1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Động thái khẩn cấp của Hàn Quốc sau thảm kịch máy bay khiến 179 người chết

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàn Quốc lên kế hoạch kiểm tra mức độ an toàn của tất cả máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không trong nước khai thác sau vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng.

Động thái khẩn cấp của Hàn Quốc sau thảm kịch máy bay khiến 179 người chết - 1

Hiện trường vụ rơi máy bay ở Muan, Hàn Quốc hôm 29/12 (Ảnh: Reuters).

Một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc ngày 30/12 cho biết, chính phủ nước này có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng xem các hãng hàng không có tuân thủ đúng các quy định khác nhau đối với mẫu máy bay Boeing 737-800 hay không, bao gồm việc kiểm tra tỷ lệ sử dụng máy bay, kiểm tra chuyến bay và hồ sơ bảo dưỡng.

Boeing 737-800 được các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc khai thác rộng rãi. Jeju Air khai thác số lượng lớn nhất mẫu máy bay này, với 39 máy bay trong đội bay. Các hãng khai thác khác bao gồm T'way Air với 27 máy bay, Jin Air với 19 máy bay và Eastar Jet với 10 máy bay.

Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc có kế hoạch tiến hành các cuộc kiểm tra an toàn nghiêm ngặt đối với Jeju Air sau khi liên tục xảy ra sự cố về càng đáp.

Vào sáng 30/12, một máy bay của Jeju Air đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Gimpo do sự cố về càng đáp tương tự như vụ tai nạn một ngày trước đó. Máy bay này cùng loại với máy bay Boeing B737-800 trong vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12.

Các chuyên gia hàng không phần lớn đồng ý rằng, càng đáp không hoạt động là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc.

"Chúng tôi có kế hoạch thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn hàng không nghiêm ngặt để ứng phó với các sự cố càng đáp", Joo Jong-wan, giám đốc về chính sách hàng không tại Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết trong một cuộc họp báo.

Ông Joo lưu ý rằng Jeju Air được biết đến là hãng hàng không có tỷ lệ sử dụng máy bay cao. Một số nhà quan sát chỉ ra rằng đây có thể là một yếu tố gây ra vụ tai nạn hôm 29/12.

Sau các sự cố càng đáp, Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc đã cử các thanh tra an toàn đến hãng hàng không để điều tra vụ việc mới nhất.

Trong khi đó, một trong hai thiết bị ghi âm chuyến bay được thu hồi từ hiện trường vụ tai nạn đã được tìm thấy, nhưng bị hỏng bên ngoài. Thiết bị này đã được chuyển đến sân bay quốc tế Gimpo để phân tích thêm.

Quan chức của Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cũng cho biết Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ tai nạn. Boeing và nhà sản xuất động cơ CFM International cũng đã được triệu tập để hợp tác điều tra.

Theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24, máy bay gặp nạn ở Hàn Quốc hôm 29/12 đã 15 năm tuổi. Ryanair ở châu Âu là hãng hàng không đầu tiên vận hành chiếc máy bay này, sau đó nó được cho Jeju Air thuê vào năm 2017.

Theo Cirium, gần 200 hãng hàng không sử dụng Boeing 737-800, bao gồm 5 hãng tại Hàn Quốc: Jeju Air, T'way Air, Jin Air, Eastar Jet và Korean Air. Máy bay này rất phổ biến ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, và Boeing đã giao khoảng 5.000 chiếc cho khách hàng kể từ năm 1998.

"Máy bay này rất an toàn và có lịch sử an toàn tốt", ông Najmedin Meshkati, giáo sư ngành kỹ thuật tại Đại học Nam California, người đã nghiên cứu lịch sử an toàn của dòng Boeing 737, cho biết.

Theo Yonhap