Biển Đông: Trung Quốc gia tăng hùng hổ, Mỹ gia cường hiện diện
Khái niệm được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh trong Hội nghị Shangri-La 2016 là một mạng lưới an ninh trong khu vực, trong đó mục tiêu là xây dựng an ninh tập thể mới - mạng lưới dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi.
Mỹ tăng cường hiện diện đa dạng tại Biển Đông
Trong một động thái mới nhất trên thực địa tại Biển Đông, Mỹ đã điều động hai tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) và USS Ronald Reagan (CVN 76) tới hoạt động tại vùng biển Philippines vào 18/6/2016. Hoạt động của các đội tàu này sẽ bao gồm diễn tập phòng không, do thám hàng hải, tiếp tế trên biển, huấn luyện tác chiến phòng thủ trên không, tấn công tầm xa, tập trận chung và các cuộc diễn tập khác.
Việc hai nhóm tàu sân bay được điều động đến Biển Đông được các nhà quan sát chú ý. Vào 2001 đến 2009 hai tàu sân bay này chỉ có một lần diễn tập tại Biển Đông. Từ 2009, hoạt động kết hợp của hai tàu sân bay tại khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra thường xuyên hơn. 2012 là diễn tập tại Biển Đông và Hoa Đông, 2014 là Tây Thái Bình Dương, và 2016 là tại vùng biển Philippines.
Theo Chuẩn Đô đốc Marcus A. Hitchcock miêu tả các nội dung trên báo chí: “không lực lượng hải quân nào có thể tập trung nhiều sức mạnh chiến đấu trên cùng một vùng biển, hoặc đồng bộ hoạt động của hơn 12 ngàn thủy thủ, 140 máy bay, sáu đơn vị tham chiến và hai tàu sân bay, như vậy.”
Trước đó không lâu vào tuần thứ hai của tháng 6/2016, trong khuôn khổ của một hoạt động đa phương, một đội tàu sân bay tấn công của Mỹ cùng các tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản đã triển khai diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm, phòng không và các nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu tại vùng biển Philippines. Cuộc tập trận này mang tên Malabar, là sự kiện được tổ chức hàng năm giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, nhưng năm nay có thêm Nhật Bản tham gia. Cuộc tập trận mang tên Malabar này là một trong những cuộc tập trận lớn nhất và phức tạp nhất mà ba nước từng thực hiện.
Một điểm đáng chú ý là các tàu chiến của Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar cũng đã sử dụng các cảng tại Việt Nam và Philippines. Đặc biệt, một tàu do thám của Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ diễn biến của cuộc tập trận này.
Sau cuộc tập trận này, cả ba nước sẽ có cuộc đối thoại ba bên cấp bộ trưởng tại Tokyo, theo lịch trình được tổ chức mỗi năm hai lần, và sau đó là Tham vấn Mỹ-Ấn về Đông Á. Vào 14/4/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng xác nhận rằng Mỹ và Philippines đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông lần hai trong năm nay. Theo ông Carter thì đây là một hành động rất hiếm có đối với các đồng minh của Mỹ, và Mỹ “đang cố gắng giảm căng thẳng ở khu vực này [Biển Đông]”.
Các hoạt động này được các nhà quan sát nhìn nhận nằm trong nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng một mạng lưới an ninh tại Thái Bình Dương. Khái niệm được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh trong Hội nghị Shangri-La 2016 là một mạng lưới an ninh trong khu vực, trong đó mục tiêu là xây dựng an ninh tập thể mới - mạng lưới dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi. Đây là một thông điệp quan trọng, không những đối với vai trò và chính sách của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương, mà còn tác động đến chính sách của các quốc gia trong khu vực.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đông đòi hỏi Mỹ phải có một chiến lược mạnh mẽ hơn trong việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc. Theo đó, các hành động của Mỹ đang định hình dựa trên ba trụ cột: tập trận chung – tuần tra chung – hợp tác chiến lược.
Nền tảng của phân chia vai trò trên cả ba mặt trận, ngoại giao, thông tin và thực địa trong mạng lưới các quốc gia với nhau. Trong đó, các cường quốc như Mỹ, Nhật sẽ giúp cân bằng đối trọng và kiềm chế các hành động đơn phương, bất chấp luật pháp của Trung Quốc, trong khi các trung cường như Hàn Quốc, Úc và các nước nhỏ vừa và nhỏ ở khu vực Đông Nam Á cần liên kết lại theo nhiều hình thức khác nhau với mục tiêu làm giảm khả năng “ bẻ từng cái đũa” do Bắc Kinh áp dụng.
Ấn Độ và các trung cường sát cánh với Mỹ
Trong mạng lưới này cũng sẽ bao gồm các cường quốc khác như Mỹ và Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc và là nhà cung cấp vũ khí chiến lược quan trọng cho các trung cường như Úc, Hàn Quốc.
Theo nhiều nhà quan sát, mối quan hệ đa phương dựa trên chia sẻ quan ngại an ninh chung giữa các quốc gia là nền tảng xây dựng nên một mạng lưới liên minh không chính thức trong khu vực. Quan trọng hơn, những điểm mới của Mỹ trong lần này là gắn kết và để thúc đẩy một vai trò của Ấn Độ trong một bối cảnh an ninh châu Á Thái Bình Dương đang chuyển dịch nhanh chóng. Chính phủ New Delhi được chờ đợi đóng một vai trò năng động hơn không chỉ ở Ấn Độ Dương, mà cả Thái Bình Dương. Đặc biệt, sự gia tăng quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông đang tạo ra các mối đe dọa cho các lợi ích sống còn của Ấn Độ.
Ấn Độ cũng thể hiện sự ủng hộ với những nỗ lực của Mỹ theo nhiều cách khác nhau. Trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 6/2016, Thủ tướng Nerendra Modi tuyên bố rằng “sự thiếu vắng một cấu trúc an ninh ước định sẽ tạo ra bất ổn” tại châu Á và quan hệ đối tác Mỹ - Ấn sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải và an ninh cho các tuyến hải trình. Điều này được chính phủ New Delhi làm rõ thông qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tại Shangri-La 2016: “tất cả các nước trong khu vực cần nhận ra rằng sự thịnh vượng chung của chúng ta [….] sẽ bị đặt vào vòng nguy hiểm bởi các hành động hay hành vi gây hấn từ bất cứ ai trong chúng ta”.
Bên cạnh đó, Mỹ và Ấn Độ cũng đã đồng ý hợp tác về hậu cần, cho phép các lực lượng quân sự của hai nước sử dụng các cơ sở của nhau để sửa chữa và tiếp tế.
Quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã được tăng cường với tuyên bố về “đối tác chiến lược” và thúc đẩy hợp tác an ninh và kinh tế. Vào tháng 12/2015, hai nước đã bàn về việc hợp tác thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Nam Á – nơi Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào hàng loạt dự án CSHT tại đây. Bằng cách tiến lại gần hơn với Mỹ, các nước có tranh chấp lãnh hải-lãnh thổ với Trung Quốc tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong khu vực, ngăn chặn hay ít nhất tạo ra nhiều công cụ răn đe hơn.
Một sự hiện diện quân sự rõ nét hơn, tích cực hơn của Mỹ và đồng minh đang có thể là một lực cản quan trọng hạn chế Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Công Tâm (từ Washington, Hoa Kỳ)
Vietnamnet