1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Bốn tháng đầu năm 2024 đã cho thấy một trong những thời điểm khó khăn nhất trong 2 năm xung đột Nga - Ukraine. Các nhà phân tích đã dự đoán tình hình chiến sự trong thời gian tới.

Quân đội Ukraine đang rơi vào thế khó dọc toàn chiến tuyến do thiếu vũ khí đạn dược, trong khi Nga đang khôi phục lực lượng đáng kể.

Newsweek dẫn lời ông Kusti Salm, thư ký thường trực Bộ Quốc phòng Estonia, nhận định: "Năm nay sẽ là một năm khó khăn. Lực lượng Ukraine sẽ phải tập trung vào việc phòng thủ".

Trong bối cảnh khó khăn của Kiev, kế hoạch của Nga nhằm kéo căng lực lượng của đối phương dường như đang có tác dụng.

Trong chuyến thăm Ukraine gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh thực hiện cam kết viện trợ quân sự cho Kiev. Bên cạnh đó, ông tuyên bố: "Vẫn chưa quá muộn cho Ukraine để tìm kiếm một chiến thắng".

Cuộc chiến trên bộ

Dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới - 1

Binh sĩ Ukraine bên cạnh một lựu pháo ở Kherson ngày 27/4 (Ảnh: Getty).

Nga tiếp tục các đợt tấn công mạnh dọc theo toàn chiến tuyến miền Đông Ukraine. Mặt khác, quân đội Nga cũng tìm cách kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kharkov và Zaporizhia. Nắm quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Donetsk và Lugansk vốn được xem là mục tiêu quan trọng của Moscow kể từ khi phe ly khai nổi dậy ở miền Đông Ukraine vào năm 2014.

Các cuộc tấn công này đặt nền móng cho một chiến dịch tấn công quy mô lớn tiềm tàng vào mùa hè này. Một trong số các mục tiêu hàng đầu của Nga là thành phố Chasov Yar thuộc Donetsk, nơi thậm chí có thể thất thủ trước mùa hè, và thành phố Kupiansk của Kharkov, cửa ngõ quan trọng dẫn vào thành phố Kharkov lớn thứ hai của Ukraine.

Tuần này, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đăng tải bài viết cho rằng việc Nga kiểm soát được khu vực phía tây bắc Avdiivka, Donetsk đã trao quyền lựa chọn bước đi tiếp theo cho Bộ chỉ huy Nga: tiếp tục tiến về phía tây tới mục tiêu ở Pokrovsk hoặc tiến về phía bắc nhằm tiến hành các hoạt động tấn công bổ sung quanh Chasov Yar.

Chasov Yar chỉ cách Bakhmut 10km về phía đông, nơi từ lâu đã trở thành một điểm nóng trên mặt trận Donetsk. Khu vực này phần lớn đã bị bỏ hoang trước khi chiến sự nổ ra.

Với vị trí nằm trên một ngọn đồi với tầm nhìn bao quát khu vực xung quanh, nơi đây đã trở thành điểm tập kết quan trọng của lực lượng Ukraine.

Chasov Yar cũng là cửa ngõ dẫn vào các thành phố Kramatorsk và Slovyansk. Cả hai địa điểm trên đều là mục tiêu chiến lược của lực lượng Moscow trong kế hoạch kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk.

Pokrovsk cách Avdiivka khoảng 40km về phía tây bắc. Nếu khu vực này không được phòng thủ thành công, sườn phía nam của Chasov Yar, Kramatorsk và Slovyansk sẽ lộ ra.

Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga, nói với Newsweek rằng "rất khó để nói" liệu các lực lượng của Moscow có thể mở rộng nỗ lực hiện tại của họ để có một chiến dịch lớn hơn vào mùa hè hay không.

"Nga không có quá nhiều nguồn lực cho một cuộc tấn công lớn hơn. Những gì chúng ta thấy là Nga đang cố gắng bao vây một nhóm đáng kể lực lượng Ukraine ở Avdiivka, giống ở Ilovaisk vào tháng 8/2014 và ở Debaltsevo vào tháng 2/2015, nhưng không thể làm được điều này", ông giải thích.

