Động thái của ông Trump sau khi đề xuất thỏa thuận 500 tỷ USD với Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đến Ukraine. Chuyến thăm được cho là nhằm đàm phán về năng lượng và tài nguyên đất hiếm.
![Động thái của ông Trump sau khi đề xuất thỏa thuận 500 tỷ USD với Ukraine - 1 Động thái của ông Trump sau khi đề xuất thỏa thuận 500 tỷ USD với Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/WxLhJNE1StlB-SqD9KtJUnHEa6k=/thumb_w/1020/2024/09/06/trumpgetty-1725580491916.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty).
Trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Tôi sẽ cử Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tới Ukraine để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Cuộc chiến này phải sớm kết thúc. Quá nhiều người phải chết, quá nhiều sự phá hủy.
Ông Bessent sẽ là quan chức nội các đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Trump đến thăm Ukraine.
Các nguồn thạo tin cho hay, Bộ trưởng Bessent có thể tới Ukraine để đàm phán ban đầu về một thỏa thuận trong đó Mỹ sẽ được tiếp cận các nguồn tài nguyên đất hiếm của Kiev để đổi lấy hỗ trợ quân sự. Tương lai của một số doanh nghiệp nhà nước Ukraine cũng sẽ được thảo luận.
Tuần trước, Tổng thống Trump cho biết, ông quan tâm đến việc ký kết thỏa thuận với Ukraine để mua kim loại đất hiếm và các tài nguyên khác, đổi lại bằng nguồn viện trợ quân sự của Washington.
"Tôi đã nói với họ rằng tôi muốn nhận được khoản tương đương, chẳng hạn như 500 tỷ USD đất hiếm. Về cơ bản họ đã đồng ý, nên ít nhất chúng ta không cảm thấy chúng ta là ngu ngốc. Tôi đã nhấn mạnh với họ chúng ta phải nhận lại thứ gì đó", ông Trump trả lời phỏng vấn Fox News.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong lĩnh vực chế tạo xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và các thiết bị điện tử khác. Do không có nguồn thay thế, nên nhu cầu với đất hiếm ngày càng lớn.
Với Mỹ, bước đi này có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung kim loại đất hiếm từ Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc chiếm hơn 60% nguồn cung đất hiếm trên thế giới, khiến nước này trở thành quốc gia lớn nhất trên thị trường này. Chính quyền của ông Trump đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp trong vài năm và thỏa thuận với Ukraine có thể là một bước đột phá.
Ngoài đất hiếm, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz mới đây cho biết, Washington cũng quan tâm đến tiếp cận các nguồn tài nguyên dầu khí của Ukraine.
"Chúng tôi cần thu hồi những chi phí viện trợ, có thể bằng cách thiết lập quan hệ đối tác với Ukraine liên quan tới đất hiếm, tài nguyên thiên nhiên, dầu khí, thậm chí cả việc họ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Những cuộc thảo luận đó sẽ diễn ra trong tuần này", ông nói.
Tương lai của hoạt động viện trợ cho Kiev trở nên mơ hồ kể từ khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 năm ngoái và cam kết nhanh chóng chấm dứt xung đột, đưa Mỹ thoát khỏi cuộc chiến này.
Theo các nhà phân tích, trữ lượng đất hiếm, khoáng sản lớn có thể trở thành nguồn thu nhập quan trọng cho Ukraine trong bối cảnh xung đột kéo dài và nhu cầu tái thiết nền kinh tế, đảm bảo nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ.
Trong khi đó, những người chỉ trích lo ngại những thỏa thuận đổi tài nguyên lấy viện trợ quân sự có thể đặt Ukraine vào thế phụ thuộc.
"Nếu Ukraine bàn giao một phần đáng kể dự trữ của mình, điều này có thể tác động tiêu cực đến tiềm năng chiến lược của họ về lâu dài", các nhà phân tích chỉ ra.