1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động đất Nepal, hơn 2.300 người chết: Du khách Việt tại tâm chấn kể chuyện

Phóng viên Tiền Phong liên lạc được với 1 nhóm du lịch “phượt” có mặt tại Kathmandu. Đoàn du lịch gồm 4 người Việt Nam, xuất phát hôm 24/4, dự kiến quay về Việt Nam ngày 4/5.

Động đất Nepal, hơn 2.300 người chết: Du khách Việt tại tâm chấn kể chuyện

“Trên con đường chúng tôi đi, nhiều ngôi nhà sập xuống, người dân ngồi, nằm la liệt ngoài đường. Mọi thứ thật quá kinh hoàng”, chị Chi, một thành viên trong đoàn du lịch Nepal, thảng thốt kể.

Anh Nguyễn Trần Việt Tuấn (trú tại Yên Phụ, Hà Nội) kể lại, khoảng 11 giờ trưa 25/4 (giờ Nepal), khi nhóm đang chuẩn bị chơi chèo thuyền mạo hiểm, bất ngờ mặt đất rung lắc mạnh. Trong vài giây đầu tiên, cả đoàn chỉ biết đứng nhìn nhau.

Phải đến khi mọi người la hét, bỏ chạy toán loạn, nhóm du khách Việt mới hình dung ra việc gì đang xảy ra. Cả nhóm kéo nhau chạy lên khu đất cao và trống trải cách đó vài trăm mét. “Tới nơi, mặt đất vẫn rung lắc mạnh, chúng tôi mới kịp định thần nhìn 2 ngôi nhà gần chỗ đứng ban nãy đổ sập xuống, cát bụi mờ mịt”, anh Tuấn nói.

Chị Chi, một thành viên trong đoàn, cho biết, sau trận động đất mạnh, còn 2 đợt dư chấn lớn xảy ra cách nhau vài phút. “Đoàn tiếp tục di chuyển trên 100km về tỉnh Pokhara theo đúng lịch trình. Dọc đường đi, chúng tôi lại thấy nhiều ngôi nhà sập xuống, nhiều đoạn đường bị nứt, đầy đất đá lở.

Người dân ngồi, nằm la liệt ngoài đường để tránh dư chấn. Đọc tin và theo dõi hình ảnh về thủ đô của Nepal, những đền thờ, cung điện, phố cổ mà chúng tôi vừa tới thăm hôm trước giờ tan hoang, đổ nát mà xót xa”, chị Chi nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Thiên Thương (đường Trường Chinh, Hà Nội), mẹ của một thành viên trong đoàn du lịch, cho biết, bà đã cố liên lạc với con trai ngay khi đọc được tin tức về vụ động đất kinh hoàng. Nhưng mọi cách liên lạc đều không thành do hệ thống thông tin bị gián đoạn.

Sau 6 tiếng đằng đẵng chờ đợi, bà mới được điện của con gọi về từ thủ đô Nepal. Bà nói rằng, bình an giữa trận động đất khủng khiếp là một điều may mắn, giờ bà chỉ mong con về càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hiện rất khó sử dụng các phương tiện giao thông và liên lạc tại tâm chấn, lịch trình về Việt Nam của đoàn du lịch chắc chắn sẽ phải thay đổi.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Bangladesh hôm qua cho biết, hiện chưa có thông tin về công dân Việt Nam thương vong trong trận động đất trưa 25/4 tại Nepal, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình thông báo.

   Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi điện yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ, Bangladesh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Nepal, Ấn Độ, Bangladesh tìm hiểu có hay không công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ động đất mạnh 7,8 độ richter ở khu vực miền trung Nepal giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara.

    Để kịp thời hỗ trợ, Bộ Ngoại giao đề nghị các gia đình có người thân đang ở Nepal hoặc những ai có thông tin về công dân Việt Nam có thể là nạn nhân của động đất thông báo ngay theo số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484 và +84462844844) hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ (+911126879852), đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh (+88029854052).

    Được tin trận động đất lớn ngày 25/4 tại Nepal gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nepal Sushil Koirala; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Mahendra Bahadur Pandey để bày tỏ cảm thông sâu sắc trước những tổn thất to lớn của Nepal; mong nhân dân Nepal sẽ vượt qua đau thương, mất mát và sớm ổn định cuộc sống.

    Trong khi đó, công tác tìm kiếm, cứu hộ ở Nepal đang được tăng cường sau khi hơn 2.300 người thiệt mạng trong trận động đất tồi tệ nhất ở nước này suốt hơn 80 năm qua, BBC đưa tin tối 26/4. Động đất còn dẫn tới lở tuyết trên đỉnh Everest, khiến ít nhất 17 người tử vong trong 2 ngày qua. Ngày 26/4, một dư chấn mạnh 6,7 độ richter tấn công Nepal, Ấn Độ và Bangladesh, trong khi thêm nhiều vụ lở tuyết xảy ra gần Everest.

    Nhiều tiếng la hét và tiếng ầm ầm từ vụ lở tuyết nghe thấy rất rõ khi một người leo núi Ấn Độ đứng gần Everest được Reuters phỏng vấn qua điện thoại. Số người tử vong có thể còn tăng khi tình hình ở nhiều vùng xa xôi bị chia cắt vẫn chưa được đánh giá hết. Nhiều con đường trên núi bị bẻ gãy hoặc chặn đứng sau các trận lở núi.

    Sau trận động đất, nhiều người bị thương được chở đến các bệnh viện ở Kathmandu. Hơn 700 người đã chết tại thủ đô. Rất nhiều người đã ngủ ngoài trời đêm thứ Bảy vì nhà họ bị sập hoặc sợ dư chấn, BBC đưa tin.

    Phát biểu trên truyền hình Ấn Độ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal Minendra Rijal nói: “Đất nước chúng tôi đang trong cơn khủng hoảng và cần rất nhiều sự giúp đỡ, viện trợ”. Nhiều quốc gia và tổ chức từ thiện đã đề nghị giúp đỡ Nepal.
  
Theo Bình Giang - Trần Hoàng
Tiền Phong