1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Em trai George Floyd: “Bạo loạn không thể mang anh tôi từ cõi chết trở về”

(Dân trí) - Em trai của George Floyd, người đàn ông da màu tử vong sau khi bị cảnh sát ghì đầu, đã kêu gọi hòa bình ngay tại hiện trường xảy ra vụ việc gây rúng động nước Mỹ.

Em trai George Floyd: “Bạo loạn cũng không thể mang anh tôi trở về”
Em trai George Floyd: “Bạo loạn không thể mang anh tôi từ cõi chết trở về” - 1

Terrence Floyd đeo khẩu trang in hình anh trai tại hiện trường vụ cảnh sát bắt giữ George Floyd ở Minneapolis. (Ảnh: AFP)

Ngày 1/6, Terrence Floyd, em trai của George Floyd, đã tới góc phố giao giữa Đường 38 và Đại lộ Chicago tại thành phố Minneapolis - nơi anh trai mình thiệt mạng để kêu gọi chấm dứt biểu tình. Lời kêu gọi xúc động được đưa ra sau 1 tuần kể từ ngày George Floyd bị cảnh sát bắt giữ và ghì đầu tới chết, ngay cả khi người đàn ông này liên tục nói rằng “Tôi không thở được”.

Những câu khẩu hiệu “Tên anh ấy là gì? George Floyd!” vẫn tiếp tục vang lên tại nơi biến người đàn ông da màu thành biểu tượng mới nhất cho tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Đeo khẩu trang có in hình anh trai, Terrence Floyd đã quỳ gối trước cửa hàng nơi George Floyd nằm gục chết và nay  biến thành khu vực tưởng niệm phủ đầy hoa và biểu ngữ. Khi Terrence quỳ trong im lặng, nhiều người cũng ngồi xuống xung quanh anh.

Em trai George Floyd: “Bạo loạn không thể mang anh tôi từ cõi chết trở về” - 2

Terrence Floyd quỳ gối tại nơi tưởng niệm anh trai. (Ảnh: Reuters)

"Tôi hiểu tất cả các bạn đều đau lòng. Nhưng các bạn có đau đớn bằng một nửa của tôi hay không? Vậy mà tôi còn không ở đây để thiêu đốt mọi thứ, tôi cũng không ở đây để làm loạn cộng đồng của tôi, thì cớ gì mọi người lại làm vậy? Mọi người đang làm chuyện gì vậy? Việc phá hoại này không có ích gì. Vì điều đó cũng không thể mang anh tôi trở về", Terrence nói.

George Floyd, 46 tuổi, đã tử vong hôm 25/5 sau khi bị cáo buộc tiêu thụ 1 tờ 20 USD giả tại cửa hàng. Sĩ quan cảnh sát da trắng, Derek Chauvin, bị truy tố tội giết người vì hành động ghì cổ gây tranh cãi.

Chia sẻ với đám đông xung quanh, Terrence cho biết anh không hiểu vì sao ngoài George Floyd, 3 cảnh sát khác có liên quan vẫn chưa bị truy tố mặc dù cả 4 người đều đã bị sa thải. Tuy vậy, Terrence nói rằng gia đình Floyd vẫn mong muốn các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và hy vọng công lý sẽ được thực thi.

"Trong tất cả trường hợp liên quan tới sự tàn nhẫn của cảnh sát, mọi chuyện đều xảy ra giống nhau. Mọi người biểu tình, phá hủy mọi thứ... Nhưng xin hãy chọn cách khác. Hãy chuyển hướng đi các bạn”, Terrence nói.

Em trai George Floyd: “Bạo loạn không thể mang anh tôi từ cõi chết trở về” - 3

Nhiều người có mặt tại nơi tưởng niệm George Floyd ở Minneapolis. (Ảnh: AFP)

Trước khi qua đời, tương tự hàng triệu người Mỹ khác trong thời kỳ đại dịch, George Floyd cũng bị thất nghiệp và đang tìm kiếm công việc mới. Anh và một số người bạn đã chuyển từ Houston tới Minneapolis vào năm 2014 để tìm việc và bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, George Floyd bị mất việc làm khi bang Minnesota đóng cửa các nhà hàng do lệnh phong tỏa vì dịch bệnh.

“Anh trai tôi chuyển từ Houston tới đây. Anh ấy yêu nơi này. Vì thế tôi biết anh ấy không muốn tất cả các bạn làm (những hành động bạo lực) như vậy”, Terrence nói thêm.

Lãnh đạo dân quyền, Hạ nghị sĩ New York Kevin McCall, cho biết ông đã đưa Terrence cùng nhiều người dân khác tới nơi tưởng niệm Floyd để kêu gọi sự bình tĩnh.

"Chúng tôi đang gửi đi thông điệp tới người dân trên cả nước Mỹ. Hãy dừng việc cướp phá, bạo lực. Chúng ta không chấm dứt biểu tình, nhưng hãy biểu tình ôn hoà", nhà hoạt động Kevin McCall kêu gọi.

Cái chết của George Floyd đã thổi bùng làn sóng biểu tình tại ít nhất 140 thành phố trên khắp nước Mỹ. Ít nhất 40 thành phố đã áp lệnh giới nghiêm để kiểm soát các cuộc biểu tình. Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ để đối phó với các cuộc biểu tình quá khích.

Thành Đạt

Theo CNBC