1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật của Anh ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Một chỉ huy không quan của Đức bị cáo buộc làm lộ hoạt động quân sự bí mật của Anh ở Ukraine sau khi thảo luận vấn đề nhạy cảm này trên điện thoại.

Đức bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật của Anh ở Ukraine - 1

Binh sĩ Anh diễn tập ở Ba Lan (Ảnh minh họa: Getty).

Báo Times ngày 3/3 đưa tin, một cuộc điện thoại giữa Tham mưu trưởng Không quân Đức, Trung tướng Ingo Gerhartz, và các sĩ quan cấp cao của Đức đã bị gián điệp Nga nghe lén do họ sử dụng đường dây điện thoại không an toàn để thảo luận về kế hoạch quân sự.

Cuộc nói chuyện bao gồm việc xác nhận rằng quân đội Anh được triển khai ở Ukraine và các chi tiết quan trọng về việc vận chuyển tên lửa Storm Shadow của Anh tới nước này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận đoạn ghi âm do đài truyền hình nhà nước Nga công bố là xác thực và mô tả vi phạm an ninh là "rất nghiêm trọng".

Rò rỉ thông tin này có thể ảnh hưởng đến việc chuyển giao vũ khí của Anh và Pháp cho Ukraine và cản trở việc sử dụng tên lửa hành trình quan trọng của Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Nga đã chặn cuộc gọi dài 38 phút giữa ông Gerhartz và 3 sĩ quan cấp cao của Đức vào ngày 19/2 sau khi họ sử dụng phần mềm hội nghị truyền hình tiêu chuẩn thay vì đường dây được mã hóa để trao đổi các vấn đề quân sự nhạy cảm.

Tổng biên tập kênh RT của Nga, bà Margarita Simonyan, đã công bố đoạn ghi âm này vào cuối tuần qua.

Theo đoạn ghi âm, người đứng đầu Không quân Đức nói rằng: "Nếu được hỏi về phương thức bàn giao (tên lửa cho Ukraine), tôi biết phía Anh làm điều này như thế nào. Họ luôn vận chuyển chúng trên những chiếc xe bọc thép Ridgeback. Nhiều người của họ có mặt ở Ukraine". Ông Gerhartz cũng đề cập đến cách Pháp chuyển các tên lửa Scalp cho Ukraine.

Ông Gerhartz nói thêm rằng Anh đã trang bị Storm Shadows cho máy bay Ukraine và có thể giúp chuyển tên lửa Taurus (do Đức sản xuất) sang Ukraine.

Theo người đứng đầu lực lượng không quân Đức, nước này đang cân nhắc chuyển 100 trong số 600 tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine theo 2 đợt. Ông Gerhartz giải thích, điều này nhằm đảm bảo ngay cả khi Đức viện trợ loại tên lửa này cho Kiev, nó cũng không làm thay đổi đáng kể cục diện xung đột.

"Đó là lý do tại sao chúng ta không muốn gửi tất cả chúng. Không chuyển toàn bộ tên lửa trong một đợt. Trước tiên, chúng ta có thể chuyển 50 tên lửa, sau đó cung cấp cho họ 50 tên lửa khác. Đây là một vấn đề chính trị lớn", ông nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm: "Tôi có thông tin từ Pháp và Anh rằng họ cũng làm tương tự với tên lửa Storm Shadow và Scalp".

Taurus là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất. Tên lửa này có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 500km. Taurus được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình tiên tiến nhất do châu Âu sản xuất.

Ở một số khía cạnh, Taurus tương tự tên lửa Storm Shadow mà Anh đã cung cấp cho Ukraine, song tên lửa của Anh có tầm bắn hạn chế hơn.

Tên lửa của Đức có thể bắn trúng cả các mục tiêu riêng biệt như xe tăng, pháo, radar, sở chỉ huy, bệ phóng tên lửa và các mục tiêu lớn hơn như đoàn xe quân sự, cụm sở chỉ huy, căn cứ quân sự, kho bãi. Hơn nữa, máy bay mang tên lửa không cần phải đi vào khu vực phòng không của đối phương.

Ukraine từ lâu đã đề nghị Đức viện trợ loại tên lửa này, nhưng đến nay Berlin vẫn do dự.

Đức cáo buộc Nga châm ngòi "cuộc chiến thông tin"

Đức bị cáo buộc làm rò rỉ bí mật của Anh ở Ukraine - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (Ảnh: Bloomberg).

Bộ Quốc phòng Đức cuối tuần qua xác nhận cuộc thảo luận bí mật giữa các quan chức cấp cao của quân đội của nước này về cuộc xung đột ở Ukraine bị rò rỉ với báo chí Nga.

Theo đánh giá của chúng tôi, một cuộc thảo luận trong Lực lượng Không quân đã bị nghe lén. Chúng tôi không thể nói chắc chắn liệu bản ghi âm hoặc bản viết đang lan truyền trên mạng xã hội có bị sửa gì hay không", một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi đây là "một vấn đề rất nghiêm trọng" và tuyên bố sẽ điều tra kỹ lưỡng, nhanh chóng.

Mặt khác, giới chức Đức cho rằng Nga cố ý rò rỉ đoạn ghi âm nhằm gây sức ép khiến Berlin cuối cùng sẽ phải từ bỏ ý định cung cấp Taurus cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cáo buộc Moscow đang phát động "một cuộc chiến thông tin" nhằm gây chia rẽ nội bộ.

"Vụ việc không chỉ đơn thuần là chặn và công bố một cuộc trò chuyện… Nó là một phần của cuộc chiến thông tin mà Nga đang tiến hành. Đó là một cuộc tấn công làm sai lệch thông tin nhằm chia rẽ, làm suy yếu sự đoàn kết của chúng ta", Bộ trưởng Pistorius nói.

Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này đề nghị Đức đưa ra lời giải thích về đoạn ghi âm.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, đoạn ghi âm cho thấy Đức đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, quan hệ giữa Nga với Đức và Pháp đã xuống mức thấp chưa từng có kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Giới chức Đức gần đây dự đoán, Moscow có thể tấn công NATO, và Đức sẽ là mục tiêu đầu tiên, nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ những suy đoán này.

Theo Times, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine