1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động thái hiếm gặp của tàu ngầm hạt nhân Mỹ ở Ấn Độ Dương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, Hải quân Mỹ dường như muốn gửi thông điệp tới các đối thủ khi đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân West Virginia thực hiện chuyến thăm cảng hiếm gặp ở Ấn Độ Dương.

Động thái hiếm gặp của tàu ngầm hạt nhân Mỹ ở Ấn Độ Dương - 1

USS West Virginia thực hiện chuyến thăm cảng tại Diego Garcia (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Theo CNN, quân đội Mỹ trong tuần này đã tiết lộ về chuyến thăm của tàu ngầm USS West Virginia tới hòn đảo Diego Garcia xa xôi ở Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ đến thăm cảng đảo trên, động thái được xem là nhằm gửi thông điệp tới các đối thủ và đồng minh của Washington.

Theo Hải quân Mỹ, chuyến thăm cảng của tàu ngầm lớp Ohio USS West Virginia diễn ra từ 25-31/10. Các tuyến đường di chuyển của tàu ngầm hạt nhân Mỹ được xem là dữ liệu có tính bảo mật cao vì vậy chúng ít khi được công bố cụ thể, hoặc sẽ bị trì hoãn thông báo.

Theo một quan chức quân đội ẩn danh, việc Mỹ tiết lộ về chuyến thăm hiếm tới Ấn Độ Dương của USS West Virginia nhằm gửi thông điệp tới các đồng minh và đối thủ tiềm tàng của Washington rằng: "Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ không bị phát hiện lộ trình có thể hoạt động ở bất kỳ đại dương nào trong một thời gian dài".

Diego Garcia là một hòn đảo được quân sự hóa cao ở phía nam đường xích đạo, được sử dụng bởi cả lực lượng Mỹ và Anh. Vị trí xa xôi giúp tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân có khả năng chuyển thủy thủ đoàn 150 người mà không bị bên ngoài theo dõi, do đó giữ được bí mật về hoạt động của tàu ngầm và cho phép tàu ngầm ở lại khu vực trong thời gian dài hơn.

Khả năng tàng hình dưới nước của tàu ngầm Mỹ là rất quan trọng để thu thập các dữ liệu tình báo tuyệt mật về đối thủ cũng như duy trì lực lượng răn đe hạt nhân trên biển bằng cách mang tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu gắn hạt nhân.

"Mọi kế hoạch hoạt động đều dựa trên giả định rằng khả năng răn đe hạt nhân đang được duy trì và (các tàu ngầm tên lửa đạn đạo) như West Virginia rất quan trọng đối với khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi", Đô đốc Charles Richard, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cho biết.

Tàu ngầm lớp Ohio có khả năng mang tên lửa hạt nhân, là một phần trong năng lực răn đe của Mỹ tới các đối thủ. Mỹ thường khá kín tiếng về lộ trình của con tàu để đảm bảo tính bí mật và hiệu quả của duy trì sức mạnh răn đe.

Tàu ngầm SSGN lớp Ohio có hỏa lực mạnh hơn bất cứ tàu ngầm tương đương nào với 24 ống phóng tên lửa ban đầu được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo khổng lồ Trident. 22 ống phóng trong số này sau đó đã được thiết kế lại để mang tên lửa hành trình Tomahawk. Mỗi ống phóng có 7 tên lửa và như vậy mỗi tàu ngầm có thể mang được 154 tên lửa Tomahawk, tất cả đều được phóng từ biển trong vòng 6 phút.

Con số này nhiều hơn 50% so với tàu khu trục tên lửa dẫn đường và hơn gần 4 lần so với tàu ngầm tấn công mới nhất được Mỹ phát triển.

Dù Hải quân Mỹ có thể điều động lượng khu trục hạm mang nhiều tên lửa hơn con số 154, nhưng việc các tàu ngầm lớp Ohio có thể tác chiến độc lập và khó bị phát hiện khi di chuyển âm thầm dưới lòng đại dương, mang lại lợi thế đáng gờm.

Theo The Drive

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm