1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dự án đường sắt nối hai đại dương: Tham vọng Trung Quốc

Trong chuyến thăm chính thức 4 nước Nam Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc đã đề xuất xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa.

Tuyến đường nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, là một ưu tiên của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).

Phát biểu họp báo ngày 23/2, Bộ trưởng các Công trình công cộng Bolivia Milton Claros khẳng định các nước Brazil, Bolivia và Peru đều mong muốn đạt thỏa thuận để sớm khởi động thi công kế hoạch.

Cũng theo Bộ trưởng Claros, trong cuộc làm việc với Tổng thống Bolivia Evo Morales tại La Paz, ngày 18/2, Tổng Thư ký UNASUR Ernesto Samper cho biết liên minh sẽ giúp Bolivia kết nối hệ thống đường tàu hỏa trong nước với tuyến đường giao thông quốc tế mới nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương này.

Hiện, Chính phủ Bolivia đang thành lập một ủy ban kỹ thuật làm nhiệm vụ thông báo cho các bên quan tâm về tiến độ của dự án.

Công trình là một trong những kế hoạch hợp tác chủ chốt giữa các nước Mỹ Latinh và Trung Quốc do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất trong chuyến thăm chính thức 4 nước Nam Mỹ hồi tháng 5/2015.

Tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc và khoáng sản từ Mỹ-Latinh sang châu Á
Tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc và khoáng sản từ Mỹ-Latinh sang châu Á

Tuyến đường tàu liên lục địa này sẽ bắt đầu từ Puerto Santos tại Brazil, đi qua các khu Puerto Suarez, Santa Cruz, Montero và Bulo Bulo của Bolivia trước khi vào Peru và dừng lại tại Puerto de Ilo.

Trước đó, hồi tháng 5/2015, Peru và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 5300km nối hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đi qua lãnh thổ Peru và Brazil, với số vốn đầu tư ban đầu dự kiến lên tới 10 tỷ USD.

Thỏa thuận được đưa ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Peru, chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du Nam Mỹ.

Tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc và khoáng sản từ Mỹ-Latinh sang châu Á. Tổng thống Peru Ollanta Humala nói rằng sự tham gia của Trung Quốc trong dự án là “không thể thiếu được”.

Trong khi đó, theo CNN, chỉ riêng năm 2015, Trung Quốc đã cấp 65 tỉ USD cho khu vực Mỹ La tinh, số tiền lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này là để chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay hiện thực hóa tầm nhìn họ có một cách nhanh chóng ở quê nhà. Song khi đến với Mỹ La tinh, tốc độ của họ chậm lại. Dự án đường sắt trên được cho là đầy thách thức, trong đó gồm việc đối phó với các nhóm bản địa và vấn đề về môi trường, bên cạnh chuyện quy mô xây dựng lớn.

Trung Quốc đã từng thử và thất bại với kế hoạch tương tự. Năm 2011, nước này đưa ra kế hoạch “khá tiến bộ” cho tuyến đường sắt nối bờ Thái Bình Dương với bờ Đại Tây Dương ở Colombia.

5 năm sau, tuyến đường sắt trên không tồn tại và thậm chí chưa từng được khởi công. Bộ Kinh tế Colombia không trả lời đề nghị bình luận của báo giới.

Dự án đường sắt nhỏ hơn này sẽ là một trong những công trình thể hiện rõ ràng nhất quyền lực của Trung Quốc nhằm đối mặt với Mỹ, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama. Colombia lẽ ra đã là một nước dễ dàng cho các dự án do có nền kinh tế diễn biến tốt nhất tại Nam Mỹ và tình hình chính trị ổn định.

Từ Mexico đến Brazil, nhiều dự án tư nhân và của chính phủ Trung Quốc bị chậm trễ lâu, bị đình chỉ hoặc không bao giờ được khởi công. Khác biệt văn hóa, tình trạng quan liêu và tham nhũng là vài lý do cho thực trạng trên.

Theo Sơn Ca (Tổng hợp)

Đất Việt