trung Quốc ngang ngược xây đảo nhân tạo ồ ạt ở Biển Đông (Ảnh: CSIS)

Ủy ban châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, một đối tác thương mại lớn, nhưng mạnh mẽ cảnh báo trong một tài liệu ngoại giao mới rằng EC phản đối “các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng khu vực và làm gia tăng”, trong một dấu hiệu bày tỏ lo ngại về các hoạt động xây dựng và quân sự hóa của Bắc Kinh đối với các thực thể ở Biển Đông.

Trong một diễn biến cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, một quan chức Indonesia cho biết Tổng thống nước này có thể tới thăm quần đảo Natuna lần đầu tiên vào ngày 25/6 để khẳng định chủ quyền của Jakarta sau khi Bắc Kinh ngang ngược nói “có chủ quyền chồng lấn” đối với các vùng biển lân cận.

Indonesia không là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng Jakarta phản đối việc Trung Quốc đưa quần đảo Natuna vào bên trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh đưa ra nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.

“EU muốn chứng kiến tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông và Hoa Đông”, EC cho biết trong tuyên bố, vốn nhằm định hình chính sách của khối đối với Trung Quốc trong 5 năm qua. Các chính phủ EU vẫn cần phải phê chuẩn tài liệu này.

“Lượng thương mại hàng hải quốc tế khổng lồ đi qua khu vực đồng nghĩa với việc tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng cốt lõi đối với EU”, tuyên bố viết. “EU nên hối thúc Trung Quốc có đóng góp mang tính xây dựng đối với sự ổn định khu vực... và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.

EU ngày càng tỏ ra quan ngại về các căng thẳng ở Biển Đông và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi tháng này đã kêu gọi EU tiến hành các cuộc tuần thường xuyên ở Biển Đông.

Mặc dù EU nói trung lập trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác nhưng Washington đã hối thúc Brussels lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông.

Mỹ nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện cách tiếp cận kiểu cướp bóc đối với tuyến đường biển huyết mạch của thế giới.

Một tòa án quốc tế tại La Hay, Hà Lan dự kiến sẽ sớm đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh lớn tiếng nói không tôn trọng và sẽ không tuân thủ phán quyết này.

An Bình