Ukraine được cho là sẽ tiếp tục tìm cách làm gián đoạn hoạt động liên lạc, hậu cần và công nghiệp của Nga nhiều nhất có thể.

Các cuộc tấn công tầm xa bằng máy bay không người lái vào các mục tiêu bên trong nước Nga đã trở nên phổ biến và Ukraine có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt các cuộc tấn công ngay cả khi Washington không đồng tình.

Sự xuất hiện của tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ viện trợ sẽ giúp Kiev tăng phạm vi tập kích, trong đó có mục tiêu cầu Crimea nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, Ivan Stupak, cựu quan chức Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), cho rằng Kiev chỉ có thời gian ngắn, khoảng 2 tháng, để tận dụng ưu thế của ATACMS trước khi Nga tìm ra phương án đối phó.

Cuộc chiến trên không

Dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới - 2

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine ở Donetsk (Ảnh: AFP).

Năm nay có thể chứng kiến sự chuyển dịch lớn trong năng lực phòng không của Ukraine khi Kiev dự kiến tiếp nhận hàng chục máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây.

Kiev cho biết, các máy bay này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga, đồng thời bảo vệ cho lực lượng trên mặt đất trước các cuộc không kích của Moscow.

Bom lượn của Moscow đóng vai trò then chốt trong nửa đầu năm 2024, cho phép máy bay của nước này thả lượng lớn đạn dược xuống các vị trí của Ukraine từ khoảng cách tương đối an toàn.

F-16 sẽ khiến các khu vực tiền tuyến trở nên nguy hiểm hơn đối với phi công Nga, do Ukraine dự kiến sẽ sử dụng tên lửa không đối không với tầm bắn lên tới 500km.

Ngược lại, Nga bị cho là hứng tổn thất lớn khi hàng loạt máy bay bị bắn hạ hoặc phá hủy những tháng gần đây do các cuộc tập kích của Ukraine, bao gồm các vụ tấn công nhắm vào căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Điều này sẽ là thách thức cho lực lượng không quân Nga trong các trận chiến sắp tới.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Kiev và một số đồng minh ở nước ngoài đã nhiều lần cảnh báo rằng một lực lượng nhỏ F-16 sẽ khôngthể thay đổi cục diện chiến trường.

Vẫn còn phải xem liệu các cường quốc phương Tây có thể giải quyết được những thách thức về hậu cần và chính trị để cung cấp một số lượng lớn máy bay chiến đấu, mang lại lợi thế lớn cho Ukraine trên chiến trường hay không.

Một điều chắc chắn là lô viện trợ F-16 sẽ giúp củng cố lực lượng không quân Ukraine đã bị suy yếu sau 2 năm xung đột. Năng lực tác chiến của các phi công Ukraine vượt xa dự đoán, khiến Nga chịu tổn thất không nhỏ và khiến một khu vực rộng lớn ở Ukraine trở nên nguy hiểm đối với máy bay Nga.

Thế "mèo vờn chuột" trên biển

Dự đoán cục diện xung đột Nga - Ukraine trong những tháng tới - 3

Xuồng tự sát Magura của Ukraine (Ảnh: AFP).

Nga và Ukraine được cho là sẽ tiếp tục thế trận "mèo vờn chuột" trên biển.

Máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Kiev đã tạo ra mối đe dọa đối với Hạm đội Biển Đen của Nga.

Nga đã có những điều chỉnh chiến thuật và khả năng phòng thủ, song các vũ khí tầm xa mới của Ukraine vẫn là vấn đề khiến Moscow phải lo ngại. Nga đã phải di chuyển nhiều tài sản hải quân ra khỏi bán đảo Crimea.

Ukraine không có lực lượng hải quân thông thường đáng kể của riêng mình, mặc dù các nhà lãnh đạo ở Kiev từ lâu đã kêu gọi đối tác phương Tây cung cấp các tàu mới.

Những con tàu cỡ nhỏ của Ukraine sẽ không thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hạm đội Biển Đen của Nga. Ukraine được cho là sẽ sử dụng khoảng thời gian còn lại của năm 2024 để làm gia tăng các rắc rối cho Nga trên biển.

Theo Newsweek, Axios
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine